Những người giữ lửa giữa sóng biển Trường Sa

23:31, 22/01/2013
|

Gặp sóng lớn, con tàu lắc mạnh, anh nuôi vừa lo tránh nồi nước sôi, vừa lựa theo con sóng để thái thịt, đảo đồ. Với họ, dù khó khăn cỡ nào thì bếp ăn trên tàu vẫn phải đỏ lửa để nấu những bữa cơm nóng sốt phục vụ bộ đội.

“Chọn được anh nuôi theo tàu khó lắm! Nấu ăn ngon thì có lẽ dễ tìm, chứ tìm người có sức khỏe, chịu đựng được sóng gió thì có khi chục người mới chọn được một”, thượng úy Phạm Hồng Phú, chính trị viên tàu HQ 561, nói. Chuyến ra khơi đầu tháng 1, ngoài 3 anh nuôi phục vụ thuyền viên, còn có 12 người được tuyển chọn từ gần 600 chiến sĩ hậu cần trong đất liền để phục vụ đoàn công tác. Vậy mà khi tàu nhổ neo, chỉ còn đúng 3 người không say sóng.

Một ngày của anh nuôi bắt đầu từ 3h với việc nhặt nhạnh rau, thái thịt, vo gạo nấu cơm để có bữa sáng vào lúc 6h, sau đó lại tất bật rửa chén, bát để chuẩn bị bữa trưa, tối. Mỗi lần tàu rung lắc vì gặp sóng lớn, anh nuôi vừa đơm cơm, vừa bấm chặt ngón chân xuống sàn tàu, nhưng vẫn bị sóng đánh chòng chành chực ngã.

“Hôm mới đi biển, gặp sóng lớn, do say sóng nên em phải chạy ra ngoài nôn, sau đó lại vào bếp để kịp bữa cơm cho đoàn”, chiến sĩ Nguyễn Xuân Hóa vừa kể, tay vừa ghì chặt vào mép bàn khi căn phòng bếp chao đảo như có động đất.

Từng 13 lần đảm nhận việc bếp núc trên các con tàu, bếp trưởng tổ phục vụ đoàn công tác Nguyễn Xuân Thịnh kể, ngày trước khi theo tàu vận tải đi tặng quà Tết và thay, thu quân, do không có khu nhà bếp nên anh em phải quây bạt ngay trên boong để nấu ăn bằng than tổ ong. Cứ lo xong cơm bữa sáng họ lại bắc bếp nấu bữa trưa.

“Bây giờ đi chuyến tàu hiện đại hơn, nhưng khi sóng lớn đầu bếp vừa lo tránh nồi nước sôi, vừa chạy theo độ nghiêng của tàu để thái thịt, đảo đồ ăn, chia mâm”, anh Thịnh nói và cho biết dù dày dạn kinh nghiệm, nhưng từ đầu chuyến ra khơi đến giờ, anh từng ba lần bị bỏng vì sóng đánh vào tàu làm nghiêng nồi, nước nóng bắn vào tay, chân.

Lênh đênh giữa sóng biển, khó khăn lớn nhất của anh nuôi là việc bảo quản nguồn thực phẩm luôn tươi sống. “Bây giờ những tàu mới đóng đã có hệ thống tủ đông, chứ ngày trước đi tàu vận tải thì việc bảo quản thức ăn vất vả lắm!”, trung úy Nguyễn Thanh Phong, trợ lý hậu cầu tàu HQ 561, nói.

Từng can qua nhiều con tàu vận tải, anh Phong không thể quên những lần chạy đôn chạy đáo mượn tủ lạnh của các đơn vị mang xuống tàu, nhưng nhiều khi cây cải bắp to đem ra chế biến chỉ còn sử dụng được phần lõi. Rau xanh cũng chỉ ăn được tầm 3 ngày đầu, những ngày sau đó ngoài thịt cá thì chỉ có củ, quả. “Nhiều lần phục vụ đoàn diễn tập trên biển, anh em phải mang đất cùng thùng xốp theo để trồng rau mầm cải thiện bữa ăn”, trung úy Phong kể.

Nấu được bữa cơm giữa biển đã khó, không ít lần vì sóng lớn, anh em nhà bếp làm đổ đồ ăn, phải nhường phần ăn của mình cho bộ đội và đoàn công tác rồi cắm thêm cơm, nấu thêm đồ ăn cho mình. Niềm vui giản đơn với những đầu bếp chính là sau khi vất vả nấu xong bữa cơm, bộ đội ăn hết veo. “Vì như vậy chắc anh em ăn ngon miệng. Còn hôm nào dư nhiều cơm thì buồn lắm!", trung úy Phong thật thà.

Hơn 10 năm theo những con tàu ra Trường Sa, anh nuôi Nguyễn Ngọc Hưởng (31 tuổi, quê Nam Định) vẫn còn nhớ những lần nấu hàng chục mâm cơm, nhưng chỉ có vài người xuống nhận cơm về ăn. Hay có khi bắt được con cá mú to hơn 30 kg, luộc lên cho anh em nhưng không ai đủ sức ăn vì say sóng. “Anh em bị say sóng nên không ăn được gì. Có người vừa bước lên tàu là nằm vật ra ngay khu chuồng lợn, bị lợn đè lên người cũng không hay biết”, anh Hưởng kể.

Những lúc rảnh rỗi, anh nuôi sẵn sàng buông câu để có cá tươi cải thiện bữa ăn cho cả đoàn. “Ngày mai sẽ có món cháo ra trò!”, trung úy Thịnh cười giòn tan khi mất cả tiếng câu được con cá ngừ to hơn 15 kg ở khu vực đảo Tốc Tan.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc