Người Mỹ "thú nhận" về Mậu Thân 1968

15:51, 05/02/2013
|

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đánh vào 4/6 thành phố, 37/46 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam, làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc, gây chấn động dư luận không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.

Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Johnson thú nhận: “Dù so với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì cuộc tấn công Tết cũng là một thất bại quân sự nặng nề”. Nên “các nhà viết sử và các nhà phân tích quân sự sẽ coi trận tấn công này và những hậu quả của nó là thất bại thảm khốc nhất của lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam”. Chính vì vậy, ngày 25 - 26/3/1968, ông đã triệu tập một cuộc họp với “những nhân vật am hiểu tình hình nhất” (gồm 14 người), để tìm hiểu vấn đề trước việc bị tấn công bất ngờ này. Đây là những người nắm giữ các địa vị then chốt trong Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc họp, khi nắm được quan điểm từng người, “Tổng thống đã nhận được câu trả lời vô cùng bi quan của những người từ trước đến nay vẫn được xem là cứng rắn... Cuối cùng, Tổng thống quyết định rời khỏi sân khấu chính trị với hy vọng thống nhất lại một quốc gia đang bị chia rẽ ngay trong những người thân cận nhất của Tổng thống” - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford kể lại.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận xét: “việc Tổng thống chúng ta chỉ có thể gặp người lãnh đạo một nước mà hơn 30.000 người Mỹ đã chết vì nó trên một hòn đảo hiu quạnh trong một khung cảnh đẹp trời của Thái Bình Dương chứng minh tình hình rối như tơ vò mà chiến tranh Việt Nam đã dìm xã hội chúng ta vào”. Nên trong cuốn sách Những năm tháng ở Nhà Trắng, khi nói về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, Henry Kissinger viết: “Ngày nay, hầu hết chuyên viên về Việt Nam công nhận đó là một thất bại thảm hại”.

Ngày 27/3/1968, chưa đầy 2 tháng sau khi ta mở cuộc tổng tấn công, cựu Tổng thống Mỹ D.Eisenhower đã thốt lên rằng: “Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chiến tranh”.

Tướng W.C.Westmoreland - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam viết trong cuốn Một quân nhân tường trình, xuất bản ở New York năm 1976: “Việt Cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong, thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại... các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa... Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta (Mỹ) phải công nhận, đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”.

Còn tướng Maxwell D.Taylor - cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6.1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lyndon B.Johnson, trong hồi ký Thanh gươm và lưỡi cày, xuất bản tại New York năm 1972, đã thừa nhận: “Ngày 31/1/1968, quân địch (tức Quân Giải phóng) tấn công và chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công của họ đã được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn được chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, đã làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức kinh hoàng. Phải rất lâu họ mới hoàn hồn và trong một số trường hợp, sự hoàn hồn đó mãi mãi không bao giờ được khôi phục hoàn toàn”. M.Taylor còn nói thêm: “Bất ngờ thực sự mà cuộc tấn công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải việc đối phương đã mở được một cuộc tấn công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tấn công mãnh liệt đến thế”.

Trong Nhật ký các lực lượng vũ trang (1971), Tướng Robert D.Heinl nhận xét về tình hình binh lính Mỹ ở Việt Nam như sau: “Chưa bao giờ đạo đức, kỷ luật và giá trị chiến đấu của quân đội Mỹ, trừ một vài ngoại lệ, lại xuống thấp và tồi tệ đến thế trong thế kỷ này và có lẽ trong cả lịch sử nước Mỹ. Bằng tất cả các chỉ số có thể hình dung được, giờ đây quân đội của chúng ta ở Việt Nam đang ở trong tình trạng gần sụp đổ, với các đơn vị chiến đấu tìm cách trốn tránh hay từ chối chiến đấu, giết chết các sỹ quan, mất tinh thần, một tình trạng rất dễ dẫn đến nổi loạn”.

Có thể thấy, những đánh giá, lời thú nhận của từ Tổng thống đến các nhà chính trị, quân sự Mỹ..., dù ở góc độ nào, đều thừa nhận tác động to lớn của sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Điều này càng chứng tỏ tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 của quân và dân ta.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc