Đi Liên hoan phim Cannes kiểu ... Hoa hậu

17:42, 21/05/2013
|

(VnMedia) - Từ hơn 10 năm nay, Hoa hậu thế giới người Ấn Aishwarya Rai nhẵn mặt tại LHP Cannes, dù cô chẳng mấy khi có phim tham dự (chưa nói là được dự thi). Của đáng tội, lúc nào cô xuất hiện cũng là tâm điểm của báo giới, dù xét ra cô cũng chỉ có vai trò Promotion Girl cho một thương hiệu.

Từ 4 năm nay, đều đặn mỗi năm có một đoàn nghệ sỹ Việt được đến Cannes vào dịp thành phố cảng xinh đẹp nước Pháp diễn ra LHP quốc tế lớn nhất thế giới này. Nói thế có lẽ là chuẩn xác hơn cả về sự đi (LHP) Cannes của hình thức này, giống với việc đến Đà Nẵng vào dịp Festival pháo hoa quốc tế, đến Nha Trang vào dịp Festival Biển sắp diễn ra tháng 6 này.

Có nghĩa là mang tính chất du lịch hơi nhiều, tính chất công việc hơi ít, chỉ có điều đặc biệt là đi vào đúng dịp hội hè thì vui vẻ, ý nghĩa hơn.

Ảnh minh họa

Là khách mời đến từ một nền điện ảnh còn nhỏ bé, đoàn nghệ sỹ Việt chỉ được dành không gian và thời gian hạn chế trên thảm đỏ


Đoàn đi này bắt đầu từ năm 2010, do một hãng rượu tài trợ - đài thọ ăn nghỉ. Hãng rượu là một đối tác của LHP Cannes. Một sự kiện lớn như LHP Cannes thì có vô số đơn vị là đối tác, là nhà tài trợ. Hãng rượu này không phải là nhà tài trợ lớn mà chỉ là 1 trong những đối tác nhỏ của liên hoan phim, tuy nhiên cũng được dành một số giấy mời nhất định. Cũng như nhiều thương hiệu lớn khác, họ sử dụng quyền lợi này để đưa những celebrity trải nghiệm thảm đỏ.

Tiền là của họ, quyền chọn lựa là ở trong tay họ, nên việc họ chọn lựa gương mặt nào là một thao tác mang tính cá nhân doanh nghiệp. Họ không phải nhà nước, họ cũng không phải một tổ chức hội nghề nghiệp điện ảnh, để có áp lực và nhu cầu phải tuyển chọn những người thực sự bề dầy thành tích, uy tín nghề nghiệp hay vừa lòng công chúng. Nói chung, nghệ sỹ Việt vẫn là người người vô danh đối với một chốn dập dìu tài tử, giai nhân như LHP Cannes, nên có chọn Trịnh Thịnh hay Trịnh Mai thì cũng khác gì nhau.

Vì vậy, họ sẽ chọn những người mà họ cho là xứng đáng (có thể đánh giá không trùng khớp với người này, người khác), những người đang là những gương mặt nổi bật, thu hút báo giới và công chúng, hoặc có khi là những người có mối thân tình, quen biết…

Việc chưa có những cái tên như đạo diễn Đặng Nhật Minh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đã có những cái tên như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hồ Quang Minh, hay việc có những gương mặt chưa hề đóng phim điện ảnh như Lã Thanh Huyền, Trang Nhung, hay những sao gắn nhiều với thị phi như Lý Nhã Kỳ… với công chúng tại Cannes thì không có gì khác nhau, với bộ mặt điện ảnh Việt thì cũng chẳng có mấy ảnh hưởng.

Ảnh minh họa

Năm ngoái, đoàn nghệ sỹ Việt đến Cannes đã dấy lên một luồng dư luận trái chiều


Còn nhớ năm ngoái – 2012, khi những bộ ảnh gửi về từ Cannes của đoàn nghệ sỹ Việt phủ sóng trên mặt báo, truyền thông bắt đầu khơi lên một luồng dư luận phản biện “kém danh, ngoài lề… như sao Việt đến Cannes".

Các sao Việt bị chỉ trích là chỉ là PG, PB, tức là những người quảng cáo cho thương hiệu rượu, chứ không đi theo bất kỳ đoàn phim nào, không phải là khách mời chính thức của Cannes, nên chẳng được truyền thông quốc tế ngó ngàng đến. Tóm lại là cũng chẳng có gì đáng tự hào cho lắm.

Những quan niệm này có phần phiến diện và hơi thiếu công bằng với sao Việt, khi so sánh họ với ngay những trường hợp tương tự của các sao nước ngoài.

Trong khi dẫn ra luận điểm “Họ đều không đi theo bất cứ đoàn làm phim nào có phim tham gia tranh giải tại Cannes. Có lẽ vì vậy mà báo chí nước ngoài không biết và để ý đến họ”, có lẽ truyền thông Việt cũng không có tư duy rằng, trong hằng hà sa số những nghệ sỹ quốc tế đến LHP Cannes, con số được báo chí quốc tế để ý tới là vô cùng hãn hữu. Và thực ra PHỤ THUỘC RẤT ÍT vào việc họ có phim tham gia tranh giải hay không.

Ví dụ đơn cử nhất, trong chính LHP Cannes 2012 – thời điểm mà truyền thông trong nước đặt vấn đề “Mất giá như sao Việt đến Cannes” này, LHP Cannes kết thúc với chiến thắng Cành cọ Vàng nữ chính cho hai diễn viên người Rumani. Nhưng chú ý của truyền thông thế giới cho các nữ diễn viên này vô cùng ít ỏi, đến gương mặt họ hiện giờ người ta còn chẳng nhớ (vì được đăng tải quá ít), chứ chưa nói đến cái tên (cũng chẳng được nhắc đến nhiều).

Ảnh minh họa

Hai diễn viên Rumani Cristina Flutur và Cosmina Stratan dành Cành cọ Vàng nữ chính tại Cannes 2012 xuất hiện hiếm hoi trên báo chí quốc tế, ngay cả sau khi đăng quang. Còn trước đó, việc họ xuất hiện trên thảm đỏ cũng rơi vào yên lặng.


Mà đấy là các cô là người đăng quang. Tức là không chỉ có phim góp mặt tại LHP (mang dự án sản xuất, mang phim đến giới thiệu), mà còn có phim tham dự LHP (tức được các nhà tuyển trạch Cannes tuyển chọn vào các hạng mục chính thức). Không chỉ có phim tham dự, mà còn có phim dự thi (tức là được BTC Cannes chọn lựa vào hạng mục Tranh giải). Không chỉ có phim dự thi, mà còn được giải Cành cọ Vàng (tức là được BGK quyết định trao giải Nữ chính xuất sắc nhất).

Tức là cô Rumani này là VIP nhất trong các thể loại VIP, theo hệ quy chiếu của chính những người đang viết chê sao Việt ở Cannes. Thế nhưng, cô làm sao mà được truyền thông quốc tế để ý bằng một phút ưỡn ẹo của Paris Hilton, một khoảnh khắc hớ hênh của cô Kim siêu vòng 3, hay một giây sải chân của cựu siêu mẫu Cindy Crawford. Dù những sao hot này, thực ra cũng chẳng có tý liên quan nào đến LHP Cannes ở khía cạnh chuyên môn.

Trong khi vẫn tích cực đăng tải những hình ảnh của các sao quốc tế kiểu này “nổi bật tại Cannes”, “khoe dáng trên thảm đỏ”, hay những sao châu Á như Phạm Băng Băng, Chương Tử Di, Song Hye Kyo… mà khắt khe như vậy với sao Việt thì thực ra rất thiếu bao quát và khách quan.

Một ví dụ đơn cử nhất, một gương mặt gần như là khách mời thường trực ở LHP Cannes là cựu Hoa hậu thế giới người Ấn Độ Aishwarya Rai. Từ hơn 10 năm nay (tôi nhớ là cô Rai xuất hiện trên thảm đỏ Cannes từ những năm 1990), cô Hoa hậu này thường xuyên xuất hiện tại Cannes. Của đáng tội, lúc nào cô xuất hiện cũng là tâm điểm của báo giới, để luôn có hình trên những trang quốc tế, để rồi truyền thông các nước dịch tin đăng tải lại. Để rồi công chúng ở những nước “vùng trũng” như Việt Nam cũng chẳng xa lạ gì với cô, dù cô không có thành tích đáng kể gì ở sự nghiệp diễn viên (đối với tầm quốc tế). Mà thực ra, cô nào đã bao giờ có phim tham dự Cannes chính thức, mà cũng chỉ là gương mặt đại diện của hãng mỹ phẩm L’Oreal – một nhà tài trợ chính của LHP Cannes.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chẳng mấy khi có phim tham dự, Hoa hậu thế giới người Ấn Aishiawarya Rai vẫn là nhan sắc nhẵn mặt tại LHP Cannes


Ngay như trường hợp Phạm Băng Băng mà chắc là số người Việt biết đến cô qua những bộ hình, hay qua váy áo tại các kỳ LHP Cannes chắc chắn là nhiều hơn số người đã xem các bộ phim cô đóng. Nhưng “người đẹp mặt manơcanh” này vẫn được báo chí Việt tích cực đăng tải chẳng bỏ sót lần xuất hiện nào tại Cannes, dù rất hiếm lần trong số đó là cô có phim tham dự LHP.

Cũng của đáng tội lần nữa, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, Ấn Độ là nước đông dân nhì thế giới. Cbiz là một nền giải trí có ảnh hưởng mạnh mẽ với cả cựu lục địa, Bollywood là một nền công nghiệp điện ảnh sinh lời hàng đầu. Thế nên, việc BTC LHP Cannes có dành cho các sao này nhiều thời gian và không gian tạo dáng trên thảm đỏ hơn cũng là chuyện không khó hiểu. Cũng chẳng lạ nếu như nguồn tin, nguồn ảnh về các nhân vật này trên báo chí nước ngoài dồi dào hơn sao Việt, chưa kể báo chí Trung Quốc và Ấn Độ sang LHP Cannes tác nghiệp trực tiếp đông đảo gấp nhiều lần phóng viên Việt (vốn hầu như chẳng có).

Nếu công minh và khách quan hơn, cũng nên thấy rằng, sao Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Campuchia, Myanmar.. cũng chẳng mấy khi được truyền thông nước ngoài đăng tải hình ảnh trên thảm đỏ. Mà đương nhiên là hãng rượu (tài trợ cho nghệ sỹ Việt sang Cannes) có chi nhánh ở những nước này, hay nhiều thương hiệu khác là nhà tài trợ của LHP Cannes cũng đang kinh doanh sôi động ở các nước này…


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc