Chuyện tử tế - Bộ phim “sinh lời nhất" cho điện ảnh Việt

07:18, 24/03/2013
|

(VnMedia) - “Sau khi đoạt giải tại LHP Leipzig, bộ phim này đã bán bản quyền cho tất cả các đài truyền hình lớn trên thế giới thông qua một công ty. Đây là bộ phim đã mang lại tình cảm và tiền bạc cho ngành điện ảnh Việt Nam mà không có một bộ phim nào có thể so sánh được”.

>> Xem lại "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy

Đó là chia sẻ của đạo diễn Trần Văn Thủy – tác giả bộ phim tài liệu Chuyện tử tế trong buổi chiếu phim tại Viện Geothe Hà Nội, tối 22/3.

Buổi chiếu là màn khai mạc cho LHP tài liệu ngắn (Mini Doc Fest) của Trung tâm Doclab – một dự án phi lợi nhuận hỗ trợ thực hiện các bộ phim tài liệu và video art thử nghiệm.

Ảnh minh họa

Đạo diễn Trần Văn Thủy, giám đốc Viện Geothe (phải) và giám đốc Hà Nội Doclab (trái)


Khán phòng vốn chật hẹp của Viện Geothe Hà Nội càng chật hẹp hơn trong buổi tối 22/3. Đây có lẽ là buổi chiếu hút khách nhất xưa nay tại Viện Geothe, dù không gian hạn chế tại đây cũng đã chứng kiến vài lần quá tải, trong một số suất chiếu phim của LHP Đức tại Việt Nam, hay các suất chiếu của dự án điện ảnh tài liệu Varan...

Khoảng 150 khán giả (tương đương kín rạp một phòng chiếu cỡ trung ở các cụm rạp phức hợp hiện tại) đã hào hứng xem lại những thước phim từ cách đây 60 năm, hay 30 năm.

Các dãy ghế xếp kín phòng vẫn không đủ chỗ ngồi, người xem còn đứng dọc lối đi, cuối hàng ghế, hay chen chân, kề vai ở bậu cửa ra vào… Sức hút của Chuyện tử tế - tác phẩm điện ảnh tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy là lý do của sự đông đúc ấy.

Ảnh minh họa

Từ trước giờ khai mạc, các hàng ghế đã chật kín


Có mặt tại buổi chiếu, ngoài khán giả nước ngoài như thường lệ, những gương mặt cũ và mới trong cộng đồng làm phim tài liệu underground, một vài phóng viên văn hóa, còn có nhiều gương mặt nghệ sỹ như nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn (Thương nhớ đồng quê, Ngã ba Đồng Lộc, Trái tim bé bỏng, Lạc lối…), họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (Thời xa vắng, Hạt mưa rơi bao lâu, Long thành cầm giả ca…), họa sỹ Trần Lương…

Giao lưu với khán giả trước buổi chiếu, đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết, ông làm bộ phim này năm 1985, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn khi mà tác phẩm trước đó của ông – Hà Nội trong mắt ai (1982) vẫn đang bị cấm chiếu.

(Hà Nội trong mắt ai khi ra đời gặp nhiều quan ngại về vấn đề tư tưởng, dù chất lượng nội dung và nghệ thuật được đánh giá cao. Thậm chí, đạo diễn Trần Văn Thủy đã được trực tiếp gặp gỡ chiếu phim cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh… nhận được sự ủng hộ, can thiệp của các lãnh đạo cao cấp này nhưng phim vẫn bị ách lại 5 năm sau mới công chiếu rộng rãi).

Ảnh minh họa

Khán phòng nhỏ hẹp của Viện Geothe khiến khán giả phải đứng dọc lối đi và chen chúc ở cửa ra vào


Chuyện tử tế
được làm rất khác với những phim tài liệu lúc ấy – và cả sau này. Không có kịch bản nộp trước cho Giám đốc Hãng phim, đoàn làm phim cũng không có kịch bản nào cụ thể, mà “chỉ có một linh cảm trong đầu là sẽ làm một bộ phim như vậy, đi tìm kiếm những con người như vậy”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy cho hay, ngay khi phim ra đời, nó đã được phép chiếu rộng rãi trong Nam ngoài Bắc. “Ở Việt Nam chưa bao giờ có lệ bỏ tiền mua vé xem phim tài liệu. Và đó là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam có việc bỏ tiền mua vé xem phim tài liệu cho Hà Nội trong mắt ai Chuyện tử tế”.

Số phận của Chuyện tử tế xem ra may mắn hơn so với Hà Nội trong mắt ai, khi mà bộ phim này còn đề cập trực diện, mạnh bạo và mang tính “phê phán” thẳng thắn hơn so với Hà Nội trong mắt ai. Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ, sở dĩ bộ phim này tồn tại được là nhờ ra đời vào đúng thời điểm cực kỳ quan trọng của Việt Nam, là việc thông qua chính sách ĐỔI MỚI năm 1986.

Ảnh minh họa

Có khoảng 140 - 150 khán giả tới dự buổi chiếu phim


Câu chuyện về sự đến với thế giới của Chuyện tử tế cũng là một may mắn và nỗ lực của đạo diễn, nhờ mối quan hệ gắn bó với các bạn bè đồng nghiệp bên Đức, tại LHP tài liệu quốc tế Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức) – nơi mà ông đã từng tham gia với phim đầu đời năm 1970 và bộ phim Phản bội năm 1980. Năm 1989, Trần Văn Thủy trở lại làm giám khảo LHP này – mùa giải cuối cùng của LHP trước khi nó kết thúc, sau sự kiện nước Đức thống nhất.

Năm 1988, Chuyện tử tế đoạt giải Bồ câu Bạc tại LHP Leipzig. “Đây là giải cực kỳ quan trọng trong cuộc đời làm phim của tôi. Sau khi đoạt giải tại LHP, nó đã được bán bản quyền cho tất cả các đài truyền hình lớn trên thế giới thông qua một công ty của Mỹ.

Đây là bộ phim đã mang lại tình cảm và tiền bạc cho ngành điện ảnh Việt Nam không có một bộ phim nào của Việt Nam có thể so sánh được” – đạo diễn 73 tuổi tự hào khẳng định.

Thú vị với phim về Hà Nội những năm 1950

Trong buổi chiếu tối qua, khán giả cũng được xem một bộ phim tài liệu thú vị - Mùa xuân và lễ hội của cố học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ phim tài liệu câm (không âm thanh, không âm nhạc) do họa sỹ Trần Lương, cháu ngoại của học giả Nguyễn Văn Vĩnh biên tập lại.

Ảnh minh họa

Một cảnh trong phim ngắn Mùa xuân và lễ hội (Ảnh chụp từ màn hình)


Là chủ hiệu ảnh Anh Photo nổi tiếng của Hà Nội thập niên 1950, ông đã cầm máy quay ghi lại nhiều hình ảnh đẹp ở mọi chốn quen thuộc ở Hà Nội vào dịp Tết đến, như Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu, Đồng Xuân, chùa Láng, gò Đống Đa, làng hoa Nghi Tàm, chợ hoa Hàng Đậu… với những nét sinh hoạt của thị dân thời đó. Khá ngạc nhiên với những hình ảnh một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nhàn tản, phong lưu trong những thước phim thời 1950. Và là một sự đối lập thú vị với một vài hình ảnh Hà Nội ô hợp, nhộn nhạo, nhếch nhác, hối hả thời bao cấp trong Chuyện tử tế”.


Batigol - (Ảnh: Minh Đức)

Ý kiến bạn đọc