Vào đúng ngày tổ chức tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 12/10, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam sẽ có chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên “Điện Biên” để tưởng nhớ người anh hùng vĩ đại của dân tộc vừa qua đời. Chương trình sẽ được phát sóng đúng vào ngày tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng trên kênh VTV2.
Sáng 9/10, giữa buổi tập của dàn nhạc, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã nói về ý tưởng của chương trình mà chính ông chỉ huy: “Anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Là vị tư lệnh tối cao của quân đội, ông luôn là tấm gương về sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hết mình với công việc. Tấm gương rèn luyện ấy được ông thể hiện cả trong việc học đàn. Giữa những năm chống Mỹ cứu nước, từ khoảng 1966-1970, Đại tướng miệt mài học piano.
Ông học một cách rất chăm, rất cơ bản: Tập từ gam, ngón, đến bài hoàn chỉnh. Ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào ngồi bên chiếc đàn dương cầm, ung dung, phiêu bồng chơi một bản nhạc yêu thích. Rất tiếc là đến giờ không có một bản ghi âm nào về những bài Đại tướng đã từng chơi - lúc còn khỏe. Người trực tiếp hướng dẫn cho Đại tướng học đàn là cô Hồng Hạnh (vợ nhà văn Đào Vũ). Hồi bé, tôi học cùng anh Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng, tôi được biết là ông học đàn rất chăm chỉ, rất nguyên tắc giờ giấc.
Đại tướng đặt lịch học hẳn hoi, chứ không phải thích lúc nào thì học lúc ấy. Có lẽ vì ông hiểu rằng phải khổ luyện thì mới thành nghệ sĩ được... Biết tin ông mất, anh em văn nghệ sĩ rất xúc động. Lúc đầu, chúng tôi có ý tưởng viết một tác phẩm bằng những âm thanh, giai điệu của VN để dùng trong tang lễ của Đại tướng, nhưng không đủ thời gian...”.
Vẫn là những giai điệu quen thuộc, ghi dấu ấn của cuộc chiến tranh chống Pháp và gắn bó với nhân dân một thời: “Giải phóng Điện Biên”, “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận); “Hò kéo pháo”, “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân); “Sông Lô” (Văn Cao); “Có một cánh rừng như thế” (Doãn Nho)..., nhưng được các nhạc sĩ phối cho dàn nhạc giao hưởng, vì thế nó mang âm hưởng hào hùng, sang trọng và sâu lắng. Đây là lần đầu tiên “Quảng Bình quê ta ơi” và “Hò kéo pháo” được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc sĩ Minh Đạo viết lại cho dàn nhạc giao hưởng.
Trong chương trình còn có: Trích đoạn “Rhapsody Việt Nam” - chương “Tây Bắc” (Đỗ Hồng Quân) và “Trở về Điện Biên” (Trần Trọng Hùng), bản “Giao hưởng số 6” của Tchaikovsky, “Giao hưởng số 3” của Beethoven - đây là những bản nhạc được các nước trên thế giới thường tấu lên trong các tang lễ quan trọng.
“Với thiết kế chương trình như vậy, tôi nghĩ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của anh em nghệ sĩ nói chung, đó là: Tiễn đưa Đại tướng bằng những giai điệu âm nhạc mà lúc sinh thời ông yêu thích hoặc có gắn bó với sự nghiệp của ông...” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bổ sung.
Ý kiến bạn đọc