Tuổi 20 hát: Không chỉ là cuộc dạo chơi

07:47, 30/09/2013
|

(VnMedia) - Đêm chung kết cuộc thi Tuổi 20 hát đã diễn ra vô cùng sôi động với chất lượng chuyên môn cao. Sau hai phần thi, trường Đại học Thăng Long đã được xướng tên là chủ nhân của giải Quán quân, khép lại năm đầu tiên của Tuổi 20 hát mà ở đó, không chỉ là cuộc dạo chơi, mà nó còn mang ý nghĩa tốt đẹp cho dòng nhạc Cách mạng vốn từng bị khán giả trẻ quên lãng trong thời gian qua.


Ảnh minh họa

Các đội thi trong đêm chung kết Tuổi 20 hát

Trải qua 2 tập tìm kiếm, 5 liveshow và đêm chung kết được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV6, có thể nói Tuổi 20 hát thực sự đã mang lại nhiều niềm hy vọng cho thị trường âm nhạc chuyên nghiệp trong việc “làm mới” những giá trị truyền thống, không chỉ là dòng nhạc Cách mạng mà nhìn rộng ra, là những ca khúc “xưa” từng vang bóng một thời.

Ý tưởng của Tuổi 20 hát thực ra không mới, bởi trước đó, những Tùng Dương, Lan Anh, Thái Thùy Linh đã từng thành công với việc khoác cho nhạc đỏ, nhạc dân gian những tấm áo mới, nhận được sự cổ vũ của giới chuyên môn và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Nhưng “làm mới” nhạc Cách mạng, mà tổ chức hẳn một cuộc thi dành cho sinh viên như Tuổi 20 hát thì VTV6 là đơn vị đầu tiên, xứng đáng trở thành người tiên phong trong thị trường biểu diễn, cho dù nhìn dưới góc độ chuyên môn, nhiều người cho rằng đây chỉ là “cuộc dạo chơi” giống như nhiều chương trình dành cho sinh viên khác.

Nhưng nếu ai có mặt trực tiếp trong đêm chung kết xếp hạng với sự tham gia của 4 trường xuất sắc nhất: Đại học Thăng Long, Đại học KTQD, Đại học Kiến trúc và Đại học Sư phạm Hà Nội mới thấy sự chuyên nghiệp không kém bất kỳ một cuộc thi hát nào trên truyền hình hiện nay, từ chất lượng giọng hát, phong cách biểu diễn tới các bản phối khí cực kỳ mới mẻ và ban nhạc chơi rất nhuần nhuyễn, “ăn xăm”. Nhạc sỹ Hồ Hoài Anh đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc, các ca sỹ Minh Quân, Hoàng Bách, Khánh Linh làm Huấn luyện viên cho các đội. Nhạc sỹ Dương Cầm phụ trách phối khí và trực tiếp “điều hành” ban nhạc Back ground đã thực sự có công rất lớn trong việc tạo nên những phần trình diễn hấp dẫn.

Ảnh minh họa

Tiết mục dự thi của Đại học Thăng Long

Việc “làm mới” nhạc Cách mạng ngay như trong Tuổi 20 hát cũng đã nhận được những ý kiến trái chiều, nhưng không nhiều. Đa số đều ủng hộ sự “làm mới” rất đáng yêu của các đội. Rõ ràng, với những ca khúc từng một thời vang bóng, thế hệ cha chú của những bạn sinh viên ngày hôm nay từng sinh ra những ca khúc đó và sống với nó trong khí thế chiến đấu hừng hực của tuổi trẻ thời chiến. Đến hôm nay, khi chiến tranh đã lùi rất xa và các bạn sinh viên 9x đều sinh ra trong thời bình, nhưng họ vẫn yêu, vẫn trân trọng những giá trị truyền thống từng góp phần làm nên lịch sử của dân tộc, và họ lại cất lên những câu hát mà mấy chục năm trước, ông bà, cha mẹ họ từng sống với nó. Đó là một điều vô cùng ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy và tiếp nối những truyền thống quý báu của dân tộc qua dòng chảy âm nhạc.

Vẫn là những ca khúc ấy, chỉ có điều, các bạn sinh viên ngày hôm nay hát bằng tinh thần khác, hiện đại hơn, mới mẻ hơn và mang hơi thở cuộc cuộc sống ngày hôm nay một cách đậm nét hơn. Khán giả chắc sẽ vô cùng thích thú khi nghe Vân Anh (ĐH Thăng Long) hát Cô gái vót chông bằng một tinh thần khác, vẫn hừng hực khí thế, đầy khao khát, cháy bỏng nhưng lại rất trẻ và trong sáng, hồn nhiên. Hay như tiết mục Lên ngàn của Đại hoc sư phạm được hát theo phong cách opera rock hoàn toàn lạ tai và mang nhiều tính hiện đại, nhưng vẫn thể hiện được sự mạnh mẽ, niền tin chiến thắng của người phụ nữ thời chiến…

Hàng loạt những ca khúc như Dậy mà đi, Kim Đồng, Tình em, Bài ca bên cánh võng, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca trên núi… đã được các bạn sinh viên thể hiện trên sân khấu Tuổi 20 hát đã làm sống lại ký ức một thời của những khán giả trung niên, và làm háo hức và đầy phấn khích đối với các khán giả trẻ có mặt ở sân khấu.

Ảnh minh họa

Phần trình diễn của Đại học Sư phạm Hà Nội

NSƯT Hồng Liên ngồi dưới hàng ghế khán giả và chăm chú theo dõi các đội thi. Chị không chỉ cổ vũ mà còn hát theo tất cả các ca khúc trên sân khấu. NSƯT Hồng Liên tâm sự: “Mình rất xúc động khi thấy thệ hệ con cháu mình, những bạn trẻ ngày hôm nay vẫn dành cho nhạc Cách mạng một tình yêu tha thiết và nồng cháy, ít nhất như các bạn sinh viên tối nay. Họ đã hát bằng trái tim của thời đại, mới mẻ, trẻ trung mà vẫn truyền tải được tinh thần của các ca khúc nhạc Cách mạng. Hồng Liên mong rằng các bạn tiếp tục yêu nhạc Cách mạng không chỉ trong cuộc thi này, mà là trong cuộc sống hàng ngày, đó là điều rất quý giá, góp phần làm sống lại những giá trị truyền thống của cha anh một thời sản sinh và đã sống hết mình với nó”.

Tuổi 20 đã khép lại nhưng dư âm của nó chắc chắn sẽ còn tiếp tục với ekip thực hiện chương trình và các bạn sinh viên tham gia. Qua cuộc thi này, có thể thấy tình yêu mà khán giả trẻ dành cho nhạc Cách mạng chưa bao giờ phai nhạt. Chúng ta từng lo ngại công chúng trẻ quay lưng với dòng nhạc này, thì Tuổi 20 hát đã chứng minh điều ngược lại. Khán giả không quay lưng nếu các nghệ sỹ biết sáng tạo để những giá trị cũ sẽ được khoác một tấm áo mới vừa vặn và phù hợp với đời sống hôm nay, sẽ đi vào lòng những công chúng trẻ. Đó là điều mà Tuổi 20 hát đã làm được ở lần ra mắt đầu tiên này.


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc