(VnMedia) - Vòng chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên giải Sao Mai 2013 đã khép lại với 9 thí sinh xuất sắc nhất được chọn vào chung kết toàn quốc. Ở khu vực này, phong cách dân gian được cho là "cuộc chiến" khốc liệt nhất.
|
Khu vực miền Trung được cho là "cái nôi" của dòng nhạc dân gian tại giải Sao Mai, bởi hầu như các gương mặt xuất sắc đều xuất thân từ đây. Năm 1999 là Anh Thơ (Thanh Hóa) đoạt giải Ba, Phương Thảo (Hà Tĩnh) đoạt giải Khán giả yêu thích nhất Sao Mai 2003, Thanh Yên (Đà Nẵng) và Quang Hào (Quảng Nam) cùng đoạt giải Nhì Sao Mai 2005, Thành Lê (Hà Tĩnh) quán quân năm 2007, giải Nhất năm 2009 là Bùi Lê Mận (Nghệ An), một cô gái Nghệ An khác là Phương Thanh cũng đoạt giải Nhì năm 2011 (chỉ đứng sau Lương Nguyệt Anh)... sơ qua để thấy dòng nhạc dân gian ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn được đánh giá là rất mạnh.
Năm nay, khu vực miền Trung vẫn được đánh giá khá cao ở dòng nhạc dân gian khi có tới một nửa thí sinh đăng ký thi dòng nhạc này, số còn lại thuộc phong cách thính phòng và nhạc nhẹ. Vì thế, ngay cả những thí sinh không lọt vào top 6 chung kết khu vực cũng là những người có giọng hát hay, ngọt ngào. Các thí sinh khá đồng đều, không có gương mặt bật hẳn lên như dòng thính phòng hay nhạc nhẹ, vì thế, top 3 thí sinh vào chung kết là sự "so bó đũa chọn cột cờ". Trường hợp đáng tiếc nhất dòng nhạc dân gian là Nguyễn Thị Phương (Huế) khi điểm của cô đứng thứ 3 nhưng lại bị Trần Thị Bạch Trà cũng đơn vị Huế đánh "bật" ra vì Bạch Trà được bình chọn nhiều nhất và cộng thêm một điểm để có tên trong 3 thí sinh lọt vào chung kết toàn quốc.
|
Ở dòng nhạc thính phòng, "cơn gió lạ" Nguyễn Tuấn Anh (Thanh Hóa) đã thực sự gây ấn tượng mạnh khi chọn một ca khúc mang âm hưởng thính phòng, được coi như là một "aria" của Việt Nam là Chỉ có dòng sông biết (Phạm Tuyên). Với cách hát nhẹ nhàng, bay bổng, giàu cảm xúc mà vẫn đảo bảo kỹ thuật hát thính phòng, Nguyễn Tuấn Anh thực sự chinh phục khán giả và Ban giám khảo với điểm số cao nhất trong top 3 thí sinh lọt vào chung kết toàn quốc. Đây thực sự là một làn gió mát lành ở dòng nhạc thính phòng, gợi nhớ lại trường hợp Lê Anh Dũng ở mùa Sao Mai 2007.
Các thí sinh dòng nhạc thính phòng, không chỉ ở khu vực miền Trung mà hầu như các khu vực khác, vẫn thường bị kiểu hát "đóng hộp" với những ca khúc cũ và hát theo lối mòn. Đó chính là lý do mà một số thí sinh hát khá tốt, bài bản nhưng không có nhiều sự đổi mới như Hoàng Viết Danh (Quảng Bình) là một ví dụ. Ngược lại, một số sự "làm mới" nếu không khéo lại trở thành con dao hai lưỡi, tạo hiệu ứng ngược cho thí sinh. Đó là trường hợp của Duy Quyết khi anh hát bài Mẹ (Phú Quang) dạt dào cảm xúc nhưng lại bị giám khảo đánh giá là ít "chất" thính phòng mà lại "quá" nhiều chất nhạc nhẹ.
Dòng nhạc nhẹ của miền Trung - Tây Nguyên năm nay vẫn khá yếu về mặt bằng chung, nhưng lại có Ngô Thanh Huyền (Thanh Hóa) tạo nên "hiện tượng". Mới gần 18 tuổi, Thanh Huyền gây "sốc" cho khán giả và gây ngạc nhiên cho giám khảo khi hát rất "già dặn", sâu sắc, xử lý tinh tế và đầy khát khao, đầy "lửa" bài Thu cạn (Giáng Son). Đây là thí sinh được đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí quán quân dòng nhạc nhẹ Sao Mai năm nay.
|
Ý kiến bạn đọc