Chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2011-2015 có kịp tiến độ?

14:14, 12/07/2013
|

Ngày 10/7 vừa qua, Bộ VH, TT và DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện CTMTQGVH giai đoạn 2011 - 2015, ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Hội nghị đã tìm ra những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các dự án tại một số địa phương, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015.

 

Theo Quyết định số 1211/QĐ-TTg, ngày 5/9/2012 của Chính phủ CTMTQGVH được thực hiện với tổng kinh phí là 7.399 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án gồm: Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; Sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; hỗ trợ phát triển hệ thống vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; đầu tư phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống và tăng cường năng lực cán bộ cơ sở, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình.

Nguồn: thegioitour.vn

 

Theo báo cáo đánh giá của Bộ VH, TT và DL, hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã có những tác động tích cực đến tổng thể nền kinh tế, xã hội của đất nước. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã bảo tồn được các di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, tạo nguồn thu và việc làm tại địa phương. Việc thực hiện các mục tiêu của chương trình đã hình thành đội ngũ đông đảo những người làm công tác văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy kho tàng di sản văn hóa. Việc cung cấp, hỗ trợ các thiết bị, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần quan trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Tuy nhiên, do một số địa phương không bố trí hợp lý nguồn vốn dành cho mục tiêu văn hóa, thiếu vốn đối ứng; mặt khác, chưa có biện pháp tích cực trong huy động các nguồn lực đã làm chậm tiến độ các dự án, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của chương trình.

 

Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH, TT và DL) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, việc cân đối bố trí vốn theo các mục tiêu đặt ra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh trong xây dựng kế hoạch hàng năm. Nhưng một số địa phương, do ngân sách gặp khó khăn đã bố trí không hợp lý nguồn vốn dành cho mục tiêu văn hóa, dẫn đến một số mục tiêu không thể triển khai thực hiện. Nhiều địa phương chưa chủ động cân đối ngân sách làm đối ứng để thực hiện các dự án, hoặc nếu có cũng chưa đủ, chậm hơn so với kế hoạch. Cơ chế lồng ghép các chương trình còn lúng túng. Các hạng mục đáng lồng ghép như làm đường vào di tích, phối hợp với tu bổ di tích để tạo thành sản phẩm văn hóa du lịch hoàn chỉnh chưa được quan tâm đúng mức…

 

Ở dự án Chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích đã tu bổ, tôn tạo tổng thể 280 di tích (hoàn thành 34,6% so với mục tiêu), trong đó số di tích hoàn thành trong từ năm 2011 - 2012 là 70 di tích; ước hoàn thành trong năm 2013 là 34 di tích. Số lượng di tích được hỗ trợ chống xuống cấp trong 3 năm là 619 di tích (hoàn thành 51,5% so với mục tiêu). Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng, tuy ngân sách nhà nước hàng năm đều tăng cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích, nhưng so với nhu cầu vốn vẫn ở mức thấp nên còn nhiều di tích quốc gia chưa được tu bổ. Một số di tích như khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đã được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhưng nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của địa phương không được đầu tư đúng mức, dàn trải dẫn đến thời gian đầu tư kéo dài. Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, ngân sách địa phương cần bố trí tăng dần, thường xuyên và có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa.

 

Dự án Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong 3 năm đã hỗ trợ xây dựng và đầu tư kinh phí mua thiết bị cho 6 trung tâm văn hóa thể thao huyện (đạt 20%), 343 nhà văn hóa xã (đạt 68,6%), 812 nhà văn hóa thôn, bản (đạt 27,06%). Ngoài ra, còn hỗ trợ mua sách cho 400 thư viện huyện, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mua sắm thiết bị, sản phẩm văn hóa thông tin cho 167 đồn biên phòng và các đội tuyên truyền văn hóa, mua các ấn phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đây là dự án rất quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tuy nhiên kết thúc giai đoạn dự án này vẫn chưa hoàn thành được những mục tiêu đề ra. Nhiều địa phương chưa bảo đảm vốn đối ứng, một số nơi như Hà Nội, Lâm Đồng, Cao Bằng, Đồng Nai… chưa phân bổ đúng đối tượng hưởng lợi.

 

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả, Bộ VH, TT và DL nhấn mạnh vào việc thực hiện một số giải pháp về tăng cường cơ chế điều hành, khắc phục tình trạng phân bổ lại vốn không đúng mục tiêu, dự án đã được phê duyệt; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện các mục tiêu. Bộ cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng nguồn lực từ ngân sách Trung ương, tăng định mức chi cho một số dự án, đặc biệt là các dự án triển khai tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.


Đức Tôn

Ý kiến bạn đọc