Dấu ấn của phim video trong điện ảnh Việt

22:34, 28/09/2013
|

(VnMedia) - Trong điện ảnh Việt, phim truyện nhựa đã trải qua lịch sử 60 năm, phim video cũng đã đi qua chặng đường hơn 20 năm. Lịch sử điện ảnh đã có nhiều nghiên cứu, tổng kết về phim truyện nhựa, nhưng vẫn còn rất ít nhìn nhận, đánh giá về vai trò và đóng góp của phim video.

>> Phim video – Công thần hay tội đồ của điện ảnh Việt
>> Người cộng sự tranh giải Bông sen Vàng
 

Phim video đã tới hồi thoái trào, phim truyện nhựa cũng sắp tới hồi cáo chung. Thời của phim kỹ thuật số (phương tiện làm phim điện ảnh và cả phim truyền hình) xóa mờ cái ranh giới phân cách bởi chất liệu làm phim, mà cách phân loại được xem xét nhiều hơn ở Hình Thức tác phẩm và Chất Lượng của chúng.

 

Vị trí độc lập trong lịch sử điện ảnh Việt

 

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam , Phim video đã là một phần lịch sử (trải từ thời hoàng kim ở rạp chiếu, tới hoàng kim trên truyền hình rồi tới lúc thoái trào). Và nó cũng có một vị trí đặc biệt và độc lập.

 

 Ảnh minh họa

Phim video từng có thời hoàng kim chiếu rạp như phim truyện nhựa


Phim video ra đời từ những năm cuối thập niên 1980 cùng với sự xuất hiện tại Việt Nam của những thiết bị quay video. Trong hơn 20 năm tồn tại, Phim video đã được các giải thưởng điện ảnh xếp riêng ở một hạng mục quan trọng, chỉ đứng sau Phim truyện nhựa.

 

Ở LHP quốc gia (giải Bông sen Vàng), hoàn toàn không có hạng mục Phim truyền hình, nhưng đã có hạng mục Phim video kể từ kỳ LHP lần thứ 9 – năm 1990 tại Nha Trang.

 

Và từ đó, Phim video luôn là một hạng mục giải thưởng độc lập với Phim truyện nhựa (Có hệ thống giải riêng, từ giải cho Phim đến các giải cá nhân cho Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Diễn viên…) thậm chí có BGK riêng.

 

Chỉ đến LHP lần thứ 17 – năm 2011 ở Phú Yên, do có quá ít – chỉ 3 phim video tham dự, BTC mới để một BGK vừa chấm giải Phim truyện nhựa kiêm chấm giải Phim video (nhưng vẫn trao giải tách bạch 2 hạng mục giải thưởng này).

 

Ở giải thưởng Hội điện ảnh (giải Cánh diều Vàng), hạng mục Phim video cũng đứng độc lập với 2 hạng mục Phim truyện nhựa và Phim truyền hình (có hệ thống giải riêng: Phim, Đạo diễn, Biên kịch, Diễn viên). Cụ thể, hạng mục Phim video còn được gọi là hạng mục Phim truyền hình ngắn tập,

 

Chỉ đến Cánh diều 2012, cũng do có quá ít phim video tham dự - chỉ có 1 phim duy nhất, hạng mục Phim video mới được ghép chung với hạng mục Phim truyền hình. Và đến Cánh diều 2013 năm nay thì hạng mục Phim video đã hoàn toàn mất hẳn.

 

Có nghĩa là trong hơn 2 thập niên vừa qua kể từ khi xuất hiện phim video trong đời sống điện ảnh, các giải thưởng điện ảnh đã luôn đặt phim video ở một chỗ đứng riêng. Cho đến khi nó tự biến mất (vì không còn tác phẩm tham dự).

 

Phim video cũng là Phim truyện/Phim điện ảnh

 

Trong từ vựng điện ảnh tiếng Anh, Phim truyện (Movie) có 2 dạng: Phim truyện ngắn (Feature Short Film) – hay được gọi ngắn gọn là Phim ngắn hoặc Phim truyện dài (Feature Length Film) – còn được gọi là Phim truyện (Feature Film).

 

Ảnh minh họa  

Nhiều phim video ấn tượng được lịch sử ghi nhận


Cách phân biệt cơ bản nhất giữa 2 thể loại này là theo độ dài của phim. Theo định nghĩa của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ - đơn vị tổ chức giải thưởng Oscar, Phim ngắn là phim có độ dài dưới 40 phút, còn Phim truyện có độ dài trên 40 phút. Trong một số LHP quốc tế, người ta phân định, Phim ngắn là phim có độ dài tối đa 60 phút, còn ngược lại là xếp vào Phim truyện.

 

Cụ thể hơn, Phim truyện có độ dài thông thường từ 70 phút đến 210 phút, trong đó phổ biến nhất là từ 90 – 120 phút. Ngoài độ dài quen thuộc này, vẫn có những phim truyện dài tới hơn 4h đồng hồ.

 

Trong cách gọi của các giải thưởng điện ảnh Mỹ, Phim truyện còn có từ mang nghĩa tương đương là Motion Picture (Phim điện ảnh). Đây là một từ ra đời rất sớm, xuất phát từ nghĩa: hình ảnh động (khác với hình ảnh tĩnh của Nhiếp ảnh). Ở giải Qủa cầu Vàng, phim chiếu rạp tranh giải ở thể loại được gọi là Motion Picture, còn ở Oscar có từ ngắn gọn hơn là Best Picture cho phim hay nhất.

 

Cách gọi tên phim truyện điện ảnh (Movie, Feature Film, Motion Picture) dường như không chứa nội hàm “phim nhựa”. Và nội hàm ấy vẫn được bảo toàn ý nghĩa trọn vẹn, sau những thay đổi lớn của công nghệ làm phim, khi phim truyện không còn quay bằng phim nhựa mà quay bằng máy quay kỹ thuật số.

 

Phim video Việt Nam , ở giai đoạn hoàng kim của nó, cũng được mang chiếu rạp. Theo nghĩa phụ thuộc nội hàm “chiếu rạp” hơn nội hàm “phim truyện nhựa”, hay rộng hơn là phụ thuộc nội hàm “hình thức phát hành” hơn “chất liệu thực hiện” thì phim video có thể coi là phim điện ảnh.


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc