Quảng bá, xúc tiến du lịch từ việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia

11:46, 11/06/2013
|

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt đầu năm nay đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ đón 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47,5 triệu lượt khách nội địa vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu ấy, một trong những việc cần làm ngay là xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia để phục vụ hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Từ năm 2000, du lịch Việt Nam đã xây dựng biểu tượng và tiêu đề cho các chương trình xúc tiến quảng bá với các thông điệp phản ánh giá trị cốt lõi, khác biệt nhằm định vị rõ nét hơn điểm đến Việt Nam đối với các thị trường mục tiêu. Cho đến nay, chỉ tính riêng Tổng cục Du lịch đã có 8 đề án nghiên cứu về các thị trường trọng điểm của Việt Nam, bao gồm thị trường Nga, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và 1 đề án nghiên cứu về tình hình phát triển du lịch thế giới và những tác động đến du lịch Việt Nam; bước đầu định vị được các sản phẩm du lịch hấp dẫn của du lịch Việt Nam, gồm: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch sinh thái và du lịch thành phố, bên cạnh những dòng sản phẩm du lịch bổ trợ (như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng...).

 

Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL TP Hồ Chí Minh Lã Quốc Khánh phân tích: “Xúc tiến du lịch không chỉ là tham dự hội chợ, tổ chức sự kiện ở nước ngoài. Quan trọng hơn, cơ quan quản lý T.Ư cần có chiến lược định hướng thị trường gắn liền với chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình xúc tiến thương hiệu du lịch quốc gia, rồi ban hành kế hoạch hành động của mỗi năm theo chủ đề, hình ảnh, sản phẩm... đối với từng thị trường cụ thể”.

 

Ví dụ, Việt Nam muốn phát triển du lịch biển đảo thì phải xác định sản phẩm gì, tại những địa phương nào, từ đó mới tính tới liên kết giữa trung ương với địa phương, phân công tránh nhiệm các bên theo lộ trình bài bản. Để triển khai kế hoạch xúc tiến tại 8 thị trường trọng điểm do Tổng cục Du lịch xây dựng, chúng ta cần phải chuẩn bị sản phẩm, nhân lực, nguồn lực tài chính thế nào để đón và phục vụ 8 thị trường khách này. “Nếu Tổng cục Du lịch gây dựng được lòng tin, lắng nghe ý kiến một số địa phương trọng điểm du lịch và doanh nghiệp mạnh, phân công rõ trách nhiệm và mức đóng góp giữa các bên..., chúng tôi chắc chắn sẽ tham gia cùng với ngành trong việc xúc tiến ở nước ngoài” - ông Lã Quốc Khánh khẳng định.

 

Phó Tổng giám đốc Saigontourist Vương Anh Tuấn cũng cho rằng, thành công của thương hiệu du lịch doanh nghiệp luôn gắn kết mật thiết với thương hiệu du lịch địa phương, thương hiệu du lịch quốc gia và ngược lại. “Hàng năm, Saigontourist đón khoảng 2 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 13.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1.880 tỷ đồng. Chúng tôi quan niệm, thành công của Saigontourist nhờ vào vai trò quan trọng của chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu; quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu Saigontourist luôn gắn với tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch, bản sắc truyền thống, văn hóa Việt Nam”.

 

Có một hạn chế là, trong khi nhiều nước trên thế giới đã đặt văn phòng du lịch tại các thị trường trọng điểm để thuận tiện cho việc nghiên cứu, tiếp cận thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, quan hệ công chúng, thu hút khách quốc tế thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn phòng nào ở nước ngoài, dù đã được bàn thảo suốt 10 năm qua.

 

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel Phạm Quang Hưng cho biết, vấn đề thành lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia tại các thị trường du lịch nguồn trọng điểm, tiềm năng rất cần thiết. Hiện Vietravel đã có khá nhiều văn phòng đại diện tại nước ngoài như Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Campuchia, Thái Lan... và vẫn đang thiết lập thêm. Nếu không có văn phòng đại diện, chúng ta không thể quảng bá, xúc tiến được. Hơn nữa, cũng nên có đại diện của Tổng cục Du lịch tại các tỉnh, thành phố được xác định là trung tâm du lịch, để hỗ trợ và phối hợp với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương quảng bá, xúc tiến hiệu quả hơn.

 

Một trong những tồn tại của ngành du lịch bấy lâu vẫn chưa khắc phục được là kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến. Những năm gần đây, kinh phí xúc tiến du lịch hàng năm từ ngân sách Nhà nước đạt 30 - 40 tỷ đồng (1,5 triệu USD), quá thấp so với các nước láng giềng (Thái Lan 100 triệu USD/năm, Malaysia 110 triệu USD/năm). Trong khi đó, khoản tiền này lại được chi cho nhiều hoạt động: hội chợ, hội nghị chuyên đề, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tổ chức phát động thị trường..., kinh phí dành cho các hội chợ quốc tế chỉ dao động từ 5 - 7 tỷ đồng/năm, với việc tham gia khoảng 5 - 6 hội chợ quốc tế.


PV

Ý kiến bạn đọc