Kịch Việt Nam: Tre đã già mà măng chưa kịp mọc

07:58, 14/02/2013
|

(VnMedia)2012, kịch phía Bắc vẫn thiếu sức sống. Sự lùi bước của những cây đa, cây đề vẫn không giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội vươn lên và bứt phá.

Mang tâm sự này đến với nhà biên kịch Chu Thơm, ông cũng lắc đầu buồn bã và chia sẻ, “chúng tôi đã từng mong năm 2012 sân khấu sẽ khởi sắc, nhưng đến giờ, thì điều đó vẫn chỉ nằm trong hy vọng”.

 Ảnh minh họa

 Nhà biên kịch Chu Thơm


Đầu năm, nếu nói chuyện buồn của giới sân khấu, e là một sự không vui và kém may mắn. Nhưng, sự thật vẫn phải được nhìn nhận để bày tỏ tiếp nỗi niềm hy vọng cho một nền sân khấu năm mới thăng hoa.

- Khi đã rời khỏi vị trí quản lý, liệu anh còn nặng lòng với sân khấu như ngày còn ngồi ở vị trí Phó trưởng phòng nghệ thuật?

Quản lý với tôi không phải là một nghề, nó giống như cái áo, đến hẹn lại lên sẽ có người khác mặc cái áo đó. Nghề của tôi, tình yêu của tôi là với sân khấu. Trong công việc bao giờ cũng phải cố gắng làm mới mình. Không làm mới là không yêu nghề.

Sân khấu là cái gì đó linh thiêng. Nơi này phải một đúp ăn ngay, không có sự lắt léo, giả trá. Tôi mừng sau một năm bươn chải, 5 lần vào sài Gòn, 5 lần đi Quảng Ninh, gần 20 ngày ở Huế dự liên hoan, gần 20 ngày ở Vũng Tàu sáng tác thì tôi vẫn yêu sân khấu như thuở mới ở nước ngoài về năm 1976. Nhưng còn cái lực bất tòng tâm, yêu không làm được thì đành ngậm ngùi mà chịu.

Tôi vẫn luôn cố gắng một năm viết 1, 2 vở và vở phải được dàn dựng. Vở phải có đời sống, muốn thế thì phải tìm được chỗ có người mát tay trồng cây, những người mát tay vun xới ra quả. Những người nhìn thấy quả ra ưng ý để lai tạo giống nó tốt.

So với nhiều anh chị em, tôi có may mắn hơn là không phải lo nhiều về cơm áo, gạo tiền. Vì thế, không bị áp lực về tiền nong. Có điều vợ con tôi luôn dặn: đi làm ở đâu thì làm đừng để có tiếng xấu về tiền nong.

- Anh từng hy vọng năm 2012, sân khấu sẽ khởi sắc. Và thực tế là…?

Cách đây hơn 1 năm, mình vẫn nói liệu sân khấu năm 2012 có khởi sắc được không.Nhưng bây giờ, vẫn cứ buồn.

Thực ra, anh em nghệ sĩ ngoài Bắc không phải thiếu người tài, người có tâm. Bên Hội có các anh Tiến Thọ, Lê Chức vẫn nặng lòng với sân khấu. Các anh đã nghỉ hưu như Trần Đình Ngôn, Chu Lai, Bùi Đắc Sừ, Hà Đình Cẩn, Doãn Châu, Lê Huy Quang… vẫn là những người đau đáu với nghề. Gần đây, những nghệ sỹ có danh Lê Khanh, Lan Hương vẫn bồn chồn đứng cánh gà vở diễn mình dàn dựng. Lan Hương vẫn yêu kịch hình thể. Đạo diễn trẻ khao khát làm nghề như Anh Tú, Chí Trung, Trung Hiếu, Phạm Cường… vẫn chưa được tin tưởng giao vở nên phải chịu.

Ngoài bắc không thiếu người có tài, có tâm nhưng cơ chếxin cho, cơ chế dựng vở, cơ chế giải ngân, barem lại quả… vẫn như lời nguyền ác độc kìm hãm nó đến với khán giả.

Trước Liên hoan sân khấu kịch năm 2012, tôi có viết bài “Xóa dớp trẻ chưa qua, già đã tới” về vấn đề không ít lãnh đạo quản lý các đơn vị NT phía Bắc chưa tin lớp đạo diễn trẻ có tài nên họ không may mắn như học trò của Minh Nhí như Hạnh Thuý, ra trường là được làm ngay “Dòng nhớ” được Huy chương vàng HD Kịch năm 2009. Còn ở bắc, phải là những cái tên lão làng mới đủ độ an toàn cho việc chi kinh phí dựng vở của các đơn vị.

Nhiều người sống chết vì nghề suốt đời phải ngồi trên ghế dự bị. Việc đó tàn nhẫn lắm, để cho những lão tướng đã qua tuổi sung mãn phải chạy mệt nhử người, bóng đến nơi không làm bàn được. Nhiều người nói sân khấu phía Bắc ngủ đông giữa mùa hè, nên cần phải giã đông.

Vấn đề chính là có bột mới gột nên hồ. Kịch bản phải nói được tiếng lòng của quần chúng, động chạm vấn đề thời sự nhạy cảm. Sân khấu là cuộc đời mà cuộc đời thì vô cùng hấp dẫn vì nó bất ngờ.

- Liệu có phải lớp trẻ thiếu sự bạo dạn, đột phá, dám bỏ túi tiền đầu tư vở để tìm đường tới khán giả?

Khi viết bài “Xóa dớp trẻ chưa qua, già đã tới” tôi cũng nghĩ vậy. Vì tôi nhìn trên hiện tượng của Liên hoan sân khấu kịch 2012 không còn Lê Hùng 6 vở, Doãn Hoàng Giang 4 vở, Xuân Huyền 3 vở. Nhưng giờ tôi thấy đại lo. Với cơ chế công lập, những đạo diễn trẻ có tài và có tâm, những người muốn được cống hiến, thể hiện mình chứ ít màng đến vật chất liệu có cơ hội bước qua lời nguyền để được ra sântrổ tài và làm mới sân khấu phía Bắc hay vẫn cứ phảingồi chơi xơi nước trên ghế dự bị? Trần Quang Hùng ngoài làm Nhà hát Cải lương Hà Nội có làm ở đâu không, Triệu Trung Kiên cũng vậy. Sao không ai mời Tuấn Hải, Đỗ Kỷ?. Đó là vấn đề cơ chế xin cho. Nếu không cẩn thận nó sẽ vẫn như thế.

Cùng một lúc anh Giang làm vài vở. “Hòn đảo thần vệ nữ” tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhà hát chèo quân đội cũng nhờ anh làm vở “Cây đàn Huyền thoại”. Còn mấy nơi nữa đang đặt anh Giang. Anh Tú đâu, Chí Trung ở đâu, Trung Hiếu ở đâu?

Các bác đầy tài năng như thế nhưng đến tuổi rồi, mệt mỏi rồi. Tôi nghĩ, họ không tham lam, nhưng nếu họ không nhận lời thì chính đoàn kia cũng không thể dựng vở. Cơ chế ăn sâu quá nhiều vào tâm thức, lúc nào cũng cần an toàn. An toàn cho việc chi kinh phí, an toàn trong việc giải ngân.

Một điều nữa các đạo diễn trẻ cần phải mạnh dạn, thể hiện mình. Đá bóng không thể nể nang được. Không phải vì là con ông cháu cha mà cho vào đá. Tôi chưa thấy tương lai của các đạo diễn trẻ, vẫn mờ mịt lắm. Tương lai họ mờ mịt thì tương lai của sân khấu vẫn hiu hắt vô cùng.

- Ở miền Nam, điều này thì luôn ngược lại phải không anh?

Giữa tháng 1, vở “Âm binh” của trường Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Quang Minh và diễn viên, NSƯT Hoàng Yến đóng vai chính đã gây hiện tượng ở miền Bắc. Dù rạp Đại Nam còn ngập mùi đồ ăn của đám cưới, nhưng kín ghế, thậm chí còn phải sắp thêm ghế nhựa như rạp ở Sài Gòn. Không biết bao giờ sân khấu phía Bắc mới được như thế.

Tôi thích cách nói thẳng, nói thật của NSUT Chí Trung, một trong những nghệ sỹ luôn trăn trở với sân khấu: “Được nhà nước bao cấp, các nhà hát có thể dựng những vở diễn để giải ngân ngân sách hay giải ngân ý tưởng mà không cần quan tâm đến việc có bán được vé hay không. Nói cách khác, sân khấu kịch phía Bắc được phép chết. Nhưng sân khấu kịch phía Nam thì không được phép chết” “…bởi phải tự bỏ tiền túi ra đầu tư, nên mọi giá phải thu về được, phải bán vé được…Tính hiệu quả được đo bằng doanh thu bán vé chứ không phải kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý hay các bài phê bình trên truyền thông”

Phía Nam, họ mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn đầu tư trí tuệ cho vở diễn. Sân khấu Phú Nhuận năm qua giao cho Trịnh Kim Chi làm vở “Cúc cu, cúc cù cu”, cho Hạnh Thuý dựng “Thu khùng” vở mới với điều kiện phải có ít nhất 50 đêm diễn. Nếu không làm được với Hồng Vân thì lần sau sẽ không có cơ hội. Cái đó không chơi được.

Diễn viên trong đó cũng không quản ngại xa xôi để về tập, diễn vở. Không khí làm việc thân tình, không phải cung kính, khom lưng. Hồng Vân giao vở nhưng luôn giữ vị trí làm chỉ đạo nghệ thuật với những đòi hỏi khắt khe đáp ứng nhu cầu khán giả. Nhưng ở Bắc, liệu có Chỉ đạo nghệ thuật nào dám chỉ đạo những cái tên lão làng như Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Bùi Đắc Sừ?

- Vậy là sân khấu phía Bắc không thiếu kịch bản hay, nhưng chỉ thiếu hơi thở cuộc sống.

Một trong những nơi chăm lo chuyện sáng tác kịch bản là Hội nghệ sĩ Việt Nam thì một năm mở 3, 4 trại sáng tác. Vì thế, không thiếu kịch bản hay mà thiếu người có tâm tìm kịch bản hay.

- Vậy năm 2012, sân khấu phía Bắc có được tín hiệu mừng nào không?

Người ta đánh trống, khua chiêng, gõ mõ mấy vở chính kịch, chính luận, ca ngợi “Những mặt người thấp thoáng”, “Biển và bờ”… Nhưng với tôi, nếu 2004 “Cát bụi” của Triệu Huấn dựng ở Nhà hát Kịch Hà Nội và “Ngoại phạm” ở Nhà hát Tuổi trẻ là những cơn địa chấn thì những vở hôm nay chỉ là dư trấn rất nhỏ. Motif cũ và không mới.

- Cá nhân anh năm qua thì sao, “Làm đĩ” nghe đâu sáng đèn suốt năm qua và còn sáng đèn năm tới nữa. Anh còn đang rất sung sức chuyển thể “Giông tố” với tên gọi “Mịch ơi” cho sân khấu Kịch Phú Nhuận. Anh dường như có duyên với sân khấu phía Nam hơn, hay vì anh không còn niềm tin với sân khấu phía Bắc?

Chuyển thể là công việc nhiều áp lực và khó nhất. “Làm đĩ” trước tôi có nhiều người viết hay quá rồi, làm sao phải tìm được đường riêng của mình. Với “Làm đĩ”, tôi so sánh giữa làm đĩ thời trước và thời nay.. Năm nay, khi chuyển thể “Giông tố”, tôi chỉ mượn chuyện cô Mịch bị cưỡng hiếp để nói về Nghị Hách- một kẻ dùng tiền để buôn vua, bán chúa, làm loạn xã hội và phải chịu luật nhân quả: kẻ làm loạn xã hội sẽ phải gánh chịu họa loạn tại gia.

NSND Hồng Vân đã đọc, có khen và nói sẽ bàn với tôi trước khi cho lên sàn. Nhiều người cũng trêu tôi là quá có duyên với sân khấu Sài Gòn. Tôi chỉ biết nói lại rằng, chắc Hồng Vân thương thằng anh hiu hắt nên nhận vở. Nhưng có một sự thật, Vân có thể cho ai đó một món tiền lớn nhưng không vì nể nang mà “giết” nhà hát của mình khi đưa một vở kém chất lượng lên sân khấu.

Nhưng nói gì thì nói: Tôi vẫn nặng lòng với sân khấu phía Bắc hơn vì đây là quê tôi, nơi có gia đình, bạn bè đồng nghiệp mà tôi yêu quý. Năm nay, tôi sẽ có vở “12 giờ” dựng ở một sân khấu ngoài này.

- Trong sự bi quan đó, anh có le lói niềm tin nào vào lớp trẻ kế cận của sân khấu?

Năm nay có cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ vào tháng 4. Tôi hy vọng Ban tổ chức sẽ phát hiện ra một số đạo diễn. Năm 2007 cũng đã phát hiện ra một lứa đạo diễn trẻ nhưng ngoài Đức Thịnh, Hạnh Thúy vẫn đều tay nghề thì nhiều đạo diễn trẻ không biết đi đâu mất rồi vì không có đất dụng võ. Vì thế, tôi chỉ biết làm theo lời Bá tước Mông tơ Cris tô: Sự khôn ngoan của con người gói gọn ở 4 chữ : Hy vọng và chờ đợi”.

Xin cảm ơn nhà biên kịch Chu Thơm!


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc