Hồn Trương Ba: Kịch thể nghiệm cao hơn kịch nói

12:11, 17/09/2013
|

(VnMedia) - Hồn Trương Ba da hàng thịt là 1 trong 3 tác phẩm có 2 đoàn diễn dựng vở trong Liên hoan Lưu Quang Vũ lần này. Xem cả 2, Hồn Trương Ba kịch hình thể cao hơn Hồn Trương Ba kịch nói.

>> Cả rạp cười, khóc cùng kịch của Lưu Quang Vũ
>> Sống lại Nàng SiTa trên sân khấu Chèo Hà Nội

Tối 11/9, buổi diễn cuối của Liên hoan tại Nhà hát Tuổi trẻ là Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Đoàn kịch Thể nghiệm của NSND Lan Hương.

Cái tên quá đình đám của Hồn Trương Ba cũng như sự lan tỏa sức nóng của những ngày Lưu Quang Vũ sau mấy ngày liên hoan khiến khán giả đổ xô tới Nhà hát. Đơn cử như có một đoàn mấy chục học sinh phổ thông (chắc là cùng lớp hay cùng trường lúc này đi theo phong trào) líu ríu chân nhau rụt rè vào nhà hát.

Ảnh minh họa

Trường đoạn Lý trưởng xét hỏi Trương Ba được thể hiện với hình ảnh cưỡi cổ


Là vở diễn duy nhất trong liên hoan thể hiện bằng hình thức kịch hình thể, Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lan Hương là vở diễn có cơ hội làm mới nhiều nhất (Về phong cách, so với những yếu tố làm mới nhỏ lẻ trong các tình tiết). Câu chuyện của Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng là câu chuyện dễ tạo điều kiện sáng tạo triệt để nhất (Về thủ pháp, so với những không gian khó thể xáo trộn của các vở hiện thực).

Đáng khen cho vở diễn ở một số sáng tạo sân khấu. Như việc chia không gian sân khấu thành 2 tầng: Trên Thiên đình và dưới Trần gian – một xử lý khá thông minh. Đoạn đối thoại kinh điển giữa Hồn và Xác cũng được tư duy khá hiện đại, với việc chiếu đèn vào riêng phần mặt của Trương Ba và phần thân của Hàng thịt.

Một trong những trường đoạn thú vị của vở là cảnh tranh giành chồng của 2 bà vợ. Đôi quang của chiếc quang gánh được 2 nữ diễn viên sử dụng như một ngôn-ngữ-đối-thoại, với cái mơn mởn của cô vợ Hàng thịt và sự bất lực của bà vợ Trương Ba.

Ảnh minh họa

Cảnh tranh giành giữa 2 bà vợ, cũng là cảnh gián tiếp thể hiện sự đấu tranh của hồn Trương Ba và xác Hàng thịt

Ngoài sự làm mới về ngôn ngữ, vở diễn còn có những biến hóa về nhân vật. Anh Hàng thịt là một người phàm phu hơn là một kẻ vũ phu và thấp kém. Vì thế, sự nảy sinh tình cảm và khát khao của vợ Hàng thịt với “ông Trương Ba” trở nên đời hơn, là trạng huống tâm lý tinh vi hơn “sự nhận thức sâu sắc thân phận” và thèm muốn một cách rành rọt trong kịch nói.

Vở diễn có những scene rất sáng, làm nổi được cả nhân vật và diễn viên như đoạn khắc họa anh Hàng thịt: hăm hở trong công việc ba toa và khoái thích trong sinh hoạt vợ chồng. Cảnh chị vợ Hàng thịt "mơn trớn" Trương Ba tạo điều kiện cho diễn viên nữ thể hiện những động tác dẻo dai của múa.

Tuy nhiên, chính vì làm tương đối đậm nhân vật Hàng thịt (dù đã có cái nhìn hiện đại và nhân văn hơn về nhân vật này) nên chắc chắn với khán giả, nhân vật Trương Ba không ấn tượng bằng (như đáng lẽ phải thế).

Là kịch hình thể, vở diễn có khá nhiều rút gọn (về tình tiết, lời thoại) so với phiên bản kịch. Câu chuyện theo đó cũng ít tính chi tiết hóa, ít dẫn dắt cụ thể hơn bản dựng của thể loại kịch. Đây là một thiệt thòi cho những ai chưa xem kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt vì sẽ ít nhiều lost (không hiểu trọn vẹn) diễn biến câu chuyện.

Diễn sau 2 ngày, tối 13/9, phiên bản Hồn Trương Ba, da Hàng thịt của Nhà hát kịch Việt Nam cũng chứng kiến một sự háo hức của đông đảo khán giả.

Rạp Công nhân – rạp nhà của Nhà hát kịch cũng ùn tắc khán giả ở các cửa vào khán phòng. Những chiếc ghế được đưa vào xếp dọc các lối đi không đủ tăng cường cho những người không có chỗ. Thiết kế của rạp khiến không thể chen vai ngồi bệt như ở rạp Đại Nam nên dù còn khoảng trống, nhiều khán giả vẫn phải đứng xem suốt buổi.

Ảnh minh họa

 Phông nền tre trúc tao nhã ở nhà Trương Ba


Kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt được biết đến là một vở diễn đình đám của Nhà hát kịch Việt Nam với bản dựng của cố NSND Nguyễn Đình Nghi. Xem bản dựng mới của NSƯT Tú Mai, cảm giác vở kịch rất trung thành với nguyên tác, ở nhân vật, ở tình huống và cả lời thoại.

Một sáng tạo đáng nói trong vở diễn là phông nền sân khấu ở nhà các nhân vật. Không phải một bức vẽ nguyên vẹn, cố định mà là bức vẽ tạo nên từ những thanh xốp xếp liền, vẽ cả 2 mặt và có thể quay tròn lật mặt trước, mặt sau.

Thiết kế này là một ý đồ của tác giả trong việc vẽ chân dung và diễn biến nội tâm nhân vật. Nhà của Trương Ba là phông nền tre trúc thanh cảnh. Nhà của hàng thịt là những vệt máu tóe. Nhà của Trương Ba màu xanh chủ đạo, nhà của hàng thịt màu đỏ chiếm lĩnh.

Đến khi "hồn Trương Ba, da hàng thịt" thì phông nền một bên là Trúc xanh, một nửa là Máu đỏ. Ở trường đoạn cao trào khi hồn Trương Ba đối thoại với xác hàng thịt, những tấm xốp được 2 bên thi nhau dập lên, lật xuống thể hiện sự đấu tranh nội tại dữ dội…

Ảnh minh họa

Cũng như nhiều tình huống khác, màn lả lơi của vợ hàng thịt hơi bị thật thà


Nhưng, đấy là sáng tạo đáng kể duy nhất của vở diễn. Có thể kể thêm cuốn sổ Nam Tào được thiết kế như một chiếc tủ đứng (thay vì một cuốn sổ đơn thuần). Cuốn sổ và cây bút khổng lồ dễ xem, giúp khán giả dễ dàng hình dung diễn biến tình huống định đoạt số phận Trương Ba.

Những người dựng kịch cũng đã đưa vào khá nhiều yếu tố làm mới như hiệu ứng ánh sáng chớp nháy trong những tình huống gay cấn, chiếc xe mây màu trắng như xe trượt scooter của Đế Thích.... Khoảnh khắc hai ông Nam Tào – Bắc Đẩu sợ sệt trốn tránh bà vợ Trương Ba trong những chiếc tủ xếp, thi thoảng thò đầu nhìn ra cũng là một cảnh diễn thú vị.

(Còn tiếp)


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc