Vụ nổ kinh hoàng: Các đạo diễn lên tiếng

18:17, 24/02/2013
|

(VnMedia) - "Thực ra, cả một nhà máy sản xuất vũ khí, hàng vạn công nhân hàng trăm năm có xảy ra việc gì đâu. Nếu không thì không ai dám làm" - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ về tai nạn đáng tiếc được đoán là liên quan tới thuốc nổ tại TP.HCM sáng nay.

Vụ nổ kinh hoàng với 10 người thiệt mạng tại TP.HCM sáng nay đang gây rúng động. Nguyên nhân chưa được xác minh, công bố một cách cụ thể, tuy nhiên, cũng được đoán biết với việc tòa nhà nơi phát ra vụ nổ là nơi lưu trú của ông Lê Minh Phương, chuyên làm phim và phụ trách các hiệu ứng cháy nổ trên phim trường.

VnMedia đã liên hệ một số đạo diễn từng làm phim chiến tranh để nghe chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Làm khói lửa là nghề nguy hiểm

Ảnh minh họa

Một cảnh khói lửa trong phim truyền hình Huyền thoại 1C

Với phim chiến tranh, bên Hãng Phim truyện Việt Nam có quy trình rõ ràng. Bắt đầu triển khai dự án là làm đơn lên Bộ tổng tham mưu Quân đội Việt Nam. Nơi này sẽ đề xuất các đơn vị có thuốc nổ cấp cho đoàn phim.

Dự án phim phải kê ra cụ thể cần bao nhiêu cảnh có thuốc nổ, nhu cầu khối lượng bao nhiêu, bên quân đội sẽ dựa theo đó mà cấp. Ngoài thuốc nổ còn là các thiết bị khác gắn với nó như ngòi nổ, dây nối…

Trong phim chiến tranh của ta hiện tại vẫn dùng thuốc nổ TNT và kết hợp kỹ xảo. Đương nhiên, làm khói lửa trong phim chiến tranh là nghề rất nguy hiểm. Với việc làm phim chiến tranh ở Việt Nam thì càng nguy hiểm hơn nữa, bởi hệ thống an toàn cho phim mình vẫn kém và thô sơ.

Đương nhiên, với những người làm nghề khói lửa chiến tranh thì hầu như cả đời họ đã gắn với nghề đó, đã sống quen với thuốc nổ, thì họ thừa biết các biện pháp an toàn.

Trong vụ tai nạn ở TP.HCM, vì cũng chưa có thông tin điều tra cụ thể nên chưa nói được gì. Nguyên nhân thì cũng có nhiều, có thể chủ quan, khách quan… Biết đâu có thể là chập điện.

Dạo làm phim Huyền thoại 1C (phim truyền hình đề tài chiến tranh), đoàn phim chúng tôi cũng có một người phụ trách cháy nổ tên là Phương. Tôi cũng không biết anh Phương này có phải anh Phương đã thiệt mạng hay không bởi Sài Gòn có 2 người cùng tên là Phương làm khói lửa.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: Làm phim cháy nổ là chuyện chẳng đặng đừng

Ảnh minh họa

Dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng, Tuổi thơ dữ dội cũng có nhiều cảnh cháy nổ khốc liệt


Làm phim chiến tranh với những cảnh cháy nổ luôn là thách thức. Về mặt đạo diễn, mình phải làm việc thật kỹ với chuyên viên khói lửa. Đầu tiên là trao đổi trên kịch bản, để bên khói lửa chuẩn bị các đạo cụ, thiết bị. Mình muốn cảnh này sẽ như thế nào, hiệu quả tới đâu… khi ra trường quay, họ sẽ đặt chất nổ, lửa khói. Những cái này cũng không phải là chuyện đùa. Bộ phận sản xuất, chủ nhiệm phim sẽ phải lo về phép tắc, xin phép địa phương, báo cho dân chúng để bảo vệ an toàn.

Trước khi quay, sẽ phải tập nhiều, nhất là những cảnh nổ lớn. Trong khi tập sẽ cắm cờ những điểm sẽ nổ, cho diễn viên và chuyên viên khói lửa tập với nhau… Cũng phải tính toán, dự trù sao cho đạt cả an toàn tối đa đồng thời đạt hiệu quả tốt. Nếu an toàn quá thì có thể không hiệu quả, nhưng nếu chú trọng hiệu quả thì đôi khi nguy hiểm.

Trong phim Tuổi thơ dữ dội nhiều diễn viên trẻ, khi tập dượt cũng phải làm công tác tinh thần cho các em để an tâm.

Việc làm phim có chất nổ là chẳng đặng đừng. Trừ trường hợp cần thiết quá với kịch bản. Những chuyên gia khói lửa trong các hãng phim thường là bộ đội phục viên và họ quen với việc này rồi. Cộng thêm họ cũng phải được huấn luyện về cháy nổ trong điện ảnh và trong những cảnh cháy nổ thì họ sẽ là người lo liệu chính.

Còn chuyện bị nổ, lâu lâu cũng có nghe nói trong các đoàn phim cũng có tai nạn rủi ro, nhưng không lớn.

Ông Phương trong vụ tai nạn này cũng là người lâu năm trong nghề, anh em ai cũng biết. Cũng rất nhiều anh em đã làm việc với ông, tôi cũng biết nhưng chưa làm việc với ông.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Thuốc nổ an toàn, vấn đề là biết cách sử dụng

Ảnh minh họa

Một cảnh cháy nổ trong Những người viết huyền thoại


Tôi có biết anh Phương nhưng chưa có dịp làm việc. Anh Phương là người kinh nghiệm nhưng không cẩn trọng thì mới có chuyện ấy xảy ra. Thường thì chuyện thuốc nổ rất an toàn. Vấn đề là biết cách sử dụng. Tất nhiên không ai mang về nhà, phải có kho riêng.

Ở Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi có kho riêng, hoàn toàn cách biệt ở Đông Anh cất thuốc nổ, đạn, kíp mìn hoặc chất tạo cháy. Mỗi khi dùng thì chúng tôi đến đó để lấy.

Thực ra, thuốc nổ thì vô hại. Phải ở trong các điều kiện kích nổ mới thành nguy hiểm. Để khối thuốc nổ gần kíp thì rất dễ phát nổ, trong điều kiện va đập.

Làm phim chiến tranh, thứ nhất phải có chuyên gia về thuốc nổ, phải có giấy phép sử dụng thuốc nổ đó. Quy trình sử dụng khá nghiêm ngặt, chúng tôi phải gửi công văn sang Bộ Quốc phòng, đề xuất mua bao nhiêu, sau đó phải được lệnh của Bộ Tổng tham mưu cho phép thì các đơn vị mới bán cho mình.

Khi làm phim, chúng tôi quay ở vùng nào thì lấy chất nổ ở đấy. Dùng xong hết trong địa bàn này thì sau đó hủy hết số còn lại, không vận chuyển sang khu vực khác. Thuốc nổ rẻ lắm, không đáng bao nhiêu.

Như bộ phim Những người viết huyền thoại, chúng tôi sử dụng 100 kg thuốc nổ giá chỉ độ mười mấy triệu, đã tính cả kíp kèm theo. Quy trình bảo quản, đội ngũ sử dụng mới là tốn kém. Không được phép để xảy ra những cái nằm ngoài dự trù của mình.

Ví dụ như trong giai đoạn quay phim, có anh kỹ thuật viên bị xăng bùng ngay dưới chân, chỉ một chút thôi, bùng lên 1 cái tắt ngay chúng tôi đã phải cho anh ấy đi viện. Đấy chỉ là bùng xăng thôi, còn chuyện xảy ra các tai nạn lớn hơn là điều hãn hữu. Bởi chúng tôi rất cẩn thận trong việc ấy, an toàn tuyệt đối, tầm kiểm soát nhiều vòng và nghiêm ngặt.

Bao nhiêu đoàn phim chiến tranh tôi tham gia, từ hồi làm phó cho Giải phóng Sài Gòn, rồi Đường thư… tôi kiểm soát được an toàn hoàn toàn, mặc dù phim tôi làm cũng dữ dằn.

Thực ra, cả một nhà máy sản xuất vũ khí, hàng vạn công nhân hàng trăm năm có xảy ra việc gì đâu. Nếu không thì không ai dám làm.


Lan Anh - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc