Những giây phút yên bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

14:10, 09/10/2013
|

(VnMedia) - Trong đời thường, Đại tướng có hai sở thích: Chụp ảnh và chơi đàn piano. Ngoài chiếc máy ảnh ông vẫn luôn mang theo trong nhiều lần đi chiến dịch hay trên mọi nẻo đường công tác, thì chơi đàn piano là một cách để thư giãn sau những bề bộn căng thẳng của việc nước, việc quân.

Không chỉ là một vị tướng tài, nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là tay piano khá điêu luyện và đặc biệt mê làn điệu dân ca Việt.

Chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp học chơi đàn, chúng tôi được nghe kể từ chính người đã dạy ông từ những phím, nốt piano đầu tiên - cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vợ nhà văn Đào Vũ. Năm nay bà Hạnh đã 78 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, mắt sáng, bàn tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím đàn, hồi tưởng lại lúc còn kèm đàn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà kể:

 Ảnh minh họa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm chú luyện đàn dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh khoảng năm 1964 - Ảnh: Bà Hạnh cung cấp


“Chừng đầu 1963, tôi bắt đầu hướng dẫn piano cho anh Văn (cách gọi thân mật của cô giáo Hạnh). Dù chỉ học để thư giãn cho bớt căng thẳng vì công việc nhưng anh học rất nghiêm túc, chăm chỉ luyện tập. Trong những năm tháng đó, tôi cùng gia đình đi sơ tán ở tận Bắc Giang nhưng vẫn thu xếp về Hà Nội dạy đàn đều đặn cho anh mỗi tuần. Anh Văn thông minh lắm nên tiếp thu kỹ thuật piano nhanh, bận đến mấy anh cũng không bỏ học. Mỗi tháng tôi giao chừng 2 - 3 bài mới nhưng anh Văn đều thuộc hết. Nhiều kỹ thuật khá khó, nhất là đối với người nhiều tuổi mới bắt đầu học lại càng khó hơn nhưng bàn tay anh điêu luyện lạ thường trên phím đàn”.

Bà chia sẻ thêm “Tôi còn nhớ, anh Văn rất mê dân ca Việt Nam , đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau các bài luyện kỹ thuật, những bài đầu tiên anh yêu cầu dạy là làn điệu: trống cơm, qua cầu gió bay, cò lả hay những bài hát về Tây nguyên, chiến thắng Điện Biên… Hai năm sau, tức là năm 1965, tôi bắt đầu đi du học ở Liên Xô thì anh Văn cũng tạm ngừng học đàn. Lúc này, anh đã thạo rất nhiều bản nhạc trong nước, ngoài nước. Anh Văn đặc biệt mê piano. Tôi còn nhớ như in, trong thời gian du học, có lần nhân chuyến thăm Liên Xô, anh Văn còn tranh thủ nhờ tôi ôn bài. Dịp đó, nhiều bản nhạc dân ca Việt Nam đã vang lên ngay trên đất Liên Xô bên cạnh những bản Elise của Beethoven, Roudo của Mozart… qua những ngón đàn khá ngọt của anh. Đầu những năm 1970, tôi về nước và tiếp tục dạy đàn cho anh Văn. Sau này, khi đã thành thạo, anh rất thích chơi 4 tay (2 người cùng đánh một bản nhạc trên một đàn) với tôi”.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp với tên gọi thân mật từ xưa là anh Văn vốn là một nhà quân sự rất yêu thích văn học và nghệ thuật. Anh Văn đọc nhiều, tiếp xúc nhiều với các nhà văn, là tác giả của nhiều tập hồi ký văn học. Riêng về âm nhạc, anh đã từng chơi đàn piano từ mấy chục năm nay.

 Ảnh minh họa
 
Trên cương vị một vị tướng cầm quân, một Tổng tư lệnh quân đội, hay một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phải góp phần quyết định những vấn đề lớn của chiến tranh, tiếng đàn có lẽ đã tạo nên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp những giây phút thư thái, bình lặng trong những ngày căng thẳng, bề bộn của bao việc nước, việc quân.

Trong những năm tháng căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh leo thang của không lực Hoa Kỳ ra miền Bắc và còn điều quan trọng nữa, sau này mới được biết, đó là trong những ngày phải quyết định những vấn đề nghiêm trọng nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, cây đàn vẫn vang lên âm thanh của tiếng đàn piano, khi ung dung hoặc có khi rộn rã, thúc giục.

Trung tướng Phạm Hồng Cư từng bày tỏ “Bản thân Đại tướng là người giàu tình cảm, là nhà trí thức vì vậy đời sống văn hóa tinh thần của ông phong phú. Nếu gần gũi ông, ta sẽ thấy sau những giờ làm việc liên tục, Đại tướng chơi đàn piano để giải tỏa tinh thần, để thư giãn. Hằng ngày, ông vẫn đều đặn tập thiền và đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, đi đâu ông cũng mang theo cuốn sách bên mình. Về quê, có khi ông ngồi dưới gốc cây khế, cây mít vừa hóng mát vừa đọc sách. Rất bình dị.

Nhiều lần theo Đại tướng về quê nhà Quảng Bình, tôi quan sát thấy ông có sở thích rất giản dị như thích ăn các món như cá khô, rau lang, rau muống luộc,… Ông cũng rất thích nghe làn điệu hò khoan, hay bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam , Đại tướng rất quan tâm tới anh em chiến sĩ. Đại tướng luôn hướng về chiến trường xưa, luôn mong mỏi được thăm lại những đồng bào, chiến sĩ đã từng chia sẻ với ông những củ sắn lùi, cùng đắp chung chiếc chăn rách”.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bày tỏ: Ông thích chạy bộ, thi thoảng chơi đàn piano.

Ông Huân vẫn nhớ từng thói quen của vị Tổng tư lệnh đầu tiên của QĐND Việt Nam như niềm say mê công việc, ngay cả lúc đi bộ tập thể dục trong vườn cũng phải vừa đi vừa nghe tin tức thời sự. “Đại tướng thường thong thả chăm sóc cây vườn, ngồi thiền hay chơi đàn piano mỗi buổi chiều sau giờ làm việc” – ông Huân nói.

Khi được tin Đại tướng từ trần, Thiếu tướng - Nhạc sĩ An Thuyên đã sáng tác ngay ca khúc “Tiếng đàn”. Ông viết trên đầu khuông nhạc: “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lớn. Tôi viết bài hát này dựa trên hình ảnh có thật trong cuộc đời Ông: Ông vẫn luôn thích chơi đàn Piano vào những giây phút yên bình…”.

Đại tướng chơi đàn là một hình ảnh đặc biệt, thể hiện chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn ông. Nhạc sĩ An Thuyên đã chọn chi tiết đó để ngợi ca Đại tướng bằng cảm nhận riêng của mình với “tiếng đàn vị tướng mười ngón tay thô, lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời” (trắng đen của phím đàn piano)…

Nhạc sĩ An Thuyên thể hiện cảm nhận của ông về tiếng đàn của Đại tướng bằng những lời thiết tha: “Tiếng đàn đồng chí, rạng rỡ non sông, áo xanh bạc màu thủy chung đồng đội. Tiếng đàn Tổ quốc, toàn thắng reo ca, cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi. Tiếng đàn Đại tướng, trời đất yêu thương, khóc cho dân tộc, khuất xa một người”.


Ý kiến bạn đọc