Chuyện người 40 năm chụp ảnh các cuộc chiến tranh khốc liệt

14:22, 20/06/2013
|

Hơn 40 năm lăn lộn tại hơn 20 chiến trường, từ Việt Nam tới Iraq, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia kỳ cựu người Pháp Patrick Chauvel đã lưu lại các cuộc chiến tranh khốc liệt không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng những thước phim tài liệu sống động.

 

Mới đây, Patrick Chauvel đã có mặt tại Việt Nam nhân dịp bộ phim tài liệu nổi tiếng của ông Phóng viên chiến trường (Rapporteur de guerre) được chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu âu - Việt Nam lần thứ 5. Bộ phim là chân dung về những con người làm một nghề nguy hiểm; cận cảnh 15 nhiếp ảnh gia, cả nam và nữ, trên những trận địa nóng bỏng, chịu đựng rất nhiều khó khăn, để đem đến cho độc giả hình ảnh chân thực về các chiến trường. Từ biểu tình ở Jakarta, Indonesia, hay những cuộc pháo kích, dội bom ở Lebanon, Syria, đến xung đột ở Ireland, bắn tỉa, đọ súng ở Haiti, Bosnia hay Chesnia… Nhiều người bị thương, thậm chí hy sinh trong khi tác nghiệp.

 

Bao nhiêu năm quay phim đồng nghiệp trên khắp các chiến trường, Patrick Chauvel không hề có ý nghĩ là ngày nào đó sẽ làm phim về họ. Nhưng đến khi cảm thấy đã có đủ chất liệu, ông trở lại hỏi những người từng xuất hiện trong các thước phim của mình. Đấy là những câu hỏi mà bản thân Patrick Chauvel cũng luôn day dứt và rất muốn có câu trả lời. Như tại sao họ chọn làm phóng viên chiến trường? Họ có quyền chụp sự đau đớn của người khác không? Họ chịu trách nhiệm về cái gì? Chụp ảnh để làm chứng: một hành động chính trị hay một hành động cho lịch sử?...

 

Cùng một câu hỏi nhưng mỗi người trả lời một cách khác nhau. Tại sao mình lại làm công việc này, và để làm gì? Với Patrick, đó là mong muốn thế giới biết được sự thật. James Nachtwey đơn giản hơn: “Tôi không theo một tư tưởng hay triết lý gì cả. Tôi làm việc với tư cách là một người bình thường. Tôi đứng về phía những người yếu thế, những người bị chèn ép, nạn nhân của bất công”. Phóng viên ảnh tự do kỳ cựu Mydan thì nói đầy tự hào: “Đó là một cách kỳ diệu để sống”.

 

Hay như khi chứng kiến một cảnh cần phải can thiệp, chọn chụp ảnh hay can thiệp, nhiếp ảnh gia James Nachtwey trả lời: “Nếu bạn là người duy nhất có thể thay đổi điều gì đó hay cứu một ai đó thì bạn có thể bỏ máy xuống và giúp người đó. Và tôi nghĩ rằng chúng ta biết mình có thể làm điều khi có người đang cầu cứu. Còn nếu ta không thể giúp gì họ, ta có thể giữ máy và chụp, bởi đó là ta đã đang giúp họ”. Nhiếp ảnh gia Luc Delahaye lại khẳng định: “Chúng ta ở đó để chụp ảnh và chúng ta phải làm công việc của mình. Chúng ta chỉ dừng lại khi sự giúp đỡ của chúng ta là cần thiết. Ví dụ như, có một lần tôi ở Sarajevo , có rất nhiều người bị thương, ngay lập tức có người đến hỗ trợ. Tôi lúc đó đang chụp ảnh và tôi biết đã có người đến giúp đỡ, nên tôi tiếp tục công việc của mình mà không cảm thấy tội lỗi”.

 

Không chỉ đưa tin về những gì đang diễn ra, phóng viên chiến trường còn góp phần lưu giữ ký ức về hiện thực tàn khốc của chiến tranh đối với nhân loại. Họ chính là nhân chứng của các cuộc chiến. Đạo diễn Kim Chi nhận xét sau khi xem Phóng viên chiến trường: “Phải có trái tim rung động trước nỗi đau của con người mới làm được những thước phim như thế”. Patrick Chauvel thì nói: “Tôi làm bộ phim này để cám ơn các đồng nghiệp, trong đó có những phóng viên Việt Nam . Dù chúng tôi đứng ở chiến trường nào cũng là để ghi lại những ký ức, để nó không bị mất đi”.

 

Lăn lộn tại chiến trường Việt Nam vào cuối những năm 1960, Patrick Chauvel rất ấn tượng với các nhiếp ảnh gia, người quay phim tài liệu của Việt Nam, bởi trong điều kiện khó khăn, thiết bị thô sơ nhưng họ vẫn cho ra những bức ảnh và thước phim tuyệt vời; đặc biệt là gương mặt những người lính hiện lên đầy cảm xúc. Trong 4 - 5 năm đó, Patrick Chauvel cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là lần gặp một người lính Bắc Việt Nam, nhận ra ông là người Pháp, anh cố gắng nói chuyện. “Anh ta từng học ở trường Sorbonne, Paris . Anh ta giải thích cho tôi tại sao bố mẹ anh chống lại người Pháp và tại sao anh muốn đánh bật người Mỹ. Trước đó, tôi đã nghĩ về kẻ thù chỉ đơn giản là người bắn chúng ta. Nhưng anh ấy làm tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi nhận ra rằng, phía bên kia của rừng rậm là những con người cũng có cảm xúc”. Patrick Chauvel dự định sẽ thực hiện bộ phim về các phóng viên chiến trường Việt Nam , với những góc nhìn từ cả hai phía.


NDBND

Ý kiến bạn đọc