Đường đua - Quá nhiều khen cho một bộ phim khá

14:48, 30/07/2013
|

(VnMedia) - Đường đua đã sớm đóng dấu phong cách của đạo diễn ngay phim đầu tay – một chất nam tính mạnh mẽ hiển hiện vốn hơi ít trong điện ảnh Việt trước đó. Nhưng đáng tiếc khi quá tham và có lẽ thiếu... thật, nó đã không đi sang khu vực của một phim Tội phạm, Xã hội có CHẤT mà bị thiên về một phim Hành động, Tội phạm thương mại.

>> Hai cục sạn to đùng không bị phát hiện trong Scandal

>> Phim Việt rộn ràng tấn công rạp chiếu tháng 7

Sau buổi premier ở TP.HCM, Đường đua nhận vô số lời khen từ báo giới, và những công chúng khách mời. Một cơn mưa khen đồng thanh như hiện tượng từng xảy ra với Scandal – bộ phim của đạo diễn Victor Vũ ra mắt tháng 10 năm ngoái.

Ít khi có một tác phẩm nhận được lời khen từ đông đảo công chúng mà đủ tầm xuất sắc. Nghĩa là nếu nó đỉnh cao thì không dễ được thẩm thấu và ủng hộ bởi số đông (trừ những bộ phim xưa mà nói chung nghệ thuật gần sự cổ điển). Kinh nghiệm từ Scandal cho thấy, khi được lòng đủ mọi tầng lớp khán giả, ắt hẳn nó sẽ có nhiều thứ tầm thường. Và, ấn tượng về Đường đua không đi ra khỏi dự đoán ấy.

Ảnh minh họa

Mối quan hệ nhiều chất kịch (tính) và hướng giả bi đầy ngẫu nhiên giữa Lộc và Hải

Đường đua đã có một cảnh mở màn rất ấn tượng, bằng một cú quay dài nhìn từ phía trong thùng xe tải nhìn ra, với 2 nam thanh niên ở trần đứng trễ ở hai bên. Những hình ảnh đời thường của một góc chợ đêm dần hiện cùng nhịp lăn nhẹ nhàng của chiếc xe vào bến tạo cảm giác phấn khích ngược với tốc độ rất khoan thai ấy. Một cảnh rất hiện thực và rất điện ảnh khiến kỳ vọng sớm ở một phim Tội phạm, Xã hội (Crime, Drama) có chất nhưng tiếc là ấn tượng ấy không kéo được dài lâu.

Trong suốt phim, các tác giả cho thấy dường như họ không kiểm soát được nội dung ở cái tầm hợp lý của nó. Câu chuyện bắt đầu từ Lộc (Phạm Anh Khoa) – một vận động viên điền kinh giải nghệ giờ làm lái xe tải. Cuộc sống hàng ngày của anh dù hơi gần khu vực thấp của xã hội, nhưng chưa có dấu hiệu gì là dính dáng chút nào tới xã hội đen.

Thế mà, đùng một cái, anh can dự vào cái thế giới ấy một cách mạnh mẽ, bằng hết sự ngẫu nhiên này đến sự tình cờ khác. Không có tiền để trả tiền vay mua xe tải, anh tìm đến vận may cờ bạc. Và vào ngay một ổ cờ bạc ma đầu chứ không cần kinh qua những nhỏ lẻ thất bại nào khác. Để liên tục bị cuốn theo chuỗi tình huống bi kịch dường như không buông tha mình.

Nhưng cái cách các bi kịch tìm đến với Lộc mới đơn giản và khó thuyết phục làm sao. Lộc rõ ràng lần đầu vào ổ bạc của Hải (Nhan Phúc Vinh), theo như cách Hải mỉa mai qua lời nói với đàn em: “Từ sau phải kiểm tra đủ tuổi mới cho vào nghe”. Cứ cho là Hải ấn tượng với Lộc ngay lần đầu nhìn thấy ấy và cần gì đó ở anh này, nhưng thật sự là anh ta cần gì?

Tiền ư? Một chủ bạc đại gia như thế lại đeo đuổi một vị khách ngẫu nhiên (và rất không tiềm năng) trong hàng trăm vị khách, để bần cùng hóa anh ta KHÔNG CHỈ MỘT LẦN (gài người chơi để Lộc thua, đến khi nạn nhân mang tiền trả thì lại cướp đoạt) mà vẫn chưa dừng lại?

Ảnh minh họa

 
Nội tạng ư? Nếu muốn Hải đã rất dễ dàng có được 2 cơ hội chứ không phải để Lộc “chạy thoát” để rồi lại tung quân rầm rộ đi tìm. Mà anh ta tìm gì? Tìm về tận nhà Lộc ở quê mà không cần/không hề biết nơi ấy có gì. Ngẫu nhiên sao có một cô em gái trẻ mà lúc đó anh ta mới biết đến sự tồn tại để rồi tiện tay bắt về làm nạn nhân mổ nội tạng. Hay là để anh ta có dịp đối ẩm (với ông già bố Lộc) phô diễn tính chất “lạnh lùng, lại cái, biến thái, peđê” lần đầu xuất hiện trong điện ảnh Việt của mình. Để làm nên trường đoạn ‘kinh điển” được khen nức nở trong phim.

Lại tiếp tục với Lộc, sau khi bạo tay thua trắng 100 triệu trong một đêm, rồi bị quân của Hải cướp 100 triệu đáng lẽ trả nợ cho chính tên này, anh gần như bế tắc tìm kế cướp tiệm vàng. Tình cờ sao lại lọt ngay đúng tầm của một tên xã hội đen chuyên nghiệp đang trong cuộc giằng co giữa 2 băng nhóm, để bị ép theo chuyến hành trình bắt buộc mang theo tới vô số bất ngờ cho anh sau này.

Cứ như thể, ba băng nhóm xã hội đen khác nhau kia không hẹn mà gặp cùng “hữu duyên năng tương ngộ” với anh. Chưa hết, trong khi hết xăng ghé một quán đêm ven đường, anh gặp một đồng nghiệp ngẫu nhiên cũng là cựu Vận động viên điền kinh thôi thì để tạo đà khai thác thêm về nghề nghiệp của nhân vật, nhưng "tình cờ và bất ngờ" anh này cũng lại ít nhiều dính dáng đến xã hội đen...

Đường đua đã có một đề tài hay, một ý tưởng thú vị, nhưng sự tham lam đã khiến nó trở thành một tác phẩm hơi lộn xộn và thiếu thuyết phục.

Nhìn thấy cái nỗ lực tạo kịch tính, để kể một câu chuyện (có vẻ) hấp dẫn, để cố gắng thu hút khán giả hơn là viết ra kịch bản và làm phim xuất phát từ rung động, giao cảm thực sự với nhân vật. Dù hầu hết các diễn viên đều diễn tốt những nhân vật nghe "đời' và được xây dựng khá ấn tượng về số phận và tính cách trong phim.

Cái bi kịch của Lộc, cái hiện thực cuộc sống dường như đã được bồi đắp dày dặn kia với đủ những mối "đau đời" vẻ như được dùng vì trang điểm thêm (từ bên ngoài) hơn là một trăn trở thực sự từ bên trong tác giả.

Bộ phim, cuối cùng gần với dòng phim Hành động, Tội phạm (Action, Crime) chuyên nghiệp, gắng để thương mại, hơn là một bộ phim Tội phạm, Tâm lý Xã hội (Crime, Drama) có chất - điều mà nếu hâm mộ những Martin Scorsese hay Quentin Tarantino, đáng lẽ đạo diễn Nguyễn Khắc Huy hẳn đã có thể ghi dấu MẠNH MẼ hơn.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc