Sống lại Nàng SiTa trên sân khấu Chèo Hà Nội

18:15, 13/09/2013
|

(VnMedia) - U60 nhưng NSƯT Quốc Chiêm vẫn lên sân khấu hát chèo rất ngọt trong vai diễn để đời của mình. Nhiều đoạn, khi anh cất tiếng, có những khán giả hô vang “Quốc Chiêm, Quốc Chiêm” và vỗ tay rần rần. Buổi diễn Nàng SiTa tại rạp Đại Nam tối qua 12/9 làm sống lại thời hoàng kim của vở diễn này.

Vở diễn Nàng SiTa là vở chèo đình đám một thời của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đây cũng là vở diễn duy nhất trong Liên hoan Lưu Quang Vũ lần này nổi tiếng không phải bởi sự liên hệ tới cái bóng hay cái tên “Lưu Quang Vũ” mà chính bởi sức sống riêng của nó.

Ảnh minh họa

 
Khác với những Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Điều không thể mất…, đây không phải một “tài sản dùng chung” của các nhà hát để khai thác theo những vở dựng khác nhau. Nàng SiTa có một đời sống khá độc lập với cái danh của Lưu Quang Vũ mà được biết đến dường như là một tài sản của Nhà hát Chèo Hà Nội, và có lẽ là một trong những vở diễn nổi tiếng nhất lịch sử nhà hát này.

Không chỉ quen thuộc với khán giả trên sân khấu thủ đô, vở diễn còn được đoàn Chèo Hà Nội mang đi lưu diễn nhiều nơi và phát sóng trọn vẹn nhiều lần trên truyền hình, và trở thành nằm lòng với đông đảo khán giả cả nước.

Vở diễn đã đóng dấu thương hiệu đoàn Chèo Hà Nội cùng sự vang danh tên tuổi cho các diễn viên Quốc Chiêm (hoàng tử - vua Pơ Liêm) và Lâm Bằng (nàng SiTa). Có lẽ nhiều khán giả đến với đêm diễn tối qua phần nhiều vì ký ức về Nàng SiTa hơn là biết nó liên quan đến Lưu Quang Vũ. Hoặc có thể có những khán giả đến với Liên hoan Lưu Quang Vũ (với các vở diễn được gán đủ các tính từ rất… Vũ) mà không tình cờ biết rằng mình đang xem một vở diễn vang dội của Nhà hát Chèo…

Ảnh minh họa

 
Và tối qua, nhiều khán giả từng say mê Nàng SiTa đã được sống lại với vở diễn trong một không khí hồ hởi và ấn tượng. Rạp Đại Nam - rạp nhà của Nhà hát Chèo - còn đông hơn những đêm diễn trước của liên hoan. Khán giả không chỉ ngồi chật ních các lối đi, mà còn đứng kín đặc ở 2 cánh cửa hai bên và 2 cánh cửa hậu. Những chiếc ghế nhựa được đưa vào phục vụ những khán giả ngồi sát sân khấu, lan tận cả những bậc thềm bước lên sàn diễn…

Nếu có một vở diễn nào xứng đáng được quay hình lại nhất trong liên hoan lần này thì chính là Nàng SiTa. Bởi sự đáng lưu giữ của hình ảnh và sự đáng “nếm cất” của âm thanh.

Trong sự chờ đợi, Nàng SiTa mở màn với cảnh diễn ấn tượng và hoành tráng. Sân khấu lộng lẫy với những thành quách, đền đài, với bức tượng sừng sững 3 mặt người nổi tiếng của Campuchia - nơi xưa kia là kinh thành vương quốc A-ot-di-a của Nàng SiTa.

Ảnh minh họa

 
Những không gian khác như những cánh rừng già dây leo cổ thụ, hang động của vua khỉ HaNuMan, sự xuất hiện đầy ám khí của Qủy Riếp hay giàn thiêu rực lửa Nàng SiTa đều đẹp và ít nhiều tạo cảm giác rợn ngợp… Đây cũng là một điểm khá thu hút của vở diễn dựa trên tích chuyện cổ của Campuchia, so với những không gian nhỏ xinh đình làng, chiếu hát, công đường, góc chợ… quen thuộc trong các vở chèo Việt.

Phần hát trong Nàng SiTa cũng gây ra được rất nhiều cảm xúc. Những câu hát trong các vở chèo Việt thường mang màu lanh lảnh kim khí kiểu những Nàyyy chị em ơi… còn trong Nàng SiTa là những giọng điệu tương đối du dương, tình cảm. Những câu ngân đẹp như “SiiTaa eemm hỡi…” dễ khiến khán giả say lòng vì màu sắc ngọt ngào của nó. Những giai điệu nền của dàn nhạc cũng được chơi rất hay.

Một trong những điểm nhấn của vở diễn là sự xuất hiện của NSƯT Quốc Chiêm ở hồi 2 của vở. 20 - 30 năm trước, Quốc Chiêm từng làm chàng hoàng tử đẹp trai Pơ Liêm, cùng với Nàng SiTa Lâm Bằng khiến khán giả Hà Nội và cả nước ngưỡng mộ. Giờ đây, ở tuổi 55, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội trở lại trong phần diễn khi Pơ Liêm về cung, lật đổ quân phản nghịch và trở thành vua.

Ảnh minh họa

 
Nghệ sỹ trẻ trong vai hoàng tử Pơ Liêm (có ngoại hình tương đối giống Quốc Chiêm) cũng diễn hay, nhưng có lẽ ấn tượng về Quốc Chiêm quá mạnh, nên sự xuất hiện của anh thu hút toàn bộ khán giả. Khi Quốc Chiêm ra sân khấu, dù trong trang phục mũ áo cung đình, nhiều người đã ồ, à thích thú nhận ra anh. Ở một số đoạn diễn, nhiều khán giả còn không ngần ngại hô vang “Quốc Chiêm, Quốc Chiêm”.

Sau đêm diễn, nhiều bà 60-70 tuổi, nhiều cô 40-50 tuổi hồ hởi bàn tán rôm rả về vở diễn, về những kỷ niệm thời nàng SiTa gây sốt ở Hà Nội. Bác Vinh và bác Ánh là hàng xóm với nhau ở tận cầu Thăng Long (cách 30 km) cho biết, họ đi xe bus vào nội thành từ chiều để xem, và khi về (hết giờ xe bus) thì gọi các con đến đón. Trong ký ức bác Vinh, hồi ấy, những năm 80, Nàng SiTa còn được mang vào diễn ở Hội trường Ba Đình và khán giả mua vé xem xếp hàng “kéo dài trăm mét”.

Ảnh minh họa

 
NSƯT Quốc Chiêm cho hay, Nàng SiTa diễn lần đầu vào năm 1983 và ngay những suất diễn đầu đã gây hiệu ứng khán giả rất tốt. Vở diễn nhanh chóng thành một hiện tượng và giai đoạn đó anh liên tục diễn 3 suất/ngày. Hết vở, chỉ lau son môi, ăn uống tạm, dưỡng sức chút rồi lại vào diễn suất kế tiếp. “Nhà hát đã đi diễn ở khắp nơi, sang cả Campuchia… Giai đoạn hoàng kim, khán giả phải đặt vé trước. Mà đặt vé bây giờ sang tháng sau mới được xem diễn”.

Nàng SiTa không phải một vở diễn quá sâu sắc hay đột phá. Nó là một vở bi kịch khá cổ điển, về tình yêu, sự chung thủy, khát vọng làm người, là những giá trị quen thuộc như niềm tin, đức hy sinh, lòng trung thành, hay kết thúc thiện thắng ác. Nhưng nó đáng là một viên đá quý của làng chèo, không chỉ bởi sự cộng hưởng cảm xúc với khán giả mà ở những giá trị nghệ thuật. Hơn thế - một vở diễn đồ sộ, hoành tráng, độc đáo - màu sắc hơi hiếm ở sân khấu chèo Việt Nam.


Batigol

Ý kiến bạn đọc