Cannes: Liên hoan phim hay đại hội của mỹ nhân?

06:24, 27/05/2013
|

(VnMedia) - Những đại sứ của Chopard, L’Oreal – những nhà tài trợ lớn nhất LHP Cannes được xếp lịch dự sự kiện dày đặc nhất, xuất hiện hoành tráng nhất (theo nghĩa vedette của sự kiện hôm đó) và được các nhà báo dự sự kiện này thi nhau săn ảnh. Việc đến Cannes của họ vì phim ảnh thì ít mà vì nhiệm vụ xây dựng hình ảnh thì nhiều.

>> Đi Liên hoan phim Cannes kiểu... Hoa hậu
>> Sao Việt đến Cannes: Sao phải lo mất giá?!

Ba giai nhân trong khoảnh khắc để đời

Năm 2003, LHP Cannes có một hình ảnh ấn tượng trên thảm đỏ của 3 mỹ nhân đình đám Leatitia Casta, Aishwarya Rai và Củng Lợi. Hình ảnh 3 giai nhân tuyệt sắc vòng tay qua eo nhau đứng giữa không gian rộng lớn dành riêng cho họ dừng chân quay mặt tứ phía lọt đã vào ống kính của hàng ngàn tay máy đang tác nghiệp. Và xuất hiện trên các báo lớn nhỏ khắp thế giới ở đủ mọi góc độ. Hình ảnh này sau đó cũng được nhiều tờ báo Việt đăng tải, mỗi báo một góc độ càng làm ấn tượng về “tam đại mỹ nhân” trên thảm đỏ Cannes lưu dấu mạnh mẽ trong tâm trí độc giả.

Ảnh minh họa

Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của LHP Cannes: 3 mỹ nhân thế giới sóng bước


Leatitia Casta là hiện tượng nhan sắc của Pháp quốc những năm cuối 1990, đầu 2000 khi mới khoảng trên dưới 20 tuổi. Cô người mẫu từng là thiên thần Victoria’s Secret này khi ấy được coi như một Brigitte Bardot – một biểu tượng sắc đẹp mới của nước Pháp. Cô được chú ý toàn cầu sau khi chiến thắng trong cuộc bình chọn trở thành nàng Marianne. Trở thành nàng Marianne có nghĩa là được đúc tượng bán thân đặt trong khắp các Tòa thị chính và Tòa án của nước Pháp.

Aishawarya Rai đăng quang Miss World năm 1994 và đến nay vẫn là hoa hậu phổ cập nhất của Ấn Độ, dù đất nước này là lò hoa hậu với 5 lần đăng quang Miss World, 2 lần chiến thắng Miss Universe, chưa kể các thể loại Á hậu và chưa kể vô số cuộc thi nhan sắc khác.

Sự phổ cập này của Rai có lẽ nhờ một phần rất lớn ở việc xuất hiện tại Cannes trường kỳ trong hơn một thập niên qua. Chính việc là diễn viên của một nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu như Ấn Độ đã “đưa” cô đến đây (Vài năm sau khi đăng quang, Rai dấn thân vào Bollywood và đến nay là một trong những diễn viên rất thành công của nền điện ảnh này).

Củng Lợi là nữ đại sứ đầu tiên của điện ảnh Trung Hoa, với những bộ phim thành công sớm nhất ở tầm quốc tế của nước này, như Cao lương đỏ (Gấu Vàng Berlin 1988), Đèn lồng đỏ treo cao (Sư tử Bạc Venice 1991, Bafta 1992, đề cử Oscar 1992), Cúc đậu (Sư tử Vàng và Nữ chính Venice 1992), Phải sống (Giải BGK Cannes 1994, Bafta 1995, đề cử Qủa cầu Vàng 1995) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Bá vương biệt cơ (Cành cọ Vàng Cannes 1993, Bafta 1994, đề cử Oscar, Cesar, Qủa cầu Vàng 1994) của đạo diễn Trần Khải Ca.

Khách VIP không phải vì giỏi, mà vì hot

Ba nhân vật trong những bức ảnh xứng đáng gọi là COVER của Cannes khi ấy - Họ rất thành công, và được đánh giá cao. Tuy nhiên, báo giới và công chúng Cannes lẫn khán giả thế giới khi ấy đánh giá cao họ không phải ở khía cạnh diễn viên, mà ở sự lan tỏa của nhan sắc và sự nổi tiếng.

Ảnh minh họa

Những đại sứ hình ảnh của các nhà tài trợ lớn nhất được xuất hiện vào những ngày đầu LHP, được ưu tiên không gian đẹp thuận tiện cho tác nghiệp của cánh săn ảnh


Leatitia Casta khi nổi tiếng đình đám như một người mẫu trẻ hot hàng đầu thế giới đã gây chú ý rộng rãi với việc lấn sân điện ảnh. Sau những rầm rộ quan tâm với sự nghiệp diễn viên của cô ở bộ phim đầu tay The blue bicycle (Chiếc xe đạp màu xanh) năm 2000, cô đã chẳng hề lưu dấu trong lĩnh vực điện ảnh, chứ chưa nói đến việc trở thành minh tinh như người ta đã vội vã kỳ vọng.

Aishawarya Rai cũng có một sự nghiệp diễn viên đáng tự hào ở Bollywood, nơi mà năng lực sản xuất của nền công nghiệp điện ảnh vượt mặt cả Hollywood, nơi có tới 6-7 giải thưởng điện ảnh tầm quốc gia, chưa kể các giải thưởng tầm bang – một không gian địa lý cũng rất rộng rãi. Tuy nhiên, hoa hậu có nhan sắc hút hồn này vẫn được thế giới nhìn nhận là một người đẹp hơn là diễn viên.

Củng Lợi chính ở thời điểm trở nên quen mặt khắp thế giới và mở rộng sự nghiệp với những bộ phim Hollywood hay bom tấn quốc nội… là lúc chẳng còn những vai diễn để đời.

Có nghĩa, việc họ bước trên thảm đỏ Cannes như những celebrity VIP nhất khi đó hoàn toàn không phải vì họ là những gương mặt sáng giá nhất cho Cành cọ Vàng, mà vì họ là những người nổi tiếng. Họ trở thành khách mời cao cấp nhất của liên hoan phim không phải vì họ giỏi, mà quan trọng hơn vì họ đang hot. Họ được phóng viên đồng loạt chĩa máy ảnh vào vì họ được BTC xếp vào tâm điểm ấy, và vì họ nhẵn mặt với các tay máy hơn những tiềm năng nào đấy đang còn lạ hoắc. Họ được các báo nhất loạt chọn đăng ảnh vì nguồn ảnh về họ rất dồi dào và đẹp (không chen chúc lôm nhôm), và vì độc giả đều thấy rằng họ vừa xinh đẹp vừa nổi tiếng.

Đấy là những chân lý rất hiển nhiên, không chỉ ở Cannes, mà ở dường như hầu hết các sự kiện cả trong và ngoài showbiz, cả ở Việt Nam và thế giới.

Sao “xứng đáng” hay quyền lực của nhà tài trợ

Nhưng, còn một lý do rất quan trọng khác. Họ - 1 gái ở châu Âu, 1 gái ở Ấn Độ và 1 gái ở Trung Quốc, chưa hề đóng phim cùng nhau và có vẻ cũng chẳng quen thân gì, tự dưng lại sóng bước bên nhau. Vấn đề ở việc họ cùng là gương mặt đại diện của L’Oreal – hãng mỹ phẩm cao cấp là 1 trong những nhà tài trợ chính của Cannes.

Ảnh minh họa

Cindy Crawford và Cara Delevigne nổi bật với trang sức của Chopard trên thảm đỏ buổi chiếu phim mở màn Great Gatby


LHP Cannes như đã nói có vô số đối tác, nhà tài trợ lớn nhỏ và L’Oreal, cùng với hãng trang sức Chopard của Thụy Sĩ, hãng máy tính HP của Đức, hãng xe hơi Renault của Pháp… là những nhà tài trợ lớn nhất.

Nếu những nhà tài trợ nhỏ như hãng rượu Chivas tài trợ cho đoàn nghệ sỹ Việt đến Cannes được trao ít quyền lợi hơn (số lượng nhân vật được mời ít hơn, quyền hạn của khách mời khiêm tốn hơn…) thì những khách mời của những thương hiệu Chopard, L’Oreal, HP, Renault… thuộc hàng khách VIP nhất.

Năm nay, trên thảm đỏ Cannes có những sao không hề liên quan đến điện ảnh như 2 siêu mẫu – 1 đã hết thời là Cindy Crawford, 2 là gương mặt trẻ đang lên Cara Delevigne. Của đáng tội, năm ngoái Cara đã đóng một vai nhỏ trong phim Anna Karenina còn Cindy Crawford thời đang trên đỉnh sự nghiệp người mẫu cũng từng góp mặt trong Fair Game bên cạnh tài tử William Baldwin. Nhưng chưa ai coi 2 người này là diễn viên cả.

Không sao! Họ vẫn xuất hiện tại LHP Cannes vào thời điểm tốt nhất (khi sao chưa đổ về như trẩy hội), vẫn được đi trên thảm đỏ lúc thoáng nhất (không bị chia sẻ không gian với nhiều người khác), vẫn được xuất hiện hoành tráng nhất (theo nghĩa vedette của sự kiện hôm đó) và được các nhà báo dự sự kiện này thi nhau săn ảnh. Đơn giản, họ là diện trang sức của Chopard năm nay.

L’Oreal thì khỏi nói. Năm nào các mỹ nhân khách mời của L’Oreal cũng sẽ đến Cannes từ những ngày đầu LHP. Để tin tức, hình ảnh của họ đã hâm nóng từ buổi chiếu phim mở màn đến đêm khai mạc LHP. Và, họ cũng là những người đồng hành với LHP suốt thời gian, tham gia các sự kiện chính của LHP với mật độ dày đặc nhất, và lọt vào ống kính các tay máy dự sự kiện.


Batigol

Ý kiến bạn đọc