Lễ hội vốn được coi là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa - lịch sử phong phú của dân tộc. Thời gian gần đây, nhiều lễ hội đã được quan tâm gìn giữ và phát triển, song do nhiều nguyên nhân khiến không ít lễ hội lại mất đi bản sắc cũng như nét đẹp vốn có của nó. Hãy để dân tự làm có thể xem là một hướng cần nghĩ tới trong quá trình khôi phục, phát triển lễ hội dân gian.
Khoảng sáng, tối của bức tranh lễ hội
Có thể khẳng định, các lễ hội đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều địa phương đã nỗ lực bảo tồn, làm sống lại bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Không ít lễ hội được mở ra với quy mô lớn, độc đáo, chinh phục được du khách, tôn vinh di sản. Các di tích gắn với lễ hội đều được tu bổ khang trang hơn trước, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú dịch vụ được nâng cấp cải tạo.
Nhiều lễ hội còn góp phần bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái như lễ hội Nào Sồng ở huyện Mộc Châu (Sơn La), lễ cúng cây thiêng ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) của đồng bào dân tộc Mông với nội dung cam kết không chặt phá, đốt rừng, bảo vệ cây rừng và giữ gìn nguồn nước suối trong lành. Một số địa phương còn tổ chức lễ hội cách mạng nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, những danh nhân văn hóa, anh hùng, liệt sĩ…
Tuy nhiên, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn tồn tại nhiều bất cập. Không ít nơi coi lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, do vậy việc tổ chức lễ hội ít chú trọng các giá trị văn hóa làm bản sắc của lễ hội. Đơn cử như lễ hội đền Trần, chợ Viềng, Phủ Dầy (Nam Định), hội đền Bà Chúa Kho, hội Lim (Bắc Ninh), hội Yên Tử (Quảng Ninh)... được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước, song hiện tượng thương mại hóa trong các lễ hội như tình trạng lều quán bán hàng lộn xộn vẫn diễn ra phổ biến. Điều này làm giảm tính linh thiêng, giảm giá trị văn hóa của di tích, của lễ hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều biến tướng trong hoạt động lễ hội là do nhiều cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của lễ hội nói chung, về công tác quản lý lễ hội nói riêng. Thực tế, có những địa phương, trong quá trình tuyên truyền, quảng bá cho di tích, cho lễ hội đã cố tình thổi phồng, bóp méo những giá trị tốt đẹp của lễ hội, dẫn đến những hiểu biết sai lệch về ý nghĩa của lễ hội. Lấy ví dụ từ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), không biết vì vô tình hay hữu ý mà từ ngôi đền thờ tương truyền một người có trách nhiệm trông coi “kho dự trữ của nhà nước”, thì lâu nay lại thành ra nơi xin, vay tiền của. Hay như lễ hội đền Trần (Nam Định), theo nhiều nhà nghiên cứu, lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) vốn mang ý nghĩa rất đơn giản: sau kỳ nghỉ Tết, đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), nhà đền khai ấn để trở lại công việc. Ý nghĩa linh thiêng nhất của lễ Khai ấn là ở thời khắc đóng ấn đầu tiên của một năm mới, và người ta cũng chỉ đóng một số lượng ấn có hạn, phát cho khoảng hơn chục gia đình ở trong phạm vi làng, xã quanh đó mang về lấy may. Thế nhưng do du khách đến đông, tăng nguồn thu mà những người có trách nhiệm đã tuyên truyền sai lệch khiến cho lễ hội bị biến dạng như đóng ấn vô tội vạ để bán, và rồi rất nhiều người kéo đến đây, chen lấn xô đẩy để “mua” cho được một vài tờ giấy có đóng ấn mang về với mong muốn được thăng quan tiến chức.
Để dân tự làm
Nhằm đưa lễ hội vào nền nếp, mới đây Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VH, TT và DL xây dựng Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó sẽ có 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết dựa trên các nguyên tắc: phục dựng nghi lễ, các trò chơi, trò diễn đầy đủ và sinh động, hấp dẫn hơn; sáng tạo làm phong phú thêm phần lễ, phần hội đã có…
Tuy nhiên, để giữ bản sắc văn hóa của các lễ hội, theo PGS.Ts Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nên để cộng đồng tự tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống liên quan đến các ngày hội, các hoạt động tâm linh. Các lễ hội nên giữ ở cấp độ làng, xã như từ xưa. Các cụ ngày xưa đã quy hoạch rất chuẩn. Ngày hội nào, cần bao nhiêu thôn, bao nhiêu xóm đều đã được tính toán kỹ lưỡng.
Việc nâng cấp từ hội làng lên cấp xã, cấp huyện lên cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia... sẽ phá vỡ văn hóa truyền thống. Lấy ví dụ như Hội Gióng, hàng ngàn năm nay, Hội Gióng tồn tại cùng với người dân làng Phù Đổng và cũng từng ấy năm, hội đều do làng Phù Đổng tổ chức. Người dân trong làng tự lựa chọn ra người đóng vai các ông Hiệu, các nữ tướng, quân lính... mà không có sự can thiệp nào của chính quyền. Rồi làng ấy, dòng họ ấy lại tự bỏ tiền túi, tự cắt cử người hướng dẫn, đi theo để giúp việc các ông Hiệu, nữ tướng... nhờ thế mà trải qua hàng ngàn năm, Hội Gióng vẫn còn nguyên vẹn những giá trị văn hóa lịch sử của nó, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Tuy bây giờ đã được UNESCO công nhận, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, ta vẫn nên giữ Hội Gióng ở mức độ là ngày hội của làng Phù Đổng. Thực tế, việc nâng cấp các lễ hội, chủ yếu liên quan đến vấn đề đầu tư, để có nhiều tiền. Điều này vừa tốn kém tiền của Nhà nước vừa phá vỡ văn hóa truyền thống.
Còn Ts Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai cho rằng, cần phải tôn trọng kịch bản lễ hội của từng làng, tránh sự can thiệp quá sâu vào việc tổ chức, không nên lễ hội nào cũng có một kịch bản chung mà nên theo hướng lễ hội mang bản sắc của người dân, không nên lễ hội nào lãnh đạo xã, huyện, tỉnh cũng đứng ra khai mạc… mà phải để cho dân tự làm. Nhà nước cũng không cần bỏ tiền ra tổ chức lễ hội, mà chỉ quản lý về luật lệ, đưa ra những quy định cụ thể cấm những hiện tượng không hay, biến tướng trong lễ hội, hạn chế việc nâng cấp và nâng quy mô lễ hội...
Ý kiến bạn đọc