Việt Nam chưa có khái niệm chuẩn về phim

06:35, 16/05/2013
|

(VnMedia) - Trong tiếng Anh, để nói về phim điện ảnh người ta có các từ như Movie, Feature film, hay Motion Picture, còn phim truyền hình là Television series. Ở Việt Nam, cả phim điện ảnh và phim truyền hình được xếp chung một cái rọ là từ "phim", dẫn đến nhiều quan niệm sai lệch.

>> Phim video – Công thần hay tội đồ của điện ảnh Việt

Sau loạt bài của VnMedia về phim video, có một số độc giả phản hồi thắc mắc quanh khái niệm phim video và sự phân biệt nó với phim điện ảnh và phim truyền hình. Loạt bài tiếp theo không nằm ngoài mục đích làm rõ hơn về thể loại phim này – điều ít được những người viết sử điện ảnh lưu ý hoặc chưa được công chúng hiểu rõ.

Thói quen hoài niệm... thời xa vắng

Trước hết, có một điều cần đề cập - là khái niệm PHIM ở Việt Nam. Trong quan niệm của công chúng, và ngay cả báo giới, hình như vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa phim điện ảnh và phim truyền hình.

Tất nhiên, hiện giờ đa phần mọi người đã hiểu phim điện ảnh là phim chiếu rạp còn phim truyền hình là phim (chỉ) chiếu trên truyền hình. Tuy nhiên, vẫn có sự chưa rõ ràng trong nhận thức và tư duy của đông đảo khán giả và rất nhiều người viết.

Ảnh minh họa

Bệnh hoài niệm thời xa vắng thường đưa các phim điện ảnh kinh điển so ngang với các phim truyền hình dở ôi


Khá nhiều lần, trong các bài viết về phim ảnh trên báo chí, và trong các bình luận của khán giả – độc giả, người ta so sánh “thời xưa những phim Việt Nam đỉnh như Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa” với “bây giờ phim Việt Nam ngày càng chán như ABC hay XYZ, DEF hay MNQ”. Trong đó, ABC, XYZ là những tên phim truyền hình cực chán nào đấy.

Hoài niệm thời xa vắng kiểu này là một quán tính, tuy nhiên, đa phần các so sánh kiểu này sai từ gốc tư duy. Ở Mỹ, chắc chắn không không không bao giờ người ta có ý định chứ nói gì đến việc nhắc tới so sánh giữa các series X-Files, Friends, Girls (tức là những phim truyền hình thuộc hàng nổi tiếng) với Cuốn theo chiều gió, Casablanca hay Roman Holiday.

Nhưng ở Việt Nam có một lối hoài niệm... thời xa vắng, trong đông đảo công chúng. Khi cần minh họa cho ý tưởng cám cảnh thực trạng nền điện ảnh, người ta có một lối đi rất quen thuộc là lấy Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10… tức là những tác phẩm điện ảnh nổi bật trong cả chiều dài lịch sử để so sánh với những bộ phim tệ, chán nào đấy trong hằng hà sa số những tác phẩm đẻ sòn sòn trên truyền hình.

So phim điện ảnh với phim truyền hình đã là cái nhìn thiếu chuẩn. Dẫn chứng những phim điện ảnh kinh điển nhất của ngày xưa với những phim điện ảnh dở, tệ nhất của ngày nay để so sánh 2 thời kỳ đã là một tư duy phi logic. Lại còn so phim điện ảnh kinh điển ngày xưa với phim truyền hình tệ hại ngày nay để kết luận về thực trạng điện ảnh thì là một sự thiếu công minh.

Thế nhưng, điều này lâu nay vẫn hiện diện trong suy nghĩ, quan niệm của nhiều người cầm bút và số đông khán giả.

Việt Nam chưa có khái niệm CHUẨN về phim

Quay trở lại khái niệm PHIM – điều là cái gốc gây nên những sự so sánh dạng này của công chúng điện ảnh.

Trong từ vựng tiếng Anh, để nói về phim điện ảnh người ta có các từ như Movie (tạm dịch Phim cine), Feature film (Phim truyện), hay Motion Picture (Phim điện ảnh). 
 

Ảnh minh họa

Cần bổ sung những từ vựng cụ thể hơn để phân biệt (phim) điện ảnh và (phim) truyền hình

Còn để nói về phim truyền hình là các từ như Television series (xê-ri phim truyền hình), mini series (phim truyền hình ngắn tập), hay để phân loại thể loại phim truyền hình có những từ cụ thể hơn như telenovela (tạm dịch tiểu thuyết truyền hình – một từ xuất phát từ các nước Mỹ latin, thể hiện dạng phim có nội dung tiếp nối giữa các tập) hay sitcom (tạm dịch hài tình huống, là dạng phim mà mỗi tập là một nội dung độc lập, có thể xem tập này, bỏ tập sau không ảnh hưởng đến mạch xem).

Dễ thấy là giữa 2 khái niệm phim điện ảnh và phim truyền hình ở trên, không có từ vựng nào trùng lặp. Vì thế mà khán giả không trộn lẫn giữa 2 khái niệm này, như chẳng tự dưng so sánh giữa một phim của Universal, 20th Century Fox… với một series phim nào đó trên kênh Starworld.

Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ có 1 từ là PHIM để chỉ chung về phim. Hoặc nói cụ thể hơn, trong từ vựng phim điện ảnh và phim truyền hình đã trùng một từ phim, đâm ra khán giả dễ quy đồng chúng về một khái niệm.

Lỗi này có lẽ xuất phát từ cấu tứ từ vựng tiếng Việt. Ví dụ, các từ car, bus, motor, bicycle trong tiếng Anh hoàn toàn độc lập chẳng có tý liên quan nào đến nhau, trừ việc cùng nằm trong Means of Transport (Phương tiện giao thông) nhưng về Việt Nam thì đều có tiền tố xe: Xe ô-tô, xe bus, xe máy, xe đạp…

Có điều, các loại xe vốn dĩ là những thực thể dễ phân biệt từ ngay hình dáng của chúng nên chẳng dẫn đến sự khó hiểu nào đáng kể. Nhưng ở khái niệm Film (phim) thì trừu tượng hơn, nên đáng lẽ phải có những cụm từ cụ thể hơn để chỉ những dạng phim khác nhau.

Lỗi này có thể quy về lỗi của những người làm từ điển điện ảnh, khi đã không xây dựng một hệ thống cụm từ chuyên ngành khoa học và dễ hiểu.

Và để cho tránh nhầm lẫn, nên có những từ vựng mới để gọi phim điện ảnh và phim truyền hình mà không có tiền tố PHIM trùng nhau này. Chẳng hạn, Tấm điện ảnh, Món truyền hình (ví dụ thế) – tóm lại là những cụm từ nào đó mà khi đọc lên, ngay cả trẻ em cũng thấy có sự tách bạch.

(Còn tiếp)


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc