Ngay đầu năm 2013, đã có một không khí lạ tràn vào xứ Huế. Sự gặp gỡ của 55 nghệ sĩ trẻ đến từ 17 tỉnh thành cả nước trong cuộc triển lãm mang tên Năng lượng cố đô đã báo hiệu cho một sự chuyển dòng.
1. Người ta nhận thấy có một cái gì đó lạ lẫm, khác biệt trong thế giới mà các họa sỹ trẻ đang trưng ra. Người xem cũng khó tìm thấy được đâu là thực tại được các họa sỹ tô vẽ. Hiện thực đã bị quên lãng hay đang có một lớp hiện thực khác ẩn sau những họa tiết tưởng như là kỳ quặc ấy?
Trong các tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông, Miền ký ức của Đặng Thị Thu An, Sự trống rỗng của Nguyễn Đinh Duy Quyền, Manequin của Hoàng Trung Dũng đã bớt phần bắt chước hiện thực, mà họa sỹ đang hướng đến một siêu thực tại. Tác phẩm của họ là sự gắn kết giữa hiện thực và thế giới của mơ tưởng, thế giới của những giấc mơ. Hình họa không hướng tới diễn tả đúng sự vật mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính, thậm chí phá sản quan niệm thẩm mỹ truyền thống.
Các tác phẩm này đi ra từ trí tưởng tượng và liên tưởng, chúng khiến người xem chênh chao giữa thực tại và mơ mộng. Khiến người xem vừa bị mê hoặc, vừa thấy sợ hãi, bất an. Cảm tưởng như mình đang trôi vào những giấc mơ hoang tưởng, đang thụ cảm sự phi lý và những cơn dư chấn nội tâm... Khi tranh không còn mô phỏng thực tại thì sự va đập của màu sắc, họa tiết sẽ tạo ra những tín hiệu gợi lên những ý niệm về một dạng thức thực tại khác. Một thực tại nằm ở một chiều logic khác, không bị quy chụp bởi các nguyên tắc. Các họa sỹ đang dần chạm vào tâm thức của xã hội đương đại khi họ không cố tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ thông thường mà cố trưng ra một thế giới khước từ diễn giải, tạo ra những xung đột, va chấn trong tiềm thức. Thực sự các họa phẩm không còn bị gò bó vào hiện thực, chúng dường như thoát khỏi mọi quy chiếu khách quan. Sự tưởng tượng và cách bố trí của nghệ sĩ đã giải thoát cho hình họa không bị lệ thuộc vào sự quy chiếu của lý tính. Điều này làm chúng ta nhớ tới lời của Kandinsky khi ông nói rằng “Hội họa là sản phẩm của một sự căng thẳng nội tâm, phải ghi lại trạng thái tâm hồn, chứ không phải là thể hiện vật thể.”
2. Trong văn chương Việt, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp những nhà văn khước từ mô phỏng ngoại giới để tìm đến với thế giới bên trong. Một thế giới vô thức mênh mông mà phân tâm học đã quảng diễn, đã làm cả loài người sửng sốt khi họ bị vạch trần những thói kiêu hãnh hồ đồ. Để nối kết được với huyền thoại, chạm sâu vào những ẩn ức khốn cùng của con người, kêu gọi về trong tác phẩm những tiếng nói khác nhau như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Danh Lam, Hạo Nguyên… đã làm thì đó là một việc khó, việc đó không được đặt lên vai những người viết chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.
Các nhà văn trẻ Việt Nam đang có một sự chững lại trong tư duy sáng tạo so với các họa sỹ trẻ. Tất nhiên, hội họa và văn học có những điểm khác biệt của nó. Khác biệt về chất liệu, cách tổ chức hình tượng, không gian, thời gian... nhưng dẫu sao chúng có một điểm chung, điểm chung ấy chính là tư duy của người sáng tạo.
Truyện ngắn nhìn chung đang bị đóng khung trong cái công thức mô phỏng cổ điển. Nhà văn trẻ vẫn trượt đi một cách bình yên, một cách đáng sợ trên lối tư duy nghệ thuật tiền hiện đại. Tác phẩm luôn phải có tính chất Chuyện, phải tương hợp với hiện thực, phải chảy đúng logic lý tính, phải phản ánh hiện thực...
Nhìn một cách chung nhất thì những khả thể hư cấu trong các tác phẩm văn chương chúng ta hầu như bị tiết giảm tối đa. Tác phẩm luôn là sự nỗ lực cho sự lột tả tính chất trần trụi của sự thật, bút pháp tả thực truyền thống, lối viết mô phỏng trở nên có ma lực bậc nhất trong ý hướng trình ra một bức tranh chân thật của hiện thực từ chủ ý của người sáng tạo. Và dĩ nhiên, những tác phẩm này đều có chung một số đặc điểm. Đó là tính chân thực của lối kể tả những điều mà nhà văn được chứng kiến, những trạng huống mà chỉ có người trong cuộc mới viết ra được bằng kinh nghiệm và trí nhớ của mình. Tính chân thực được xem như là một trong những thước đo quan trọng của giá trị tác phẩm. Sự kiện, chi tiết, hình ảnh, nhân vật, không gian, thời gian, cốt truyện… nhất thiết phải tương hợp với cái khung lịch sử xã hội của nó. Nhà văn vẫn đang bị cầm tù bởi những kinh nghiệm của chính bản thân. Họ vẫn mê mải trên những câu chữ miêu tả hiện thực, bút pháp hiện thực truyền thống vẫn như một cứu cánh cho sự tồn tại của tác phẩm. Và một hệ lụy không thể tránh khỏi là họ không thể viết về một cái gì đó mà mắt họ không nhìn thấy, tai họ không nghe và bản thân họ không được thể nghiệm. Hầu như người ta vẫn xem rằng nếu viết về một cái gì đó mà chủ thể chưa trải qua thì được xem như là bịa tạc, áp đặt và phỏng đoán. Nhà văn trẻ đang hướng tới những điều khả tín qua sự quan sát, những điều khả tín chỉ có trong hiện thực mà thế hệ họ hiện tồn.
Tính chất nhất thiết phải có Chuyện trong một truyện ngắn đã trở thành rào cản cho những nỗ lực thay đổi lối viết. Truyện luôn luôn phải cần một cái gì đó để có thể tóm lược, để kể lại dựa trên một cốt truyện, một hệ thống nhân vật, những xung đột thông qua các chi tiết hiển minh, những thắt nút, mở nút… để hướng tới một sự kết nối trọn vẹn và hoàn kết, đó là những yếu tố cầm tù nhà văn trong địa hạt thi pháp truyền thống bấy lâu nay.
Ngày nay, khi những điều cần nhà văn kiến giải đã lặn vào bên trong thì ngôn ngữ không còn dừng lại ở việc phản ánh hiện thực hay chỉ là những ý niệm về hiện thực mà chính ngôn ngữ tạo sinh hiện thực. Hiện thực mà ngôn ngữ kiến tạo nên là một thứ hiện thực lệch pha, một thứ hiện thực được sao chép từ một dạng thức hiện thực gốc đã bị đánh mất. Thứ hiện thực này hiển lộ thông qua những cái thế vì. Khi thứ hiện thực ban đầu, thứ hiện thực nguyên khởi đã bị đánh mất thì trí tưởng tượng của nhà văn sẽ cứu vớt cho sự hiện hữu của chính tâm thức nhà văn thông qua những trạng huống hiện thực đến từ sáng tạo. Khai mở dạng thức hiện thực mới dưới những simulacrum, những hiện tượng mà bản chất của chúng hoàn toàn bị che giấu nên không còn mang tính chất hiện thực trần trụi. Điều này hãy còn xa trong tư duy sáng tạo của các nhà văn trẻ Việt.
Dấu vết của thi pháp văn học tả thực luôn ám ảnh nhà văn trẻ. Sự cách tân một cách thái quá về hình thức trong khi tác phẩm thiếu vắng tư tưởng và ý niệm, sự ồn ào về cách tân hình thức thực sự chưa đứng trên một nền tảng mỹ học đủ rắn chắc, chưa chạm được vào cảm trạng và tâm thức xã hội đương đại, và hơn thế, sự thực hành mỹ học trong sáng tạo chưa đủ sức thuyết phục.
Loay hoay mãi trong nỗ lực bắt chước hiện thực dần đưa nhà văn trẻ lâm vào sự khốn cùng của lối viết. Nhà văn không chịu triển khai những khả thể hư cấu như hội họa đã làm. Trong khi vật lý lượng tử tuyên cáo hiện thực đã trở nên vỡ vụn, bất định, mơ hồ và hoài nghi... thì các nhà văn trẻ nhìn chung vẫn xem hiện thực mình đang sống như một cứu cánh của sáng tạo. Đương nhiên, sau đó họ trình ra một thứ hiện thực gượng ép, xơ cứng, thô ráp không hề có dấu vết của các cấp độ sáng tạo. Và tất yếu, nhà văn luôn xa lạ với cảm thức, tâm thức của thời đại hơn so với các họa sỹ trẻ hiện thời.
Ý kiến bạn đọc