Bí thư Hà Nội chia sẻ bức xúc với dân làng cổ Đường Lâm

20:42, 21/05/2013
|

(VnMedia) - Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần phải sửa đổi và vận dụng linh hoạt quy chế quản lý làm sao vừa bảo tồn và phát triển được di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tại khu di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm.

Sáng nay, 21/5, tại thị xã Sơn Tây đã diễn ra Hội nghị về công tác bảo tồn và quản lý di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố, các sở-ban-ngành thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và đại diện các hộ dân trong làng. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

 Ảnh minh họa

 Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị


Hội nghị diễn ra từ 8 giờ đến 14 giờ với 2 báo cáo và 16 ý kiến đóng góp của các cơ các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ ngành địa phương, các nhà khoa học và đại diện người dân làng cổ Đường Lâm. Tất cả các ý kiến đều tập trung tìm giải pháp giải quyết các mâu thuẫn diễn ra trong quá trình bảo tồn và phát triển di tích làng cổ Đường Lâm và đặc biệt câu chuyện liên quan đến quyền lợi và đời sống của người dân trong làng. 

Làng cổ Đường Lâm có đặc thù là “một di tích sống”, nên trong quá trình quản lý, bảo tồn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, bất cập; trong đó có nhiều vấn đề vượt quá khả năng, thẩm quyền của thị xã Sơn Tây.

Trong thời gian qua, UBND thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm và các đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm theo Luật Di sản Văn hóa và Luật Xây dựng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn di tích còn nhiều hạn chế và bất cập: Chưa hoàn thiện quy hoạch và các cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn di tích; người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị của làng cổ; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp… dẫn đến bức xúc của một bộ phận các hộ dân đang sinh sống tại di tích.

 Ảnh minh họa

 Đoàn cán bộ đi thăm khu giãn dân tại làng cổ Đường Lâm


Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu thị xã Sơn Tây, các sở, ban, ngành nhanh chóng tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang bức xúc; những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền khẩn trương báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xem xét giải quyết.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ bức xúc của những hộ dân trong làng cổ Đường Lâm. Đồng chí Phạm Quang Nghị cảm ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý và nhân dân địa phương đã có những ý kiến đã đóng góp những ý kiến hết sức tâm huyết. Sự thành công của hội nghị hôm nay, cũng như sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí đã nói lên một điều: Không chỉ người dân Đường Lâm mà đông đảo người dân Thủ đô và hơn nữa là người dân cả nước rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngôi làng đặc biệt này.

 Ảnh minh họa

 Đồng chí Phạm Quang Nghị thăm một số ngôi nhà cổ đang được tôn tạo


Đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị cần sớm phê duyệt quy hoạch làng cổ và các dự án thành phần như: dự án giãn dân, dự án bảo tồn. Bên cạnh đó cần sửa đổi và vận dụng linh hoạt quy chế quản lý làm sao vừa bảo tồn và phát triển được di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt cần quan tâm, giúp đỡ người dân trong việc sửa chữa cải tạo nhà ở giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà vẫn không mất đi giá trị kiến trúc văn hóa của làng.

Đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị cần sớm phê duyệt quy hoạch làng cổ và các dự án thành phần như: dự án giãn dân, dự án bảo tồn. Bên cạnh đó cần sửa đổi và vận dụng linh hoạt quy chế quản lý làm sao vừa bảo tồn và phát triển được di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt cần quan tâm, giúp đỡ người dân trong việc sửa chữa cải tạo nhà ở giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà vẫn không mất đi giá trị kiến trúc văn hóa của làng.

Sắp tới đây, di tích Làng cổ Đường Lâm đang làm hồ sơ để trình lên Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia và tiến tới đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản của thế giới.

Tuy nhiên với thực trạng nhức nhối đang đặt ra, đồng chí Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo cho UBND thị xã Sơn Tây cần phải làm tốt công tác bảo tồn di sản hơn nữa trước khi làm hồ sơ công nhận di sản:

“Thà chậm công nhận mà giữ cho di tích không xuống cấp hơn nữa đã là mừng. Chúng ta cố chạy theo danh hiệu mà di sản thì không giữ được thì không nên. Nên nhớ cấp công nhận càng cao thì chế tài càng nghiêm ngặt, yêu cầu càng lớn. Vấn đề cần làm với di tích Đường Lâm là phải tháo gỡ ngay những vướng mắc đã bàn để có được sự đồng thuận của người dân.”


Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc