Gìn giữ câu hò, điệu hát nơi cửa đình

11:33, 06/03/2013
|

Hội làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, Phú Xuyên, Hà Nội diễn ra ngày 15.8 (ÂL) hàng năm, từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng với những câu hò cửa đình, điệu múa hát bài bông. Năm 2004, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chính thức công nhận hò cửa đình và múa hát bài bông nơi đây là loại hình diễn xướng dân gian truyền thống.

Nhiều nhà nghiên cứu và nghệ nhân nhận định, hò cửa đình duy nhất chỉ có ở Phú Nhiêu, nhưng ngay cả cụ Lương Tất Tố, Chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu cũng không biết từ bao giờ hò cửa đình đã có mặt trên đất này. “Chỉ biết, khi chúng tôi sinh ra đã nghe hò cửa đình, cha tôi, ông tôi cũng đã hò”. Hò cửa đình là lối hát và cách diễn xướng tập thể, được thực hiện vào dịp hội làng trước cửa đình, kể công đức, ca ngợi nhà vua đang trị vì, khuyên con người ăn ở nhân hậu, chăm chỉ làm ăn, cung chúc thành hoàng, cầu cho già trẻ, gái trai, sĩ nông công thương, ngư tiều canh mục, thậm chí cả trâu, bò, gà, lợn, dâu tằm… được tươi tốt. Người hò được gọi là giai hò, nam từ 16 tuổi trở lên, trang phục áo the thâm, quần chúc bâu trắng, khăn xếp. Đạo cụ được dùng là sênh bằng cật tre, rộng 2 ngón tay, dài một gang tay, vót nhẵn 4 cạnh nhưng không cạo tinh để khi gõ vào nhau kêu vang, thanh. Những giai hò, đứng cái, lĩnh xướng cầm 2 tay 2 sênh gõ nhịp tùy theo bài Giáo, bài Hò hoặc bài Khóng cho phù hợp làn điệu, xướng, xô, điệp khúc… Không thuộc hết 517 câu lục bát trong toàn bộ bài hò nhưng cụ Lương Xuân Đằng, Phó chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông khẳng định hò được 80% trong số ấy. Theo cụ Đằng, cái đặc biệt của hò cửa đình là dùng lời ca thay cho nhạc cụ, lời ca mang âm hưởng giữa nói và hát, âm sắc đơn giản, ít luyến láy. Hò cửa đình có phần xướng, phần xô, có những tiếng đệm làm cho lời ca thêm mềm mại, có âm điệu, tạo nét riêng, độc đáo.

Cũng nhằm phục vụ lễ nghi nơi cửa đình, múa hát bài bông truyền đến thôn Phú Nhiêu từ năm 1925, được nhân lên trong dân làng và dần trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật diễn xướng cổ truyền ở đây. Cụ Vũ Thị Khiên, thành viên CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông Phú Nhiêu kể: múa hát bài bông do một người làng vốn là ca nữ chuyên múa hát trong triều đình Huế dạy cho dân làng. Vì thế, múa hát bài bông ở Phú Nhiêu mang đậm phong cách cung đình. Nội dung của hát bài bông thường ca ngợi đất nước, người có công với làng nước và phản ánh cuộc sống lao động, cấy trồng của người nông dân cùng tình yêu đôi lứa… Múa và hát bài bông hòa nhập với nhau, người múa phải hiểu lời hát. Âm điệu trong bài bông là tổng hợp các làn điệu mang tính dân ca, còn vũ điệu là các điệu múa cung đình. Múa hát bài bông được đánh giá là một loại hình vừa dân gian vừa bác học, lời hát một nửa là chữ Hán, một nửa chữ Nho. Chính vì thế, ngay từ những năm 1950, khi bài bông Phú Nhiêu đang bị mai một, các cụ đã dành nhiều tâm sức ghi chép cẩn thận để hôm nay làng không mất đi một nét đẹp văn hóa.

Sau một thời gian dài, với nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hò cửa đình, múa hát bài bông đã được bảo tồn như hiện nay. Thôn hiện có CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông với lịch trình sinh hoạt cụ thể, đã mua sắm được trang phục biểu diễn... Câu lạc bộ hiện gồm 4 thế hệ với trên 100 thành viên, được học hành bài bản, câu hò, điệu múa ngày càng trau chuốt, tinh tế hơn. Nghệ nhân Lương Tất Tố cho biết thêm: “từ thế hệ nhỏ nhất mới 7 tuổi đến những vị cao niên nay đã gần 80, ai cũng yêu nghệ thuật hò cửa đình, múa hát bài bông và tham gia rất nhiệt tình”. Đặc biệt, chính quyền thôn luôn tạo điều kiện để CLB có thể tập ít nhất 3 buổi/tuần nhằm lưu giữ, truyền dạy tiếng hò, điệu hát truyền thống. “Người dân Phú Nhiêu cũng không quên công truyền dạy của các cụ Nguyễn Thị Ga, Nguyễn Văn Loãn, Lương Tất Tố, Vũ Thị Khiên - những người đã được Hội Văn nghệ dân gian phong tặng Nghệ nhân dân gian” - ông Trưởng thôn Phú Nhiêu Lương Ngọc Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, câu lạc bộ cũng gặp không ít khó khăn. Các thành viên của câu lạc bộ đa phần thuần nông, không tránh khỏi những lo toan về kinh tế. Thế hệ nhỏ nhất vẫn đi học, thời gian rảnh rỗi lại tham gia nghề phụ (đan lưới) giúp gia đình. Vì lẽ đó, Ban chủ nhiệm CLB mong muốn có thêm nguồn kinh phí, phần đầu tư trang phục, phần phụ giúp các thành viên yên tâm luyện tập, truyền dạy, để câu hò điệu hát nơi cửa đình không phụ lòng bao thế hệ cất công gìn giữ, bảo tồn.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc