Có người đã áp dụng chiêu “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” để lợi dụng sự thơ ngây hồn nhiên của các cháu.
Nhìn đứa bé xinh xẻo ngậm ti giả nhiều người bảo đáng yêu nhưng tôi thì không thích một tý nào vì nó là hình ảnh sơ khai (nhưng lại công khai) của sự gian dối. Con người đã bị lừa ngay từ lúc lọt lòng?
Đôi khi chúng còn tiếp tục bị lừa kể cả khi biết thế nào là ti giả ti thật, biết mẹ bảo sinh con ra ở nách là cách nói ý nhị.
Trên truyền hình người ta đố trẻ: Hồ Hoàn Kiếm có con gì? A- Thỏ, B- Rùa, C- Gấu, rồi bắt các em nhắn tin theo cú pháp... Đúng là lừa trẻ một cách công khai, moi tiền một cách thô thiển.
Chuyện lợi dụng con trẻ, bắt chúng nhắn tin để moi tiền hoặc để cổ súy cho phong trào nào đó của người lớn thì đầy rẫy, mọi người hẳn đã biết, không cần nói thêm.
Quê vợ tôi mấy năm trước Tết đến tiếng pháo râm ran như chưa hề có lệnh cấm. Thế nhưng năm nay, đêm giao thừa chỉ nghe lẹt đẹt đì đùng. Mọi người nói thôn, xã quán triệt ghê lắm, hình như có lệnh của trên. Cũng có người gân cổ cãi lý: Sao Nhà nước bắn pháo hoa, rồi có năm nhập cả pháo hoa ngoại tốn bạc tỷ, nổ chết cả người thì được mà chúng tôi bỏ tiền ra mua pháo đốt lại cấm?
Thôi thì chuyện “vĩ mô”, chuyện của mấy ông lý sự cùn không bàn, đằng này chính quyền lại lôi cả con trẻ vào cuộc mới đau xót. Trước Tết, công an xã bất ngờ vào trường tiểu học ngon ngọt: Nhà cháu nào năm nay gói nhiều bánh chưng nào? Nhà nào có pháo giơ tay chú xem nào…?
Họ đã áp dụng chiêu “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” để lợi dụng sự thơ ngây hồn nhiên của các cháu. Khổ thân, có em tay xếch quần tay xách cặp hỉ hả dẫn dân quân tồng tộc về nhà khoe pháo.
Tôi chưa rõ biện pháp này có sai về luật không nhưng xét trên phương diện giáo dục thì không thể chấp nhận được.
Ở phương Tây chẳng cái gì là không thể không xảy ra. Ví như ở Mỹ có cô gái vòng mông gần 500, bán ảnh chổng mông cũng được 180.000USD /năm. Tuy nhiên cô gái này đã ở tuổi trưởng thành. Còn đối tượng vị thành niên thì chỉ việc dùng hình ảnh các em thôi cũng phải hết sức thận trọng.
Năm ngoái, Cục Tiêu chuẩn quảng cáo Anh (ASA) quyết định cấm một quảng cáo của thương hiệu thời trang Miu Miu vì những hình ảnh "vô trách nhiệm".
Trong mẩu quảng cáo, nữ diễn viên 14 tuổi Hailee Steinfeld - ngôi sao trong phim Báo thù (True Grit ) - mặc chiếc váy của Miu Miu ngồi lau nước mắt trên đường ray tàu hỏa. Các nhà chức trách cho rằng hình ảnh này là “vô trách nhiệm vì đã đặt một đứa trẻ tại nơi không an toàn”.
Vâng, chỉ dùng hình ảnh mà đã bị cấm, bị phạt còn câu chuyện tôi vừa kể thì nhà chức trách địa phương đã sử dụng các em như một công cụ liệu có thể chấp nhận, có còn xứng với khẩu hiệu “vì tương lai con em chúng ta”?
Tôi lo các em sẽ mất lòng tin vào người lớn. Rồi việc không vâng lời, thiếu thượng tôn pháp luật… sẽ bắt đầu nhen nhóm từ những hành vi phản giáo dục và thiếu văn hóa như thế.
Ý kiến bạn đọc