(VnMedia) - Thời hoàng kim, phim video đã từng được chiếu rạp như phim truyện nhựa. Sau đó có dạo gây dấu ấn mạnh mẽ trên sóng truyền hình khi “tấn công” màn ảnh nhỏ. Thế nhưng hiện tại phim video ngày càng heo hút và mất dấu trong đời sống điện ảnh.
>> Cánh diều 2011: Phim truyện video heo hút
Đã có thời, điện ảnh Việt có tới hàng chục phim video mỗi năm, tạo nên một không khí điện ảnh nhộn nhịp. Bây giờ thì phim video không những heo hút mà đến ngay khái niệm về thể loại phim này cũng bị xóa nhòa.
Từ việc là thể loại quan trọng thứ 2 (sau phim truyện nhựa) ở các giải thưởng điện ảnh như LHP quốc gia (Bông sen Vàng) hay giải thưởng Hội điện ảnh (tiền thân Cánh diều Vàng), phim video dần dần chẳng còn gây chú ý ở các giải thưởng, với số lượng phim tham gia ngày càng tịnh tiến về… zero.
Ở Cánh diều 2011, hạng mục phim video chỉ có 3 tác phẩm tranh giải. Đến Cánh diều 2012, chỉ có vỏn vẹn 1 phim dự giải và được ghép chung vào hạng mục Phim truyền hình. Đến Cánh diều 2013 thậm chí không rõ có tồn tại tác phẩm phim video nào không.
Tương tự, ở LHP Việt Nam 16, còn có BGK riêng cho thể loại phim truyện video (độc lập với BGK phim truyện nhựa). Đến LHP Việt Nam 17, BGK phim truyện nhựa đồng thời chấm giải luôn cho thể loại phim video. Không biết đến LHP Việt Nam 18 cuối năm nay, có còn tác phẩm video nào để dự thi không, hay hạng mục này cũng mất tích nốt như ở Cánh diều.
Điện ảnh thời hậu… bao cấp
Không rõ chính xác phim video (ở Việt Nam) ra đời vào năm nào nhưng vào khoảng cuối thập niên 1980, bởi ở LHP Việt Nam lần thứ 9 tại Nha Trang năm 1990 đã xuất hiện hạng mục giải thưởng dành cho thể loại phim này.
Phạm Công Cúc Hoa - một trong những phim video đầu tiên của Việt Nam |
Trong không khí này, xuất hiện các cá nhân, đơn vị làm phim ngoài khu vực quốc doanh. Phim video ra đời trong bối cảnh ấy, với ưu thế tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình thực hiện và tiết kiệm kinh phí hơn trong con số đầu tư.
Không rõ xuất xứ, nguồn gốc của phim video ở Việt Nam từ đâu nhưng chắc chắn có ảnh hưởng từ Hồng Kông, nơi mà nền công nghiệp điện ảnh đã sớm phát triển và bành trướng châu Á trong thập niên 1980. Giống nền điện ảnh Hàn Quốc sau này xâm lăng văn hóa bằng cả điện ảnh và truyền hình, phim ảnh Hồng Kông đến với khán giả Việt Nam qua chiếu rạp, truyền hình và chủ yếu nhất là con đường băng video.
Nếu phim video Hồng Kông thời gian đó chủ yếu là phim bộ (nhiều tập) thì phim video Việt Nam lúc này chưa có thể loại nhiều tập (thể loại mà sau đó vài năm sẽ gây xôn xao bằng các phim nhiều tập trên truyền hình). Và phim video chỉ là lẻ (1 tập), có hình thức như phim truyện nhựa.
Phim video - anh em của phim nhựa
Trước khi phim video ra đời, khái niệm phim truyện điện ảnh ở Việt Nam gắn liền với phim truyện nhựa (thực hiện với máy quay chuyên nghiệp, trên chất liệu phim nhựa 35mm, thi thoảng là 16mm).
Em còn nhớ hay em đã quên (Nguyễn Hữu Phần) - một phim video có chất lượng và cũng hút khách thời gian này |
Trong những mùa giải thưởng gần đây của Cánh diều, phim video luôn được xếp vào dạng phim truyền hình (gọi là phim truyền hình 1 tập, phân biệt với phim truyền hình nhiều tập). Cách xếp loại này đúng về mặt chất liệu thực hiện, nhưng về hình thức, phim video không khác gì phim truyện nhựa.
Phim truyền hình tựu chung có 2 dạng: Sitcom (mỗi tập một hình huống đôi khi chẳng liên quan nhau) và Telenova (tiêu thuyết truyền hình - những chuỗi câu chuyện có tính nối tiếp). Với tính chất thông thường là dông dài này, phim truyền hình phụ thuộc nhiều vào câu chuyện kịch bản hơn là những yếu tố đưa câu chuyện đó lên màn ảnh - điều quan trọng trong tác phẩm điện ảnh.
Trong khi đó, với độ dài thông thường 90 phút (có thể ít hơn như tầm 75 - 80 phút), phim video kể những câu chuyện trọn vẹn trong một khoảng thời gian nhất định. Với sự chắt lọc, tiết chế trong thể hiện, thể loại này là nơi đòi hỏi và kích thích người làm phim sử dụng những ngôn ngữ điện ảnh trong tác phẩm, nói chung cũng không khác là bao so với phim truyện nhựa.
Phim video có ưu điểm là rẻ tiền hơn phim truyện nhựa, và thông thường cũng đơn giản hơn trong các khâu ghi hình và hậu kỳ. Tất nhiên, các yếu tố chất lượng của nó, như hiệu quả hình ảnh và âm thanh, thì ở dưới tầm phim truyện nhựa, nói một cách giản dị là “kém cine” hơn.
Tuy nhiên, như đạo diễn Lê Hoàng nói: “Nhựa hay không là ở cái đầu chứ không phải cái máy quay” (dù bộ phim của anh chẳng được ấn tượng và hấp dẫn như lời giới thiệu), phim video Việt Nam đã có nhiều tác phẩm hay và chất lượng hơn nhiều phim truyện nhựa.
(Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc