Có nên bỏ giải thưởng Bông sen hay Cánh diều?

18:48, 24/10/2013
|

(VnMedia) - Bông sen Vàng và Cánh diều Vàng nhiều lần được đặt vấn đề sát nhập hoặc bỏ bớt 1 giải thưởng. Với trung bình vỏn vẹn 1,5 giải thưởng điện ảnh/năm, việc loại bỏ bớt giải thưởng điện ảnh ở Việt Nam là chuyện hài.

>> Những vị trí xuất sắc của Bông sen Vàng

>> Cánh diều bay mãi chưa thoát kiếp nghiệp dư !

Phát ngán điệp khúc “phim nhảm” trên báo chí Việt

Phim thảm họa vẫn tự tin dự LHP, Thêm nhiều phim siêu nhảm tranh Bông sen Vàng… là những cái tít mang nhiều tính giật gân xuất hiện dày đặc trên báo chí Việt. Những cái tít kiểu này quá cũ và hầu như không giá trị mà vẫn liên tục được lôi ra sử dụng cứ mỗi lần đến một kỳ giải thưởng Bông sen hay Cánh diều.

Ảnh minh họa

Có nhiều phim dự giải nhưng điệp khúc chung vẫn là nhấn mạnh khu vực phía đáy


Đây là những cách đặt vấn đề rất cũ, bởi nó hoàn toàn không mang tính phát hiện, chỉ đơn giản là một sự hăng hái chứng minh Thị Nở là vô cùng xấu gái (điều mà về cơ bản là hai năm rõ mười). Tức là báo chí cứ nhấn mạnh những điều hiển nhiên theo một cách hết sức giật gân.

Gọi là những lối viết giật gân, bởi đó (nội dung của những cái tít đó) hoàn toàn không phải là những vấn đề quan trọng của một kỳ liên hoan phim. Bởi thực tế đó (sự tham gia của những phim nhảm) hầu như không hề ảnh hưởng đến chất lượng giải thưởng.

Vì sao? Vì chất lượng giải thưởng luôn luôn nằm ở phía đỉnh, chứ không bao giờ nằm ở phía đáy. Việc Bông sen Vàng thuộc về ai sẽ CHỈ phụ thuộc vào việc top trên có bao nhiêu phim hay, chứ chẳng khi nào liên quan đến việc top dưới có bao nhiêu phim nhảm.

Có thêm vài Hello cô Ba nữa thì Bông sen Vàng vẫn bảo toàn kết quả - và giữ nguyên chất lượng (vì nó sẽ luôn luôn là những phim nào đó chẳng phải Hello cô Ba). Vì thế, cứ nhấn mạnh mỉa mai như điệp khúc phim nhảm dự thi là điều gần như vô nghĩa. Và không mấy giá trị.

2 giải thưởng điện ảnh là “quá nhiều”?

Những năm gần đây, các giải thưởng điện ảnh Việt thường bị lôi ra mổ xẻ nhiều, thậm chí từng bị kêu nên hủy bỏ.

Trong khi, LHP quốc tế Hà Nội là liên hoan phim quốc tế duy nhất ở Việt Nam lúc này và sự ra đời của nó đã là quá muộn màng. Và sự tồn tại của nó hẳn nhiên là tất yếu.

Còn 2 giải thưởng điện ảnh quốc gia là Bông sen và Cánh diều được “kết tội” là dễ nhàm bởi "có một loạt phim đã dự Cánh diều rồi lại… xuất hiện ở Bông sen."

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với Bông sen 2 năm/lần và Cánh diều 1 năm/lần, điện ảnh Việt đang có tương đối ít giải thưởng chuyên môn


Thực ra, các giải thưởng điện ảnh quốc nội ở bất kỳ đất nước nào cũng có sự dẫm chân lẫn nhau. Như Oscar thì có lẽ đến 70 – 80% tác phẩm tranh giải đã từng kinh qua Quả cầu Vàng hay các giải của Hiệp hội Đạo diễn, Hiệp hội Diễn viên…

Ở Trung Quốc, ngoài các LHP quốc tế Thượng Hải, LHP quốc tế Bắc Kinh còn hàng loạt giải thưởng điện ảnh quốc nội như LHP Bách Hoa Kim Kê của Hội Điện ảnh (thường niên) từ năm 1981, giải Hoa Biểu của Cục Điện ảnh (2 năm/lần) từ năm 1957, chưa kể các giải của LHP Trường Xuân, giải của Hiệp hội Đạo diễn, giải của Hiệp hội Biểu diễn…

Ở Hàn Quốc, ngoài các LHP quốc tế Busan, LHP Gwangju nơi mới vinh danh đạo diễn Đặng Nhật Minh, LHP viễn tưởng Puchon, còn có các giải thưởng điện ảnh quốc nội như Daejong (thường niên) của Bộ Văn hóa từ năm 1962, LHP Rồng Xanh (cũng thường niên) từ năm 1963 chưa kể các giải như PaekSang Arts Awards, giải của Hiệp hội Đạo diễn, Hiệp hội Phê bình phim, Hiệp hội Báo chí…

Việt Nam mới có 2 giải thưởng điện ảnh quốc nội, mà 1 giải Bông sen (2 năm/lần) và 1 giải Cánh diều (1 năm/lần), tức là trung bình 1 năm mới có 1,5 giải thưởng điện ảnh.

Với cái lý năng lực sản xuất của nền điện ảnh Việt còn khiêm tốn, mỗi năm chừng 20 phim, trong đó có nhiều phim giải trí bị coi là thảm họa, rất nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt một giải thưởng điện ảnh.

Thực tế, với sản lượng này, trong đó khiêm tốn khoảng 10 phim xem được/năm, thì Cánh diều và Bông sen hoàn toàn đủ tự tin tổ chức một giải thưởng ổn (với Cánh diều) và sôi động (với Bông sen).

(Còn tiếp)


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc