Đất phương Nam – Phim video kinh điển của điện ảnh Việt

21:04, 11/05/2013
|

(VnMedia) - Sau thời hoàng kim đại náo rạp chiếu và là trụ cột đời sống điện ảnh Việt, phim video đến thời kỳ thoái trào. Rút lui khỏi màn ảnh rộng, phim video bắt đầu tấn công màn ảnh nhỏ, và đã từng đóng góp những tác phẩm xuất sắc, xứng đáng là kinh điển.

>> Phim video – Một chặng đường của điện ảnh Việt
>> Phim video – Công thần hay tội đồ của điện ảnh Việt


VnMedia tiếp tục loạt bài về phim video – một trong những chặng đường đầy dấu ấn và đáng nhớ của điện ảnh Việt.

Như đã nói, phim video là phim thực hiện trên chất liệu video (so với phim điện ảnh thực hiện trên chất liệu phim nhựa hay gần đây là chất liệu kỹ thuật số).

Ảnh minh họa

Những hình ảnh trong Đất phương Nam


Nếu ở thể loại phim ngắn, hầu như không có nhiều chú ý và phân biệt giữa phim ngắn video và phim ngắn điện ảnh. Bằng chứng là hầu hết các phim ngắn của Việt Nam hiện nay vẫn đang được nhìn nhận là những tác phẩm điện ảnh, dù đa phần thực hiện bằng chất liệu video hay kỹ thuật số loại rẻ tiền. (Ở Việt Nam, có rất, rất ít phim ngắn được thực hiện trên chất liệu phim nhựa hoặc với thiết bị quay kỹ thuật số chuyên nghiệp).

... Thì, ở thể loại phim truyện dài, có sự phân tách rõ ràng giữa phim điện ảnh và phim video. P
him truyện video - trừ thời hoàng kim được chiếu rạp - không được xếp chung với phim truyện điện ảnh, mà được nhìn như là phim truyền hình, bởi chiếu trên truyền hình.

Tuy nhiên, trong hằng hà sa số các phim truyền hình ngày càng nở rộ, những phim video vẫn xứng đáng đứng ở một góc độc lập - bởi mang tính chất điện ảnh hơn là yếu tố “câu chuyện truyền hình”. Và, trong lịch sử phim truyền hình Việt Nam, đã có rất nhiều phim không bị áp lực “sản xuất công nghiệp” của thể loại truyền hình để trở thành những tác phẩm xuất sắc, xứng đáng là kinh điển.

1. Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) - Năm 1997

Ảnh minh họa

Đất phương Nam là phim truyền hình hiếm hoi của Việt Nam (có lẽ là duy nhất cho đến nay) bán được ra nước ngoài


Đất phương Nam
, không cần bàn cãi là bộ phim truyền hình xuất sắc nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại. Không chỉ xuất sắc, đây còn là tác phẩm kinh điển trên mọi mặt, từ chất lượng nghệ thuật, tầm vóc nội dung, sức lan tỏa trong đời sống, và dấu ấn để đời của các thành phần đoàn phim.

Lấy bối cảnh miền Nam thời kỳ Pháp đô hộ, phim đã đưa người xem đi từ đô thị Sài Gòn thời bảo hộ đến khắp nẻo vùng đất Nam Bộ thời chiến. Theo chân cậu bé An đáng yêu trong hành trình tìm người cha lưu lạc hoạt động Cách mạng, phim đã tái hiện vô cùng sống động, chân thực và hấp dẫn đất và người Nam Bộ trong thập niên 1940 của thế kỷ trước.

Nhân vật cậu bé An là 1 trong những nhân vật kinh điển nhất trong lịch sử phim Việt (cả trên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ), ngang hàng với những Chị Tư Hậu (phim cùng tên), trung tá Nguyễn Thành Luân (Ván bài lật ngửa), lưu dấu ấn sâu đậm hơn cả những nhân vật kinh điển khác như Ba Đô (Cánh đồng hoang), trung úy Phương (Nổi gió), Em bé Hà Nội (phim cùng tên), người vợ (Bao giờ cho đến tháng 10), ni cô Huyền Trang (Biệt động Sài Gòn)...

Ảnh minh họa

Cậu bé An là 1 trong những nhân vật kinh điển nhất của màn ảnh Việt


Không chỉ cậu bé An (Hùng Thuận), có nhiều nhân vật trong Đất phương Nam đã thành nhân vật kinh điển như cậu bé Cò (Phùng Ngọc), chú Tư Võ Tòng (Lê Quang), bác Ba (NSƯT Hồ Kiểng).

Đông đảo các nhân vật khác như chị Út (Thúy Loan), bà Tư bán quán (NS Mai Thanh Dung), ông bán rắn (NSƯT Mạnh Dung), vợ tư Mắm (NS Cát Phượng), cô bé mãi võ, anh ăn trộm, thầy giáo Bẩy… cũng nằm lòng với khán giả.

Có được sự để đời ở những vai diễn này, trước hết nhờ hệ thống nhân vật ấn tượng. Những nhân vật trong phim thực sự độc đáo mà không cần đến sự dị biệt - trừ Tư Võ Tòng, vừa sắc nét, riêng biệt không trộn lẫn trong hình hài, mà vừa gần gũi, bình dị như bao khuôn mặt đời thường. Những chân dung con người sống động với những số phận dày dặn, tính cách đầy đặn... kết hợp với diễn xuất tự nhiên, chân thực của dàn diễn viên đã khiến các vai diễn trong phim cứ đơn giản đi vào tiềm thức của người xem.

Chỉ là phim chiếu trên truyền hình, nhưng Đất phương Nam có sự chỉn chu, kỹ lưỡng như với những tác phẩm điện ảnh chiếu rạp. Không khó để nhận thấy sự chuyên nghiệp trong phục trang, đạo cụ; sự tìm tòi trong bối cảnh, quay phim; sự am hiểu văn hóa, lịch sử; sự đầu tư trong những cảnh quay mạo hiểm hay sự không hề dễ dàng khi làm việc nhiều với muông thú...

Ảnh minh họa

Cậu bé Cò - một nhân vật kinh điển khác trong phim


Ca khúc cùng tên trong phim – Đất phương Nam cùng những hình ảnh đồng quê, sông nước Nam Bộ thuộc diện được khai thác sớm hàng đầu trên màn ảnh nhỏ cũng là một phần ký ức của nhiều khán giả.

Là phim truyền hình, nhưng Đất phương Nam không khác gì những tác phẩm điện ảnh chất lượng – từ một kịch bản xuất sắc với những nhân vật hay ho, từ việc thực hiện công phu đến sự giầu sức nặng văn hóa, hiện thực. Phim dài tập, nhưng không phải kiểu dài tập... kéo dài ngắt ở đâu cũng được kiểu phim truyền hình, mà mỗi tập như một tác phẩm độc lập, có nội dung vừa trọn vẹn vừa liên kết với những phần phim trước - sau, có thể đứng riêng như một bộ phim điện ảnh.  

So thử với những phim điện ảnh dài tập kinh điển như Ván bài lật ngửa (8 tập), Biệt động Sài Gòn (4 tập), Đất phương Nam (11 tập) không hề thua kém.

Ảnh minh họa

Cặp nhân vật bà béo bán quán - ông gầy lang thang là dấu ấn khó quên


Phim do Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện. Đây là nơi có vai trò rất lớn với điện ảnh Việt, dù chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Không chỉ ở việc sản xuất rất nhiều tác phẩm phim truyền hình chất lượng và đáng nhớ trong thời kỳ hoàng kim của mình, mà còn là bà đỡ mát tay cho nhiều người làm phim tài năng.

Những nhà làm phim ít cơ hội làm phim truyện nhựa ở các hãng phim truyện nhà nước như Nguyễn Vinh Sơn, Trần Mỹ Hà, Nguyễn Quốc Hưng, Đinh Đức Liêm… hay những gương mặt trẻ mới ra trường chẳng có mấy cơ hội làm phim như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Thái Hòa… đều ít nhiều cần “chịu ơn” TFS không chỉ bởi là nơi tạo công ăn việc làm (kiểu các hãng, các đài đầu tư phim truyền hình hàng loạt bây giờ), mà còn ở khía cạnh tạo cơ hội, khuyến khích họ thể hiện những tác phẩm tâm huyết, hay thậm chí là mở ra cánh cửa nghề nghiệp cho cuộc đời.

Ảnh minh họa

Cảnh sắc thiên nhiên, và những nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của Nam Bộ hiện lên đầy sinh động


Tác phẩm này cũng là bộ phim truyền hình được chiếu nhiều lần nhất trong nước. Riêng người viết đã biết đến khoảng 20 lần phim phát sóng, chưa kể những lần không biết hoặc những kênh địa phương không có dịp xem. Đây cũng là tác phẩm truyền hình hiếm hoi được nhìn nhận như một tác phẩm điện ảnh – bởi những người nước ngoài.

Trong một cuốn catalogue của BHD (công ty Việt Nam có công đầu trong việc bán/phát hành phim Việt ra nước ngoài) giới thiệu với đối tác cách đây khoảng 5 năm, Đất phương Nam là phim truyền hình duy nhất trong danh sách. Trên kệ phim ở sảnh rạp Hà Nội Cinematheque – một rạp tư nhân của một người Mỹ yêu điện ảnh tại Hà Nội chuyên chiếu phim kinh điển – cũng hiện diện duy nhất đĩa phim này, giữa những phim điện ảnh trong và ngoài nước khác.

(Còn tiếp)


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc