Việt Nam học cách tổ chức từ Olympic London 2012

10:41, 15/06/2013
|

Mới đây, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic London 2012. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, Huân tước Green - Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư của Anh và Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokes đồng chủ trì tọa đàm.

 

Báo cáo tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã giới thiệu những nét chính trong đề án đăng cai Asian Games 2019 của Việt Nam để phía Anh cùng tham gia đóng góp ý kiến. Theo đó, ASIAD 18 dự kiến sẽ tổ chức với 36 môn thi đấu (28 môn Olympic, 4 môn khu vực và 4 môn xin ý kiến OCA). Đại hội lần này sẽ có sự tham gia của khoảng 12.000 VĐV, cán bộ đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á. Số lượng các đại biểu dự kiến là 2.000 người và số lượng phóng viên báo chí truyền thông là khoảng 5.000 người.

 

Để đảm bảo hạ tầng cho Asiad 18, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị về cơ sở vật chất: sân vận động, nhà thi đấu, làng vận động viên cùng hệ thống giao thông công cộng (đường cao tốc trên cao, nâng cấp sân bay…). Hiện 70% cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, 30% còn lại đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

 

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Thế vận hội Olympic London 2012, các doanh nghiệp Anh đã đề cập một sốkinh nghiệm về việc xây dựng và kiện toàn cơ sở vật chất, như Công viên Olympic kinh nghiệm quản lý dự án tổng thể trong quá trình tổ chức Olympic London 2012, việc lên phương án về giao thông trong nỗi quan ngại tắc đường tại London... và vấn đề quan trọng đặt ra là không chìsao để hậu Olympic,các công trình này phải trở thành di sản tốt , sử dụng bền vững, hiệu quả cho tương lai.

 

Theo Huân tước Green: Muốn tổ chức thành công một sự kiện thể thao lớn đòi hỏi Ban tổ chức phải có nhiều kinh nghiệm trong quản lý dự án và tổ chức sự kiện. Luân Đôn đã có 7 năm để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012. Ban tổ chức Thế vận hội Olympic London 2012 đã xây dựng kế hoạch chi tiết ngay từ khi bắt đầu công tác chuẩn bị như việc đầu tư vốn, chiến lược thực hiện và đặc biệt là việc đưa các hạ tầng cơ sở phục vụ Thế vận hội Luân Đôn 2012 trở thành di sản để lại cho người dân.

 

Còn theo Ông David Martyn Watkins, Phó Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Mace Construction: Điều quan trọng tạo để tổ chức thành công một sự kiện thể thao vẫn là vấn đề ngân sách và cơ chế làm việc một cửa. Nắm bắt được điều này, ngay khi bắt đầu quá trình chuẩn bị cho Olympic London 2012, nước Anh đã thành lập hẳn một Bộ phận riêng, quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan tới Thế vận hội. Vấn đề kinh phí cũng cần được tính toán kỹ lưỡngđể hạn chế việc kinh phí có thể bị đội lên quá cao.

 

“Một doanh nghiệp đã tham gia chuẩn bị, tổ chức Olympic London 2012, việc huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nên sử dụng mô hình hợp tác Nhà nước-Tư nhân (PPP). Bởi theo thống kê của công ty này, 70% dự án hạ tầng phục vụ thể thao do đơn vị nhà nước thực hiện đều hoàn thành chậm tiến độ, trong khi đó với mô hình PPP thì con số này chỉ là 24%” đại diện Công ty Foster + Patners nhấn mạnh.

 

Đánh giá cao hiệu quả của buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định: Thời gian qua, ở Việt Nam , việc hội nhập quốc tế trong thể thao luôn được các cấp, ngành quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong nỗ lực ấy, Việt Nam từng đăng cai thành công SEA Games 22 năm 2003, Asian Indoor Games 3 năm 2009 và tới đây là đại hội thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games 5 năm 2016, Asiad 18 năm 2019).

Đặc biệt, Asiad 18 là sự kiện thể thao quan trọng nhất của châu lục, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai nên rất cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để chuẩn bị cho việc đăng cai thành công Asiad 18. Những ý kiến quý báu mà các đại biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm sẽ được tập hợp, nghiên cứu để vận dụng phù hợp vào đặc điểm tình hình của Việt Nam .


TH

Ý kiến bạn đọc