(VnMedia) - Với sự vắng mặt của Chạm (Nguyễn Đức Minh), cuộc đua Cánh diều Vàng năm nay bớt đi phần quyết liệt, tuy nhiên vẫn đầy tính cạnh tranh với những tác phẩm chất lượng như Thiên mệnh anh hùng, Lấy chồng người ta, Scandal – Bí mật thảm đỏ và Mùa hè lạnh.
>> Những phim xứng Oscar của điện ảnh Việt 2012
Trước thềm Lễ trao giải Cánh diều, cùng điểm danh những ứng viên nặng ký nhất này – cũng là những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Việt trong năm qua.
Lấy chồng người ta (Lưu Huỳnh, ViPhim sản xuất, BHD phát hành)
Lưu Huỳnh thuộc thế hệ những người làm phim tư nhân đầu tiên khi anh sớm có tác phẩm ăn khách Em và Michael Jackson (Phước Sang bỏ vấn, Trương Ngọc Ánh thủ vai chính) đầu thập niên 1990. Và phải tới 13 năm sau, anh mới quay lại làm phim, khi điện ảnh tư nhân bắt đầu có chỗ đứng trong đời sống điện ảnh.
Lưu Huỳnh đã từng thắng lớn ở 2 mùa Cánh diều Vàng với Áo lụa Hà Đông và Huyền thoại bất tử... |
Anh vào nghề vào lúc hoàng kim nhất của thị trường điện ảnh và cũng là giai đoạn hoang mang, mất phương hướng của cả ngành. Và hơn 10 năm gián đoạn của anh là giai đoạn điện ảnh kiệt quệ với các rạp chiếu bỏ hoang, khán giả quay lưng.
Nếu những người đứng đầu ngành điện ảnh khi ấy (hay nói cách khác là nhà nước) đã có một tầm nhìn khác để sử dụng đúng đắn nguồn lực tư nhân… thì có lẽ điện ảnh Việt Nam đã khác nhiều, và một thế hệ người làm phim khi ấy đã không bị bỏ sót hay thậm chí bỏ quên đáng tiếc.
Dù sao, Lưu Huỳnh vẫn rất có duyên với nghiệp làm phim, khi mà anh gần như là người làm phim tư nhân duy nhất khi ấy còn tồn tại và thành danh hiện tại. Trong khi có những nhà làm phim tài năng khác thời đó đã không may mắn vượt qua được điều này.
Lấy chồng người ta là bộ phim truyện điện ảnh thứ 4 của Lưu Huỳnh, sau Em và Michael Jackson (1993), Áo lụa Hà Đông (2006) và Huyền thoại bất tử (2009). Là tác phẩm gọn nhẹ và khiêm tốn nhất của anh (về quy mô, tầm vóc) nhưng xem ra chính là tác phẩm hoàn thiện và có sức nặng nhất trong số ấy.
... nhưng Lấy chồng người ta xem ra mới là tác phẩm hoàn hảo và có sức nặng nhất của anh |
Áo lụa Hà Đông là bộ phim được khen ngợi nhiều nhất của Lưu Huỳnh nhưng thực ra vẫn khá dài dòng và còn đôi chỗ thiếu thuyết phục. Huyền thoại bất tử cũng có một chuyện phim tham lam nên cấu trúc không thật logic và gọn ghẽ. Một đặc điểm khá đặc trưng ở phim Lưu Huỳnh là yếu tố mê-lô, hay nói cách khác là sự sến. Nhưng Lấy chồng người ta thì đã đạt được sự hài hòa ở tất cả những điểm thường còn hạn chế này trong cái tạng của Lưu Huỳnh.
Kịch bản phim khá đơn giản, chỉ quanh quẩn 4-5 nhân vật, với bối cảnh chủ yếu tại mấy căn nhà nổi trên sông. Nhưng Lưu Huỳnh đã tạo lập được một thế giới riêng rất đặc trưng và những nhân vật có sức ám ảnh.
Linh (Thái Hòa) là một nhân vật rất hay của điện ảnh Việt Nam đương đại – một trong những nhân vật nam hay nhất những năm gần đây. Người đàn ông thất bại hoàn toàn trong cuộc sống trốn tránh thực tại một cách tội nghiệp bằng cách chỉ còn biết chấp nhận nó (không có khả năng và dũng khí để làm khác đi, cũng không có niềm tin để giữ những cái đã thuộc về mình). Và/vì thế khi có một cơ hội hạnh phúc mỉa mai vốn chẳng là của mình, anh ta lại quyết liệt bấu víu và giành giật lấy nó như một chiếc phao cứu sinh cho cả cuộc đời.
Thái Hòa đã có một vai diễn rất hay - một trong những nhân vật nam hay nhất trong thập niên vừa qua |
Linh có thể coi là một dạng nhân vật biến thái, một kẻ tha hóa một cách bị động. Thế nhưng, chỉ cần 2 khoảnh khắc, Linh ngồi buồn đời trong quán café hay bên khung cửa căn nhà thuyền của mình, nhân vật này trở thành vô cùng đáng thương và đáng thông cảm.
Lụa (Đinh Y Nhung) cũng là một nhân vật khá hay, một tuýp phụ nữ bần cùng, chịu đựng kiểu mới – vừa hơi tăm tối, vừa nhiều cảm thông. Chồng cô (Huy Khánh) không quá ấn tượng nhưng lại rất phù hợp trong chuyện phim. Phải là họ - là Lụa với sự hiền lành, cảm thông, là chồng cô với sự có phần đơn giản, hời hợt - thì câu chuyện mới xảy ra như thế, để quá trình xung đột “nuôi” được chuyện phim.
Cấu trúc phim vẻ như khá đơn giản, so với sự trúc trắc, phức tạp trong Scandal hay Mùa hè lạnh. Nhưng Lưu Huỳnh đã chọn được một cách kể ấn tượng và phù hợp. Cũng là thủ pháp hồi tưởng hay lối kể đan xen thời gian, nhưng cách dựng phim khiến nó rất khác với lối “hồi tưởng” cũ mèm trong phim Việt.
Có những phân đoạn anh làm cực tốt, thực sự gây cảm xúc bất ngờ như cảnh khi Lụa đến gặp Linh tại một ngôi chùa để xin anh ta tha cho cô, nhưng tên đàn ông “thật vô cùng cục cằn dã man” này đánh cô tới tấp, kéo lê cô đi trên con đường lổn nhổn sỏi đá… nhưng hóa ra chỉ là trong tâm thức tưởng tượng sợ hãi của Lụa.
Lối dựng chắc tay này còn khiến anh tạo được một phong cách phim nhất quán – nhất quán nhất so với 2 phim trước của anh. Một điểm đáng ngả mũ của Lưu Huỳnh là sự tự tin và quyết liệt, khi mà anh khiến người xem như sống trong cái không khí mệt mỏi, bức bối trong phim. Có không ít lần khi xem phim thấy xung đột cả với đạo diễn và nhân vật, là tại sao lại tới mức đó, có cần đẩy sự bế tắc đến thế không…
Một phân đoạn được dựng rất bất ngờ, tạo hiệu quả cảm xúc mạnh |
Vì thế, Lấy chồng người ta là một phim không hề chiều theo cảm xúc của khán giả. Trong rạp chiếu hôm ra mắt tại Hà Nội, có nhiều tiếng thở dài to thành tiếng, sau buổi chiếu có những người đi ra ngay khỏi rạp như muốn ngay tức khắc thoát ra khỏi một sự chịu đựng, thế nhưng cũng có những người ngồi yên lặng như chẳng quan tâm gì đến ồn ào xung quanh, trong đó có những người làm nghề tài năng như (vợ chồng) đạo diễn Bùi Thạc Chuyên…
Lấy chồng người ta – bộ phim nhỏ nhất, đơn giản nhất, và ít đao to búa lớn nhất của Lưu Huỳnh lại chính là bộ phim hoàn thiện nhất của anh, bộ phim trọn vẹn nhất và sâu hơn, nặng hơn cả trong số ấy.
Cuối cùng, một thú vị của Lấy chồng người ta là sự “định danh” được một vùng đất trên phim – để “khai sinh” một làng nổi miền Tây nghèo tồi tội, như điện ảnh Việt đã từng có những mùa len trâu Nam Bộ đẹp như thủa hồng hoang, những đời cát nhỏ bé và bất lực trên dải đất miền Trung nắng gió trong Trái tim bé bỏng. Đó là một trong những điều đẹp nhất của điện ảnh – và Lưu Huỳnh đã làm được tốt trong giai đoạn hơi thiếu những vẻ đẹp như vậy.
Từng 2 lần đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất Cánh diều Vàng ở cả 2 lần tham gia dự thi (Áo lụa Hà Đông 2007 và Huyền thoại bất tử 2009), Lưu Huỳnh vẫn tiếp tục cho thấy khả năng chuyên môn cao trong tác phẩm này. Tuy nhiên, cơ hội để anh lập lại thành tích này hơi khó khi anh có 2 đối thủ cũng rất giỏi nghề khác là Victor Vũ và Ngô Quang Hải.
Ý kiến bạn đọc