Sau kỳ thoái trào, phim video hồi sinh mạnh mẽ

11:22, 17/10/2013
|

(VnMedia) - Không hẹn mà gặp, 2 đài truyền hình lớn là VTV và HTV gần như cùng lúc triển khai song song 2 chương trình phim video vào giai đoạn này. Trong Liên hoan phim vừa kết thúc, phim video cũng hồi sinh tích cực với nhiều chú ý.


>> Phim về Phan Bội Châu có thể dự LHP Việt Nam

>> Dấu ấn của phim video trong điện ảnh Việt
 

VTV và HTV không hẹn mà gặp

 

Tuần qua, Đài Truyền hình Việt Nam vừa họp báo công bố sự trở lại của dòng phim video trên sóng VTV1 vào khung giờ 21h30 Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 20/10 tới.

 

Trước đó một tháng, Đài Truyền hình TP.HCM cũng đã cho lên sóng chương trình phim video vào khung giờ 15h Chủ nhật hàng tuần trên sóng HTV9 bắt đầu từ ngày 15/9..

 

Ảnh minh họa

Từ 20/10 tới, phim video sẽ trở lại trên VTV


Đây có thể nói là một sự rất tình cờ khi 2 đài truyền hình lớn (coi như 2 đơn vị độc lập) gần như trong cùng một thời điểm lại đồng thời triển khai một chương trình giống nhau. Rất tình cờ, bởi thể loại phim video đã rất lâu vắng bóng trên sóng truyền hình, đến mức hầu như người ta còn chẳng nhớ, thậm chí chẳng còn có khái niệm về nó. Mà đây không chỉ là một dự án nhỏ mà là một kế hoạch, một chủ trương mang tính thay đổi xu hướng.

 

VTV đã triển khai chương trình này từ cách đây hơn 1 năm. Bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Phó Trưởng Ban Thư ký biên tập cho hay, sau khoảng một năm phát động tìm kiếm kịch bản, đã có 120 kịch bản gửi đến nhà Đài. Sau khi thẩm định, còn hơn 20 kịch bản đạt được đầy đủ các tiêu chí sản xuất của VTV đề ra. Cho tới nay, đã có hơn 10 phim hoàn thành như: Nữ xế, Ám ảnh, Tâm bão, Những tia nắng ấm…

 

Nếu VTV triển khai theo hướng huy động kịch bản và chọn lọc sản xuất, thì HTV phối hợp với công ty Kiết Tường để triển khai dự án này. Cũng với phương án huy động kịch bản, bà Phạm Thị Dung – Giám đốc Kiết Tường cho biết, công ty có trong tay gần 30 kịch bản và đã đưa vào sản xuất khoảng hơn 10 phim như Rubic nhiều mặt, Tâm hồn trẻ thơ, Nụ cười của gấu con, Món quà bất ngờ…

 

Như vậy, từ giờ, vào Chủ nhật hàng tuần, khán giả màn ảnh nhỏ có cơ hội thưởng thức 2 phim truyện video trên sóng truyền hình. Đây là một tin vui cho những người yêu phim bởi phim video là một dạng phim điện ảnh, hoàn toàn khác với những thể phim truyền hình.

 

Phim video hồi sinh trong giải thưởng điện ảnh

 

Tháng 8, trước khi khởi động Liên hoan phim năm nay, VnMedia đã lo ngại việc hạng mục Phim video không có tác phẩm nào tham gia tranh giải. Bởi khi ấy, hầu như không thấy dấu hiệu nào của sự tồn tại những phim video.

 

Ảnh minh họa

 
Phim video như đã nói có giai đoạn hoàng kim được chiếu rạp như phim truyện nhựa (lúc đó chưa có phim truyện kỹ thuật số). Sau đó đến giai đoạn hoàng kim khác trên sóng truyền hình khi xuất hiện đều đặn trong chương trình Điện ảnh chiều thứ 7, Văn nghệ Chủ nhật của VTV và Tạp chí Văn nghệ của HTV.


Ở 2 giai đoạn này, phim video được chú ý nhiều, được công chúng ghi nhớ với nhiều tác phẩm xuất sắc. Đồng thời, cũng trở thành một thể loại quan trọng trong các giải thưởng điện ảnh (Từ LHP Việt Nam lần thứ 9 năm 1990 ở Nha Trang giải Bông sen Vàng đã bổ sung hạng mục Phim video, còn giải Cánh diều ngay từ mùa giải đầu tiên năm 2003 đã có hạng mục Phim video – độc lập với 2 hạng mục Phim truyện điện ảnh và Phim truyền hình).

 

Thế nhưng, những năm gần đây, phim video ngày càng mất hút trong thực tế đời sống và trong các giải thưởng điện ảnh. Các kênh truyền hình hầu như chỉ tập trung phát sóng các series phim truyền hình dài tập, và đã lâu không còn thấy bóng dáng phim video nào.

 

Ở các giải thưởng điện ảnh, những giải thưởng dành cho phim video dần không còn gây chú ý. Từ thời những phim video được giải để lại nhiều ấn tượng như Giữa dòng (Mỹ Hà), Cầu thang tối (Đào Bá Sơn), Tôi vào đời (Nguyễn Quốc Hưng) những năm cuối 1990… đến được giải nhưng chỉ được để ý khiêm tốn như Nhà có 3 chị em (Đỗ Thanh Hải), Mùa Sen (Võ Tấn Bình), Sống chậm (Vũ Thái Hòa) những năm đầu 2000… sau này, các bộ phim video được giải chẳng còn mấy ai nhớ nổi.

 

Đặc biệt, 2-3 năm trở lại đây, hạng mục phim video ngày heo hút. Ở LHP Việt Nam kỳ trước, chỉ có vỏn vẹn 3 phim tranh giải (và đến giờ cũng chẳng mấy ai nhớ phim nào được giải). Trong khi đó, ở giải Cánh diều Vàng, năm 2011 chỉ có 3 phim tham dự, năm 2012 chỉ có 1 phim dự giải và năm 2013 vừa qua còn không có phim nào dự thi, đến mức “xóa sổ” luôn hạng mục này.

 

Đúng vào lúc người quan tâm tưởng rằng phim video đã hoàn toàn hết thời, thì bất ngờ nó hồi sinh mạnh mẽ, qua hàng loạt sự kiện - chỉ trong vòng 1-2 tháng vừa qua.

Đầu tiên, Đài truyền hình Việt Nam công bố hợp tác với nước ngoài thực hiện một dự án phim video gây chú ý rộng rãi là Người cộng sự. Rồi đến 2 dự án “làm sống lại” dòng phim video của HTV và VTV. Trong Bông sen Vàng kỳ này, phim video cũng bất ngờ có tới 6 phim dự giải.

Kết quả Bông sen Vàng hạng mục Phim video

Bông sen Vàng: Người cộng sự
Bông sen Bạc: Nước mắt người cha
Bằng khen: Suối nguồn, Bản tình ca màu xanh
Đạo diễn xuất sắc: Trần Trung Dũng (Nước mắt người cha)
Biên kịch xuất sắc: Thu Dung, Trung Dũng, Nguyễn Trực (Nước mắt người cha)
Quay phim xuất sắc: Nguyễn Mai Hiền - Ryuta Hoshi (Người cộng sự) 
Thiết kế mỹ thuật: Đặng Trọng Tuân - Miyazaki Morihiro (Người cộng sự)
Diễn viên Nam chính: Huỳnh Đông (Người cộng sự)
Diễn viên Nữ chính:  Emi Takei (Người cộng sự)
Diễn viên Nam phụ: Lê Chí Kiên (Nước mắt người cha)
Diễn viên Nữ phụ: Hồng Thi (Suối nguồn)


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc