Khán giả trẻ thích màn kết hợp Chèo và Rap

13:16, 27/01/2014
|

(VnMedia) - Trong khi ca khúc Cô thợ hàn do Mr Đàm thể hiện không nhận được nhiều sự bình chọn của hơn 200 khán giả tại trường quay (45,80%) thì tiết mục Tiến lên chiến sĩ đồng bào của 2 Rapper: Big Daddy, Justa Tee và 2 nghệ sĩ chèo Trọng Thủy, Thành Nam lại được yêu thích gần như tuyệt đối (90,77%).


Ảnh minh họa

Màn kết hợp nghệ sỹ Chèo và nghệ sỹ Rap trong bài hát Tiến lên chiến sỹ đồng bào


Tối ngày 25 tháng 1, số phát sóng đầu tiên mang chủ đề “Bài ca năm tấn” của Chương trình Truyền hình Giai điệu Tự hào đã chính thức lên sóng VTV1. Các ca khúc kinh điển, từng ghi dấu đậm nét trong kí ức nhiều thế hệ khán giả đã bước lên sân khấu Giai điệu Tự hào với những màu sắc mới mẻ.

Còn nhớ, tại buổi họp báo ra mắt chương trình ngày 16 tháng 1 vừa qua, Nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc âm nhạc của Chương trình đã chia sẻ: “Giai điệu Tự hào không làm mới tất cả các ca khúc kinh điển. Có những ca khúc buộc lòng phải giữ nguyên tinh thần, khí thế lịch sử nhưng cũng có những ca khúc có thể được phá cách trong một chừng mực nhất định. Nhưng chuẩn mực đến đâu và phá cách đến đâu để vừa giữ được tinh thần của bài hát, vừa thổi vào hơi thở của thời đại, giúp các thế hệ khán giả xích lại gần nhau, đây thực sự là một thách thức với tôi”. Nếu chưa xem Giai điệu Tự hào, ắt hẳn nhiều người khá mông lung về lời chia sẻ của vị nhạc sĩ “Đường xa vạn dặm” nhưng khi xem số phát sóng đầu tiên thì tinh thần âm nhạc đã khắc họa rõ nét lời nói trước đó của anh.


Ảnh minh họa

Đàm Vĩnh Hưng với tiết mục Cô thợ hàn


Giữ nguyên sắc thái kinh điển

Sắc màu âm nhạc cách mạng chuẩn mực được giữ nguyên vẹn trong tác phẩm “Tôi là người thợ lò” do NSND Quang Thọ thể hiện. Thời gian có thể làm mái tóc ông bạc màu, nếp nhăn trên trán hằn sâu, nhưng trong giọng hát của ông, chất hào sảng, oai hùng vẫn còn nguyên vẹn suốt gần 45 năm ca hát. “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ…”, khi giai điệu quen thuộc ấy được cất lên, cả khán giả lớn tuổi lẫn trẻ tuổi đều đồng thanh hát theo ca khúc. Nhà báo Quỳnh Hương, một trong những đại diện của Hội đồng bình luận chia sẻ: “Qua tiếng hát NSND Quang Thọ, người thợ mỏ mang tâm thế của người anh hùng đi mở cõi”.

Ca khúc này cũng được hai hội đồng khách mời bình luận của chương trình tranh cãi nảy lửa. Nếu như NSND Trung Kiên cho rằng đây là một trong những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, Nhạc sĩ – Nhà thơ Thụy Kha coi bài hát là một trong những trường ca có thể sánh ngang tầm các trường ca khác trên Thế giới thì Thạc sĩ – Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, cây bút nổi tiếng của báo Tuổi Trẻ lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Anh nói, với anh “Tôi là người thợ lò” chỉ đơn thuần là một ca khúc cổ động. Nó hay khi hoàn thành sứ mệnh cổ động chính trị ở quá khứ, anh không thấy xúc động khi nghe bài hát này.

Hai hội đồng bình luận tìm thấy tiếng nói chung trong câu hỏi: “Tại sao ngày hôm nay không thể có những ca khúc về ngành nghề hay như vậy, có phải chăng nhạc sĩ hiện đại đang thiếu thực tế một cách thảm hại?”. Lý giải cho điều này, NSND Trung Kiên cho rằng: để sáng tác ra ca khúc Tôi là người thợ lò, nhạc sĩ Hoàng Vân ngày xưa ăn ngủ, làm việc trong hầm mỏ cùng những người thợ nhưng đại đa số nhạc sĩ thời nay thích sáng tác những gì nhanh, dễ viết, dễ nghe. Nhiều nhạc sĩ thiếu nghiệm sinh trầm trọng. Tuy nhiên Tôi là người thợ lò vẫn được 90,70% khán giả tại trường quay bấm phím bình chọn yêu thích.

“Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là biểu trưng cho ý tưởng mang hai thế hệ giọng ca vàng tiếp nối của chương trình. Bản phối đơn sơ, âm thanh chỉ thu trực tiếp qua đài catsette nhưng đầy xúc cảm của cố NSND Quốc Hương khi kết hợp cùng tiếng hát của ca sĩ Đức Tuấn đã tạo nên một tổng thể hoàn hảo, mới mẻ cho phần biểu diễn này. Chia sẻ về những câu chuyện bên lề ca khúc, Kiến trúc sư Hoàng Phương - khách mời bình luận trẻ cho rằng nên có một bài hát về ngành xây dựng hợp thời đại hơn, báo động về những ngôi nhà siêu mỏng, méo mó và cảnh đô thị bất hợp lý ngày nay. Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Văn Như Cương lại ước một cách hóm hỉnh: “Tôi ước chúng ta xây được những ngôi nhà cao, cao mãi nhưng giá cả lại thấp, thấp mãi”. Ca khúc Những Ánh sao đêm cũng nhận được 84,55% sự ủng hộ của khán giả tại buổi ghi hình.

Ca khúc Cô thợ hàn là tiết mục nhận được tỷ lệ bình chọn thấp nhất chương trình (45,80%). Theo Nhà báo Quỳnh Hương, nếu xét trên phương diện chính trị, ca khúc đã hoàn tốt công việc của mình nhưng nếu đứng trên cương vị âm nhạc thì ca từ, giai điệu của Cô thợ hàn quá thô sơ, đơn giản, chưa đạt tới mức kinh điển như những tác phẩm khác.


Ảnh minh họa

Mặc dù là ngôi sao đương đại đang rất "hot" nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn là ca sỹ nhận được bình chọn thấp nhất tại trường quay với ca khúc Cô thợ hàn


Màu sắc âm nhạc phá cách trong Giai điệu Tự hào

 Sự xuất hiện của Kiều Anh, ca nương thuộc thế hệ thứ bảy của giáo phường ca trù Thái Hà là hơi thở mới của số phát sóng đầu tiên này. Nếu ai theo dõi vòng chung kết Vietnam’s Got Talent 2013 chắc sẽ không lạ lẫm với cô gái 19 tuổi này, người từng được nhạc sĩ Huy Tuấn gọi là “của hiếm” khi đem ca trù vào world music. Bước lên sân khấu Giai điệu Tự hào lần này, Kiều Anh đã kết hợp cùng các nghệ sĩ chèo và tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Thanh Phương, đem đến một sắc diện mới cho ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, bài hát gắn liền với tên tuổi của NSND Thu Hiền. Qua tiếng hát của mình, cô mang tới một Quảng Bình ngày nay sôi nổi, tươi mới hơn Quảng Bình những năm 1964 - khi bài hát được ra đời. Ca khúc này cũng được khán giả tại trường quay bình chọn nhiều nhất với 91,79%.

Nhận được 90,77% số lượng bình chọn của hơn 200 khán giả tại trường quay, ca khúc Tiến lên chiến sĩ đồng bào (nhạc Huy Thục - thơ Hồ Chí Minh) thực sự là điểm nổi bật về âm nhạc của Giai điệu Tự hào lần này. Quốc Trung thực sự táo bạo khi đặt hai cái tên đang nổi của dòng nhạc Underground - Justa Tee, Big Daddy cạnh hai nghệ sĩ đến từ Nhà hát chèo Việt Nam: Trọng Thủy, Thành Nam. Một bên áo thụng, mũ snapback bụi phủi, bên kia là áo nâu, khăn chít; phong cách rap hiện đại đối âm cùng cách hát truyền thống, quen thuộc. Tất cả hoà nhịp, tạo hiệu ứng đặc biệt cho ca khúc cũ, làm người trẻ hứng khởi, khiến lớp khán giả cao niên cũng như chính tác giả ca khúc ngạc nhiên và thích thú.

Bất ngờ nhất là phần đọc rap thơ Tố Hữu của Big Daddy: : “Hỡi em yêu mà má em đổ dậy - Như buổi đầu hò hẹn say mê - Anh nắm tay em sôi nổi vụng về - Mà nói thật trái tim anh đó - Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ - Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều - Phần cho thơ và phần để em yêu - Chào 61 đỉnh cao muôn trượng - Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng - Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu - Trông lại nghìn xưa trông đến mai sau”. Vẫn hào hùng, sôi nổi, bừng bừng khí thế như Bài ca mùa xuân 1961, nhưng nét trẻ trung, không khí thời đại mới đã khiến ca khúc tươi mới hơn rất nhiều.

Với ekip sản xuất đây cũng chính là đại diện tiêu biểu cho ý tưởng âm nhạc của chương trình - mang giá trị kinh điển trong âm nhạc đã được đóng đinh bởi các thế hệ gạo cội đi trước vào quan điểm nghệ thuật của những thế hệ đi sau. Nghe ca khúc này, nhạc sĩ Huy Thục người phổ thơ ca khúc đã thực sự thích và mãn nguyện với sự phá cách này. Nhạc sĩ Trần Lập cũng cùng quan điểm, đây chính là điểm sáng về âm nhạc của chương trình, anh dành cho bản phối của nhạc sĩ Quốc Trung một điểm cộng.

Số phát sóng đầu tiên mang chủ đề Bài ca năm tấn của Giai điệu tự hào đã khép lại. Hai ca khúc được tỷ lệ bình chọn của khán giả tại trường quay cao nhất là Quảng Bình quê ta ơi (91,79%) và Tiến lên chiến sĩ đồng bào (90,77%). Kết quả bình chọn của khán giả tại trường quay chỉ chiếm 70% giá trị, 30% còn lại phụ thuộc vào tin nhắn bình chọn của khán giả truyền hình. Sau mỗi chương trình, hai ca khúc có tổng bình chọn cao nhất sẽ bước vào đêm Gala tôn vinh, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2015.


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc