Bước sang năm thứ 11 xây dựng thông tư về phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân, tới thời điểm này, đơn vị được giao trách nhiệm là Cục Di sản Văn hóa cho biết, phải tới năm 2014 những danh hiệu này mới có thể xét tặng.
Tại Hội thảo nhân 10 năm VN ký công ước về Bảo vệ di sản phi vật thể, (Hà Nội, 24/7) bà Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng quản lý Di sản phi vật thể, Cục Di sản văn hóa) cho biết: Theo nguyên tắc, việc xây dựng nghị định này phải dựa trên Bộ luật Thi đua Khen thưởng. Vào tháng 6 vừa qua, dự thảo nghị định này đã hoàn thành theo kế hoạch và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, trước việc Luật Thi đua Khen thưởng sẽ được sửa đổi và đưa ra trình Quốc hội vào tháng 12 tới, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng việc xây dựng nghị định này.
2 nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Quyết và Tạ Thị Vị được tỉnh Bắc Ninh tôn vinh ở độ tuổi ngoài 80 (Ảnh: TTXVN) |
"Khi làm dự thảo nghị định, chúng tôi cũng có tham khảo... dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng. Tuy nhiên, không thể biết vào tháng 12 tới, dự thảo này sẽ được Quốc hội thông qua ở mức nào, hoặc có những thay đổi, bổ sung gì" - bà Dung cho biết. Như vậy, sau kỳ họp Quốc hội tháng 12, dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa một lần nữa trước khi trình Chính phủ.
Thực tế, việc chậm xây dựng nghị định này bắt nguồn từ những rắc rối trong việc phân định vai trò liên quan của Bộ Công Thương và Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề này luôn là tâm điểm chú ý của dư luận - khi nhiều nghệ nhân lớn tuổi, có đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc gìn giữ, truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian, lần lượt qua đời mà vẫn chưa hề nhận được chế độ hỗ trợ nào từ Nhà nước. Bởi vậy, một số tổ chức hoặc địa phương đã chủ động tiến hành tôn vinh lực lượng này bằng các danh hiệu nghệ nhân cấp “hội", cấp “tỉnh”.
Theo ông Nguyễn Văn Phong (Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh), trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã lần lượt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh cho 41 nghệ nhân cao tuổi, kèm theo số tiền thưởng 5 triệu đồng. Mỗi nghệ nhân này được hưởng chế độ đãi ngộ hàng tháng bằng một lần mức lương tối thiểu theo hệ số Nhà nước, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ hỗ trợ phí mai táng khi qua đời.
Cách làm trên đang được một số địa phương như Phú Thọ, Bắc Giang, TP.HCM nghiên cứu áp dụng, trong đó riêng TP.HCM dự kiến hỗ trợ hàng tháng theo hệ số bằng 2 lần mức lương tối thiểu cho nghệ nhân.
Khi được hỏi về việc cách làm này liệu có... vi phạm Luật Thi đua Khen thưởng, bà Dung cho biết: "Luật Di sản có yêu cầu các địa phương tham gia bảo tồn văn hóa phi vật thể trên địa bàn của mình. Và đây là việc tôn vinh các nghệ nhân địa phương, chứ không phải tôn vinh các nghệ nhân được Nhà nước tặng danh hiệu, nên rất cần được ủng hộ".
Ý kiến bạn đọc