(VnMedia) - Theo tin từ gia đình, đạo diễn – NSND Hải Ninh, tác giả của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Đêm hội Long Trì… đã qua đời rạng sáng nay, tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), thọ 82 tuổi.
Trao đổi với VnMedia, đạo diễn, NSƯT Nhuệ Giang – con dâu đạo diễn Hải Ninh – cho hay, ông đã ra đi lúc 5h50 sáng nay, sau 11 ngày nằm điều trị tại bệnh viện. Trước đó, đạo diễn Hải Ninh bị hạ đường huyết do mắc bệnh tiểu đường, sau đó bị hôn mê phải đưa đi cấp cứu.
Đạo diễn - NSND Hải Ninh bên con trai - đạo diễn, NSND Thanh Vân |
Theo ghi nhận của các bác sỹ, đạo diễn Hải Ninh bị hạ đường huyết giữa đêm, lúc đang trong giấc ngủ nên không ai biết. Đến sáng, khi gia đình phát hiện ra và đưa vào bệnh viện thì đã được kết luận là quá muộn. Ông bị hôn mê trong suốt 10 ngày nằm viện cho đến lúc ra đi sáng nay.
Con trai ông - đạo diễn, NSND Thanh Vân chia sẻ, biết bệnh tình của bố anh đã kéo dài nhiều năm nay, và từng phải vào viện nhiều lần. Tuy vậy, ông vẫn khá tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp và vẫn chịu khó đọc sách, xem phim cũng như quan tâm theo dõi tình hình điện ảnh nước nhà.
Ông học lớp Đạo diễn đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam, tiền thân của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ông được coi là một trong những người góp công đặt nền móng cho nền điện ảnh Việt Nam. Đồng thời cũng là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất, cùng với những Hồng Sến, Đặng Nhật Minh…
Trong sự nghiệp của mình, đạo diễn Hải Ninh đã để lại một số tác phẩm nổi bật, đặc biệt là về đề tài chiến tranh, như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm – bộ phim gắn với tên tuổi NSND Nhuệ Giang, Em bé Hà Nội – bộ phim để đời của NSND Lan Hương, hay phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông ghi lại khoảnh khắc lịch sử giải phóng Sài Gòn…
Em bé Hà Nội - tác phẩm nổi tiếng nhất của đạo diễn - NSND Hải Ninh |
Ngoài ra, ông cũng là tác giả của những bộ phim đáng chú ý khác như Mối tình đầu (với sự tham gia của Như Quỳnh và Thế Anh) – tác phẩm về tình yêu và lối sống của bế tắc của giới trẻ thị thành Sài Gòn trong cuộc chiến “vô nghĩa”, hay loạt phim dã sử Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du về những mưu mô, đấu đá chốn hậu cung, quy tụ những mỹ nhân thời đó của điện ảnh Việt như Lê Vân, Thu Hà, Hoàng Cúc…
Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân năm 1984, khi 53 tuổi. Ông cũng là một trong những nhà làm phim được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật – giải thưởng được coi là danh giá nhất của nhà nước Việt Nam dành cho giới văn nghệ sỹ.
Được biết, lễ viếng NSND Hải Ninh sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng từ 10 – 11h30 sáng ngày 7/2, tức ngày 27 tháng Chạp. Sau đó, thi hài ông sẽ được hỏa táng và mang tro về chôn cất ở nghĩa trang của làng Ngọc Thụy, Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc