Biệt đội G.I.Joe và những chuyện hậu trường thú vị

20:28, 17/04/2013
|

(VnMedia) - Biệt đội G.I.Joe 2 có bối cảnh trải dài từ Mỹ tới Âu sang Á, với những địa hình rất đa dạng từ sa mạc, núi tuyết, các khu phố sầm uất tới những ngôi nhà chọc trời… nhưng bộ phim lại được quay hầu như tại một địa điểm.

Khác nhiều bộ phim cùng quy mô và thể loại, phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ CGI để tạo hình ảnh cho phim, đoàn làm phim G.I. Joe tìm kiếm và sử dụng những địa điểm quay thực tế nhằm tạo tính chân thực nhất cho bộ phim.

Ảnh minh họa

 

Với một cốt chuyện có sự xê dịch từ vùng xa mạc Islamabad, những tòa nhà chọc trời Tokyo, những đỉnh núi trên dãy Hymalayas, một ngôi nhà tù ở nước Đức cho tới các khu phố sầm uất của Washington… ekip phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là tìm ra một địa điểm có thể đáp ứng được một cách tối đa những yêu cầu của bộ phim.

Sau những nỗ lực thăm dò rất nhiều địa điểm khác nhau, các nhà sản xuất nhận thấy New Orlean, Louisiana là nơi phù hợp nhất để thực hiện bộ phim này.

Chuỗi ngày quay phim kéo dài 72 ngày, bắt đầu ở Baton Rouge trên một bãi cát nhân tạo khổng lồ để quay cảnh vùng sa mạc Pakistan. Dưới cái nắng gay gắt và độ ẩm cao tuyệt đối của mùa hè nơi đây, và dĩ nhiên là không có bóng râm nào để ẩn nấp, những trải nghiệm đó đã giúp các diễn viên và nhóm làm phim trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Thời tiết khắc nghiệt là một thử thách lớn, đặc biệt là đối với các diễn viên vì họ phải khoác trên người hàng loạt các thiết bị và vũ khí chiến đấu rồi mệt nhọc lê bước trên những ụ cát khổng lồ trong suốt hơn 10 ngày.

Một trong số những thử thách khi không tiến hành quay phim tại các thành phố lớn chính là sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng thiết yếu để hỗ trợ trong quá trình làm phim.

Ảnh minh họa

Và một nhân tố quan trọng giúp có thể tiến hành làm bộ phim này tại New Orleans chính là khu Michoud Assembly Facility của NASA đặt tại đây. Việc tạm dừng chương trình tàu con thoi Space Shuttle Program đã mang lại cho đoàn làm phim cơ hội được dựng nhiều phân cảnh quy mô lớn tại đây – đó là lần đầu tiên một đoàn làm phim có cơ hội như vậy.

Bên cạnh không gian khổng lồ, Michoud Assembly Facility còn có những khu nhà xưởng với trần nhà cao gần 80m vốn được xây dựng phục vụ cho việc lắp ráp những thiết bị khổng lồ của tàu vũ trụ và hệ thống tăng áp cho nhiên liệu. Điều này cho phép nhóm thiết kế có thể xây dựng cùng một lúc nhiều bối cảnh có quy mô hoành tráng, lên tới hàng trăm người mỗi nhóm quay mà không bị va chạm hay đụng mặt. 

Đứng sau ống kính máy quay bên cạnh đạo diễn và nhà sản xuất là một đội ngũ tài ba phụ trách phần hậu trường, bao gồm cả nhà quay phim Stephen Windon – người đã thực hiện một trong những bộ phim đình đám nhất của năm 2011 The Fast & The Furious 5, chuyên gia phục trang Louise Mingenbach, thiết kế sản xuất Andrew Menzies, chuyên viên xử lý kỹ xảo đặc biệt Steve Ritzi, chuyên viên phụ trách hành động Thomas Dupont…

Thiết kế sản xuất của bộ phim - Andrew Menzies rất hào hứng với việc xử lý hình ảnh mà không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ CGI. Sau khi nghe Menizes trình bày những ý tưởng sơ bộ về cách tạo hình nhân vật cũng như cách thức thực hiện bộ phim, đạo diễn Chu đã hoàn toàn tin tưởng rằng anh chính là nhà thiết kế sẽ biến thế giới của G.I. Joe trở thành hiện thực.

Dù là nhà tù dưới lòng đất, những công trình kiến trúc đô thị hiện đại của những tòa nhà chọc trời ở Tokyo hay những tu viện đơn sơ trên đỉnh Himalaya, Andrew Menzies đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiết kế ra các bối cảnh rất phù hợp với quy mô của bộ phim.

Đạo diễn Jon.M. Chu đánh giá cao các thiết kế của Menzies không chỉ vì chúng có đủ chức năng cần thiết mà còn vì những bối cảnh thực trong trường quay đó sẽ truyền cảm hứng cho các diễn viên. “Những cảnh dựng tạo rất nhiều đất diễn cho các diễn viên. Từ những tu viện trên dãy Himalaya, các tòa nhà, nhà tù... anh ấy đã thiết kế ra cả một thế giới cho chúng tôi” – ông nói.


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc