Ồn ào dư luận "Bóng anh hùng" là phản động

21:29, 24/03/2013
|

(VnMedia) - Bóng anh hùng - một truyện ngắn đề tài chiến tranh đăng trên báo Phú Yên đã trở nên xôn xao dư luận khi một số lãnh đạo ngành Văn hóa nơi này cho là tác phẩm độc hại, phản động.

Đòi kỷ luật vì đăng truyện phản động

Bóng anh hùng đã đăng trên tuần báo Văn Nghệ ngày 8-8-2009, đăng trên báo Ðại Biểu Nhân Dân ngày 24-2-2010 và sau đó được in trong tập truyện ngắn cùng tên của tác giả do Nhà xuất bản Thời Ðại ấn hành (tháng 10-2012). Truyện này được in lại trên báo Phú Yên cuối tháng 9 và 10-2012.

Ngay sau khi đăng trên báo Phú Yên, thường trực Tỉnh ủy Phú Yên nhận được nhiều ý kiến, đơn thư của các ông Vũ Văn Thoại - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, Nguyễn Tường Thuật - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh: Trần Hành Chính, Huỳnh Cửu, Nguyễn Tiến Lẫm... có chung quan điểm cho rằng truyện ngắn Bóng anh hùng là độc hại, phản động và cần phải xử lý những người cho đăng truyện này lên báo tỉnh.

Ảnh minh họa

Bìa tập truyện Bóng anh hùng


Ban biên tập báo phải giải trình, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phải giải thích rằng không có cơ sở để nói truyện ngắn Bóng anh hùng là phản động, song những người có đơn thư vẫn tiếp tục có ý kiến đề nghị thường trực Tỉnh ủy phải có kết luận về việc cho đăng truyện ngắn “phản động” này là sai trái và phải kỷ luật ban biên tập báo Phú Yên. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu báo Phú Yên tổ chức buổi đối thoại với những người phản ứng để giải tỏa dư luận.

Một cuộc đối thoại được tổ chức tại phòng họp Tỉnh ủy ngày 19-1-2013 do báo Phú Yên chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan liên quan, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người có đơn thư. Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Thoại nhận định: “Giấy trắng mực đen con chữ không ai chối được. Chết “nhạt toẹt” (chữ trong truyện Bóng anh hùng - PV) là gì, không nguy hiểm à?”.

Không đến dự được buổi đối thoại này, nhưng ông Nguyễn Tường Thuật có gửi ý kiến tham gia cho rằng tổng biên tập báo Phú Yên nên có lời xin lỗi các mẹ VN anh hùng và gia đình liệt sĩ vì cái “bóng anh hùng” kỳ dị đã làm tổn thương họ và xử lý kỷ luật những người dưới quyền có liên quan.

"Không có gì đặc biệt và sai phạm"

Sau cuộc đối thoại, ngày 6-3-2013 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên có công văn truyền đạt thông báo kết luận của thường trực Tỉnh ủy xử lý việc duyệt, đăng các truyện ngắn, bài viết gây dư luận không tốt trên báo Phú Yên, trong đó có truyện ngắn Bóng anh hùng và giao Ban tuyên giáo chủ trì cuộc kiểm điểm.

Tại cuộc kiểm điểm ngày 14-3, tổng biên tập báo Phú Yên đã nhận thiếu sót: “Ðây là một tác phẩm tốt, tuy nhiên khi đăng đã không lường được còn có những phản ứng trái chiều gay gắt của một số độc giả dẫn đến tạo dư luận không tốt”. Cuộc họp có 100% người bỏ phiếu không áp dụng hình thức kỷ luật ban biên tập và tổng biên tập.

Phúc đáp công văn ngày 6-3 của Tỉnh ủy Phú Yên về việc cho ý kiến truyện ngắn Bóng anh hùng, công văn của Ban Tuyên giáo trung ương do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 12-3 viết: “Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các đơn vị liên quan (Vụ Văn hóa - văn nghệ, Vụ Báo chí - xuất bản, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương) và cơ quan chuyên môn (Hội Nhà văn VN), Ban Tuyên giáo trung ương có ý kiến như sau:

“Truyện ngắn này không có gì đặc biệt và sai phạm về nội dung và hình thức. Truyện đề cập đến tình yêu của người mẹ, tuy có phần khắc nghiệt nhưng ẩn giấu trong đó là tình yêu, là ý thức trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc”.

Trước đó, vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo trung ương) cũng đã có công văn gửi Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên nêu ý kiến: “Không nên quy kết tác giả có ẩn ý này khác”.

"Không chi tiết nào là phản động"

Ảnh minh họa

Tác giả Doãn Dũng


Trao đổi với báo chí, nhà văn Doãn Dũng chia sẻ, truyện ngắn xoay quanh tình cảm mẹ con của một người lính thời những năm 1980. "Không có người mẹ nào không yêu đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Người mẹ trong truyện ngắn này cũng vậy, bà đã phải che giấu tình cảm ấy bằng một hình ảnh nghiêm ngắn, khắc nghiệt và đặt tình yêu Tổ quốc lên trên hết thảy. Người con trai đã giận mẹ và mang nỗi giận hờn sang thế giới bên kia trong một cái chết “không anh hùng”. Tôi đã sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo để kết nối giữa hai thế giới, hóa giải mâu thuẫn giữa các nhân vật.

Với tư cách là một người viết văn, từng là một người lính, tôi muốn tiếp cận và tiếp tục mảng đề tài chiến tranh cách mạng mà các nhà văn cha chú đã đi trước, nhưng với góc độ mới hơn khi chiến tranh đã lùi xa, đó là khai thác những thân phận “nhạt toẹt” nhưng đóng góp sức người, sức của, không tiếc tính mạng mình trong những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nhận xét, truyện ngắn là một cách viết khác về đề tài người lính trong chiến tranh. “Chiến tranh có những sự thật trần trụi, khắc nghiệt mà càng được nói ra chân thật và chân thật thì càng giúp hiểu được cuộc chiến và người lính tham chiến. Như trong truyện ngắn này, việc người thanh niên thành lính và việc người lính hi sinh là những sự thật đó. Chàng trai có thể được hoãn vào lính nhưng khi đã nhập ngũ thì anh không thoái thác, không bỏ trốn. Cái chết của người lính trong chiến tranh không phải bao giờ cũng anh hùng, hiểu theo nghĩa là chết trên trận tiền, giữa hòn tên mũi đạn”.

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho rằng: “Câu chuyện của một hồn ma chiến binh còn rất trẻ, lại là đứa con duy nhất của một gia đình liệt sĩ, đã lay động mạnh trái tim tôi và kéo tôi đi một mạch đến dòng cuối cùng. Không một chi tiết nào của truyện gợi lên “sự khinh miệt”, “sự phỉ báng”, “sự đớn hèn”.


Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc