Cả rạp cười, khóc cùng kịch của Lưu Quang Vũ

15:50, 12/09/2013
|

(VnMedia) - Những anh bảo vệ tự hào cười hiền lành cạnh tầng hầm để xe đã hạ kín cửa. Quá giờ diễn vẫn còn hàng đoàn người ở các bậc thềm chờ được vào trong. Hai tầng khán phòng chật kín, khán giả ngồi tràn những lối đi và cả 2 rìa sân khấu. Những lớp vỗ tay vang dội ở các màn chuyển cảnh, những tràng cười lan rộng và không ít những tiếng sụt sịt nhẹ…

Tối 10/9, đêm diễn thứ 2 của Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ (từ ngày 9-16/9) tại rạp Đại Nam với vở diễn Điều không thể mất đã trình diện một bầu không khí đáng khao khát: Sự rung động của những cảm xúc đẹp đan cùng màu sắc tinh thần có vị hào sảng.

Vở diễn ít được nhắc đến nhất trong làn sóng mộ điệu Liên hoan Lưu Quang Vũ những ngày qua lại là vở diễn xuất sắc nhất, tính đến thời điểm này.

Ảnh minh họa

 
Điều không thể mất là một cái tên quen thuộc trong gia tài sân khấu của Lưu Quang Vũ cùng những Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Ông không phải bố tôi (kịch) hay Nàng SiTa (chèo).

Những cái tên đã trở thành nằm lòng với khán giả tuy nhiên với lớp hậu sinh, đa số vẫn chỉ nghĩ về chúng trong sự mặc định “nổi tiếng”, chứ ít có dịp chứng kiến, thưởng thức… Liên hoan Lưu Quang Vũ (liên hoan sân khấu đầu tiên chỉ dành cho một kịch tác gia) do Hội nghệ sĩ sân khấu và Bộ VHTT&DL tổ chức là dịp mang đến cho lớp khán giả mới cơ hội trải nghiệm những vở diễn nức tiếng này. Với lớp khán giả say mê ông, đây là dịp sống lại cùng những tác phẩm kinh điển.

Điều không thể mất là vở diễn được cả 2 đoàn nhà hát cùng dựng trong liên hoan lần này. Với buổi diễn của Nhà hát kịch Quân đội, vở kịch đã đến với khán giả trong một phiên bản gần như trọn vẹn xúc cảm, có thể sẽ là áp lực cho đoàn diễn sau là đoàn Nghệ thuật Ca kịch Huế cũng với vở diễn này ở đêm diễn cuối cùng của liên hoan – 15/9.

Điều không thể mất bắt đầu với một câu chuyện cảm giác đã khá quen thuộc – chuyện yêu và sống trong chiến tranh của những người lính Trường Sơn. Minh – anh bộ đội hiền lành bắt đầu tình cảm với Nhâm – cô thanh niên xung phong nổi tiếng mà “bao chàng trai mơ ước” - qua những lá thư nhưng không dám ký tên thật mà đề là Thế Anh. Gặp nhau giữa chiến trường, tình yêu rụt rè và trong trẻo của họ nảy mầm trong những trêu đùa hồn nhiên nhiệt thành của những người đồng đội – anh bạn diễn viên tỉnh lẻ tên Thế Anh “không phải Trung úy Phương Nổi gió” mà “Thế Anh chuyên đóng vai phụ” và những cô gái xung phong phơi phới thanh xuân.

Ảnh minh họa

Đoàn Nhà hát Kịch Quân đội chào khán giả sau vở diễn


Chiến trường ác liệt, cả bốn bạn gái thân thiết của Nhâm cùng ra đi trong một trận bom. Đau đớn, chấn động trong mất mát, cô hoang hoải tìm đến Minh. Tình yêu như chỗ dựa tinh thần và cũng là khát khao mãnh liệt giữa mưa bom đạn nổ… Như lời thổ lộ nghẹn ngào của Nhâm “Em sợ, Minh ơi em sợ ngay ngày mai đây chúng mình sẽ mất nhau. Em muốn CÓ ANH thực sự”, như lời thì thầm da diết của Minh “Nhâm ơi, anh cần – có – em”…

Vở kịch khởi đầu dù nhiều xúc cảm nhưng hơi thông thường bởi câu chuyện dường như đã được kể nhiều qua các tác phẩm đề tài chiến tranh. Nhưng những mở ra tiếp theo mới cho thấy một Lưu Quang Vũ tài hoa và tư tưởng, xứng đáng là nhà viết kịch lỗi lạc.

Chiến tranh chia ly, ngày thống nhất đất nước, Minh tìm về quê Nhâm nhưng trên chuyến tàu định mệnh, anh tình cờ gặp một anh kỹ sư thủy nông “về quê cưới vợ” và người con gái ấy là Nhâm…

10 năm đi qua, Nhâm trở thành một cán bộ uy tín ở quê nhà, nhưng vẫn vò võ một mình. Thắng - anh kỹ sư thủy nông tự tin rôm chuyện năm nào đã lấy vợ, vẫn thần tượng cô còn Minh đã vợ con đề huề. “Một lão giám đốc mệt mỏi bụng xệ mặt nhăn” như lời Thắng ấm ức kể lại cho cô sau khi gặp lại Minh trong một chuyện công. Anh bộ đội ít nói trên tàu năm xưa đã quá thành đạt để anh bạn đồng hành liến thoắng giờ mặc cảm phận “kỹ sư quèn”…

“Mất nhau thực sự”, Nhâm đã đi gặp Minh để Dù Gì Cũng Phải Biết ANH SỐNG RA SAO. Cô đã gặp một Minh vẫn chung thủy như xưa với kỷ niệm, với những gì đã có với cô. Nhưng… là một Minh không thích nhập cuộc với hiện tại khó rành rẽ trắng đen. Một Minh vẫn trung thực nhưng “không làm gì cả”, những thèm được trở lại thời Trường Sơn để được sống hết mình và đấu tranh với nhiệt huyết và lý tưởng…

Ngòi bút tài hoa của Lưu Quang Vũ cho khán giả được sống cùng những cái ĐẸP lớn lao, với niềm yêu và những nỗi đau cũng đều cao cả. Nhâm không còn nỗi sợ “ngày mai sẽ mất nhau” nhưng tận thấu rằng lần này là mất nhau thực sự. “Gặp, em càng hiểu mình phải sống như thế nào. Tất cả đã qua đi… Có những điều không thể mất, không được để mất… Anh nhớ nhé”.

Bên cạnh Nhâm là một Lệ - vợ mới của Minh cũng được khắc họa sâu sắc và tinh tế. Một cô thiếu nữ thanh cao, đầy vô tư háo hức của ngày mới giải phóng, mang cái nhìn hài hước đối với đám bộ đội lạc hậu. Để rồi cũng tò mò, hấp dẫn khi chứng kiến những anh bộ đội kìa thật hạnh phúc với nhau và tự tin trong cái thế giới đáng yêu của họ.

(Còn tiếp)


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc