Nước Nga nhắc nhớ tới sắc trắng của những hàng bạch dương, màu vàng của mùa thu trên đồng lúa trĩu hạt và tiếng thánh thót của đàn balalaika. Những giai điệu nồng nhiệt dội vào hồn người, khi kết hợp với những điệu nhảy Digan (Gypsy), gõ gót khiến người xem như muốn nhảy múa theo. Điều đặc biệt nữa là đàn balalaika có mặt trong hầu hết các dàn nhạc của Nga, nhạc sĩ có thể độc tấu hoặc hòa tấu.
Balalaika, một nét văn hóa dân gian
Mặc dù đàn balalaika trông rất mộc mạc, thùng đàn hình tam giác, nhưng nó lại khiến cho người ta liên tưởng tới nhiều thứ. Có người nói vui, nó có hình quả bí ngô chẻ tư, cũng có người nói giống mặt trước của mũi thuyền và có người lại nói trông như một kim tự tháp mặt trời nhìn từ xa. Phím đàn dài thon dần, chia thành 17 nấc. Từ thủ đàn chạy xuống đáy là hai hoặc ba sợi dây mỏng mảnh, xưa kia làm từ ruột mèo, song nay đã thay dần bằng sợi nylon. Đàn balalaika có tới sáu loại tùy theo kích cỡ: piccolo, prima, secunda, alto, bass và contrabass, trong đó prima nhỏ vừa được chơi độc diễn, contrabass lớn nhất, không thể cầm trên tay mà phải đặt xuống đất.
Đàn balalaika xuất hiện rất sớm. Có khá nhiều tài liệu và những chứng cứ về sự xuất hiện của cây đàn. Nhiều người cho rằng đàn balalaika được phát minh ở nước Nga cổ. Những người khác lại cho rằng nó xuất phát từ một nhạc cụ của người Kirgiz - kaisak - dombra. Còn có một giả thuyết khác: có khả năng đàn balalaika được nghĩ ra trong thời gian quân Tatar chiếm đóng, hoặc ở một mức độ nhất định, đó là sự giao thoa với nền văn hóa của người Tatar. Do vậy khó có thể xác định chính xác năm cây đàn xuất hiện. Những nhà sử học và những nhà nghiên cứu âm nhạc vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Phần lớn nghiêng về năm 1715, nhưng còn có một con số sớm hơn được nhắc tới – năm 1688.
Theo các chuyên gia âm nhạc, đàn balalaika có lẽ được những người nông dân nghĩ ra để làm phong phú cho cuộc sống bị áp bức của mình. Dần dần, đàn được phổ biến trong đám nông dân và những anh hề biểu diễn tại các hội chợ để mua vui kiếm sống. Song việc mua vui không kéo dài được lâu, Sa hoàng Nga Alexei Mikhailovich đã ra lệnh tịch thu và đem đốt tất cả các loại nhạc cụ, trong đó có đàn balalaika. Thời gian trôi qua, Sa hoàng qua đời và lệnh cấm dần bị dỡ bỏ. Giữa thế kỷ XVIII, đàn balalaika đã phổ biển rộng rãi trên cả nước. Không một buổi tiệc nào, một lễ hội nào thiếu nó, thậm chí nhiều nhạc sĩ trong cung đình như nhà soạn nhạc violin Ivan Khandoshkin, ca sĩ giọng nam trầm Pavlosky của nhà hát Opera St. Petersburg còn muốn đưa đàn balalaika vào danh sách các nhạc cụ biểu diễn chính thức của Hoàng gia.
Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, đàn balalaika lại bị lãng quên vì người ta chuộng nhạc cụ ngoại nhập như đàn arcodion và guitar. Cũng may nhờ vị quý tộc Visili Andreyev (1861 - 1918), đàn balalaika đã sống lại. Một lần từ St. Petersburg trở về tư dinh gần Tver, ông bất chợt nghe được tiếng đàn balalaika của một nông nô. Là người sành nhạc cụ dân tộc, song ông vô cùng ngạc nhiên vì chưa hề nghe một thứ nhạc cụ nào hay đến thế. Sau khi xem và học cách chơi, ông đã cho sưu tập những cây đàn còn sót trong dân gian, và năm 1886 cho biểu diễn đàn balalaika lần đầu tiên trước đông đảo giới quý tộc St. Petersburg. Buổi diễn đã gây chấn động nước Nga và sôi sục phong trào khôi phục đàn cổ. Visili Andreyev đã quy tụ được nhiều loại đàn balalaika và lập nên đoàn ca múa mang tên “Những nghệ sĩ balalaika nghiệp dư”. Sau đó, ông mở lớp dạy đàn balalaika để họ mang tiếng đàn về quê truyền thụ cho con cháu. Những điều này đã thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi đàn balalaika tại Nga và thậm chí là ở nước ngoài. Cho tới thế kỷ XX, chỉ tính ở St. Petersburg đã có hơn 20.000 nhạc công chơi đàn balalaika, không chỉ nổi tiếng ở Nga mà còn ở Pháp, Đức, Anh và Mỹ…
Trong văn hóa dân gian Nga, balalaika xuất phát từ chữ balabolka, nghĩa là một người ba hoa, vì tiếng đàn có nhiều cung bậc và chơi trong nhiều lĩnh vực. Thực tế, cây đàn này từ thuở cha ông đã là bạn của nhà nông, những người bị nô dịch. Khi được biểu diễn trong giới quý tộc, nó trở thành biểu tượng của sự lịch thiệp và vẻ đẹp Nga. Trên khắp đất nước có khá nhiều xưởng làm đàn balalaika. Chẳng hạn, ở làng Shikhovom quận Odintsovo (gần Moscow) có nhiều nghệ nhân lành nghề như Alexander Sharov đã làm được hơn 1.000 chiếc đàn nổi tiếng ở Siberia, Sakhalin, Murmansk, St. Pete, Orenburg, Yakutia, Ukraine và Belarus.
Trong các nhạc cụ của Nga, balalaika có lẽ là nhạc cụ duy nhất được vẽ nhiều cảnh dân gian, tự nhiên và rực rỡ nhất. Những nét vẽ đơn sơ, song chứa đựng nhiều câu chuyện và tình cảm. Anh lính buồn sẽ vẽ trên thân đàn hình ảnh người thương, nông dân vẽ trên đó cảnh lao động, thương nhân vẽ cảnh buôn bán… Rồi phong cảnh đất nước, chuyện cổ tích, thần thoại. Nói chung, không nhạc cụ nào được nhiều người dùng làm vật trang trí và quà tặng như đàn balalaika. Mỗi gia đình Nga đều có một cây đàn để bên cửa sổ, những khi vui buồn đều đem ra gẩy. Nhiều người còn thu thập các bản nhạc cho đàn balalaika. Không một lễ hội nào thiếu vắng tiếng đàn balalaika. Không một mùa nào không có tiếng đàn balalaika. Trên phim ảnh đều có hình ảnh đàn balalaika, như trong bài hát Tum balalaika của ca sĩ Nana Mouskouri có hình ảnh chàng trai yêu một cô gái nồng cháy và khi hai người không thành duyên, anh đã gửi nỗi nhớ thương của mình theo tiếng đàn balalaika. Hoặc trong bộ phim Bác sĩ Zhivago, có hình ảnh cô gái kiều diễm Lara ôm cây đàn gẩy những khúc nhạc tình bên người yêu đang say đắm. Và trong bài hát Cơn gió đổi thay của ban nhạc Scorpions có hình ảnh những em bé chạy nhảy dọc công viên Gorky giữa lòng thủ đô nước Nga một chiều hè tháng tám. Cạnh đó là những người lính diễu hành trên đường phố. Và bỗng dưng tiếng đàn balalaika ngân vang thánh thót như tiếng chuông hòa bình chào đón mỗi bước chân…
Tất nhiên, ngày nay, có nhiều nơi trên thế giới chơi đàn balalaika, song hay nhất vẫn là người Nga trên những miền đất Nga.
Ý kiến bạn đọc