Khán giả Hà Nội thăng hoa cùng Sương sớm

06:59, 23/01/2013
|

(VnMedia) - Khán giả ngồi tại chỗ hàng nửa tiếng để bày tỏ cảm xúc của mình sau khi kết thúc vở múa Sương sớm, nhiều người đã khóc, ai cũng cảm ơn các nghệ sỹ múa, bởi  những vũ công đã mang đến cho họ những ký ức, những cảm xúc thăng hoa.

Ảnh minh họa

Hình ảnh kết vở diễn rất đẹp và đầy sáng tạo


Phải khá khó khăn, biên đạo múa Tấn Lộc mới đem được gần 30 con người ra Hà Nội, cả nghệ sỹ múa và ê kíp thực hiện vở múa đương đại Sương sớm, đó là những vũ công của vũ đoàn Arabesque. Anh chia sẻ, nhận lời mời của một doanh nghiệp, Arabesque ra Hà Nội để diễn một trích đoạn khoảng 10 phút trong vở Sương sớm. Thấy thuận lợi, đạo diễn Việt Tú bèn động viên Tấn Lộc làm một đêm Sương sớm ở Hà Nội, và đó chính là lý do khán giả thủ đô được thưởng thức vở múa đang gây tiếng vang tại thành phố Hồ Chí Minh này.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, khán giả Hà Nội được thưởng thức trọn vẹn vở múa Sương sớm với đầy đủ những cảm nhận từ thị giác, thính giác, khứu giác qua một không gian sống bình yên, quá đỗi gần gũi của những làng quê Việt Nam vào một buổi sáng sớm. Từ tiếng tắc kè thong thả, tiếng giun dế như bản hòa tấu đến mùi hương trầm, mùi hương sả thoang thoảng từ khi bước vào khán phòng rạp Công Nhân.

Ngay từ tiền sảnh dưới trệt, một bức bình phong được kết bằng lá dừa mà ê kip mang ra từ miền Tây, với  một “sân” chum, lọ, chĩnh sành, thóc lúa - những thứ quen thuộc với đời sống nông dân, cùng những cô thôn nữ bưng những mẹt đựng mứt dừa, bánh bò…- những món ăn quê kiểng mộc mạc mà đằm thắm tình quê mang ra mời khách.

Chương trình được mở màn bằng sự im lặng đến nao lòng, như một làng quê vào giữa canh ba, canh tư với eo óc tiếng gà. Khoảng không gian tĩnh lặng trong màn tối đen như mực tạo cho khán giả cảm xúc chân thật ngay từ đầu cùng với những âm thanh đặc trưng của những miền quê Việt Nam.

Rồi buổi sáng sớm ấy được miêu tả qua ngôn ngữ múa. Từ không gian linh thiêng, tĩnh tại của chùa chiền, với tiếng tụng kinh gõ mõ của những con nhang, phật tử đến không gian mang tính ước lệ miêu tả sự chênh vênh, dằn vặt, đau đáu chờ đợi của những người phụ nữ miền quê xa chồng, thậm chí mất chồng… khi các đức lang quân còn mải miết phiêu bạt phương trời nào đó kiếm sống.

Chi tiết thiếu phụ chong đèn ngồi sàng gạo, với sự nín lặng bề ngoài cùng những động tác đều đều, quen thuộc nhưng chất chứa bên trong đầy bão tố, vật vã được minh họa bởi những vũ công trên sân khấu, những cô gái đi guốc ngược thể hiện sự chênh vênh, chống chếnh trong lòng người thiếu phụ sàng gạo - cũng là nói về thân phận của những phụ nữ miền quê thật sự tinh tế và đầy hàm ý, đó được coi là một trong những chi tiết đắt giá nhất của vở diễn.

Ảnh minh họa

Một sáng sớm đầy chất thơ, gần gũi, thân thuộc


Một không gian khác, bình yên hơn sau cơn bão, đó chính là cảnh các mẹ, các chị í ới gọi nhau dậy sớm quét nhà, quét sân quét ngõ khi sau một đêm đầy lá rụng. Tiếng giục nhau đun nước pha trà, giục mấy em út dậy đi học, tiếng chổi tre xào xạc, ánh trăng muộn xuyên qua lá dừa chiếu loang lổ xuống sân thực chất là màn chuyển cảnh, nhưng lại là những chi tiết khơi gợi lại những hình ảnh thân quen cho bất kỳ ai được sinh ra ở những miền quê đẹp một cách kỳ ảo, mộng mị. Một không gian quá đỗi gần gũi, thân thuộc tạo cảm xúc mãnh liệt cho người xem.

Cuộc sống lao động của người dân cũng được tái hiện khá sinh động bằng màn đánh chài lưới trên sông của đám thanh niên nam nữ, trẻ trung, khỏe mạnh, yêu đời và tràn đầy nhựa sống. Tiếng lách cách của thanh la, tiếng hò đối đáp của đám trai làng với những cô thôn nữ nhộn nhịp lao xao sóng nước, tiếng ca vọng cổ, cải lương mang đến một không gian thanh bình và đầy chất thơ.

Điểm nhấn quan trọng cũng là “đỉnh cao” của múa đó chính là màn tái hiện không gian ngập tràn tình yêu của một đôi vợ chồng trẻ trong căn phòng nhỏ trên nền tiếng đàn tranh thánh thót, lúc mơn man, nhỏ giọt, khi mạnh mẽ, trào dâng như chính tình yêu nồng nàn, mãnh liệt mà họ dành cho nhau qua những động tác múa ba lê đỉnh cao.

Đảm nhiệm phân đoạn này là hai diễn viên chính, NSƯT Ngô Ngụy Tố Như - một trong số hiếm hoi những nghệ sỹ ba lê xuất sắc nhất Sài Gòn và nghệ sỹ trẻ Vũ Ngọc Khải (từng có 5 năm làm nghề ở châu Âu). Sự kết hợp giữa ba lê cổ điển với âm nhạc và văn hóa dân gian Việt Nam trở thành một màn diễn tuyệt đỉnh tạo cảm xúc dâng trào cho khán giả…

Ảnh minh họa

Màn múa ba lê đỉnh cao


Có thể nói, Sương sớm là một vở múa tạo được cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Sự kết hợp táo bạo giữa ngôn ngữ múa cổ điển với âm nhạc  tài tử miền Tây Nam Bộ, bối cảnh và trang phục đậm chất dân giã, quê kiểng tạo cảm xúc gần gũi, thân thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Việc sử dụng ánh sáng ngang, từ hai phía cánh gà sân khấu chiếu ra là một “chiêu độc” của Tấn Lộc tạo cho sân khấu chiều sâu và các nhân vật xuất hiện trở nên “nổi” như hình ảnh 3D vô cùng thú vị, đó là sự sáng tạo mang đến hiệu quả bất ngờ của biên đạo Tấn Lộc.

Sương sớm không phải là một câu chuyện có tính kịch, nó đơn giản như một bức tranh, miêu tả lại khoảnh khắc của những không gian khác nhau trong một buổi sớm tinh mơ ở một làng quê, qua cảm xúc của người thể hiện bằng ngôn ngữ múa. Một vở diễn kết hợp quá nhuần nhuyễn, tinh tế giữa kỹ thuật múa và âm nhạc, văn hóa sống đậm chất dân gian tái hiện cuộc sống bình yên đẹp như thơ của những miền quê Việt Nam đã tạo nên những cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Vì thế khi kết thúc vở diễn, khán giả không ai đứng dậy, họ ngồi nguyên tại chỗ để bày tỏ cảm xúc của mình với đoàn múa. Có đến hơn mười người đứng lên bày tỏ niềm xúc động khi được sống lại thời thơ ấu của mình khi xem Sương sớm.

Một Việt kiều nói rằng, cô sinh ra ở nước ngoài nên ít biết về văn hóa Việt Nam và hôm nay, qua vở múa Sương sớm, cô thêm yêu quê hương mình vì nó quá đẹp. Một vị khán giả nữ gần 70 tuổi từng sống nhiều năm ở Nga, đã xúc động nghẹn ngào, bà nói, cả tuổi thanh xuân của tôi ở nước Nga xa xôi đã từng xem không biết bao nhiêu lần “Hồ thiên nga” trên những sân khấu sang trọng, thế nhưng bà không ngờ rằng cuối đời, bà lại được chứng kiến những con thiên nga múa trên đồng ruộng Việt Nam, và bà bật khóc vì quá xúc động…

Những tình cảm của khán giả Hà Nội dành cho vở diễn Sương sớm khiến cho cả vũ đoàn Arabesque cảm nhận được sự hạnh phúc. “Ông bầu” Tấn Lộc nhiều lần lấy tay gạt nước mắt, sau mỗi lời phát biểu chia sẻ của khán giả, anh nói, Lộc quá hạnh phúc vì không ghĩ rằng khán giả Hà Nội lại dành quá nhiều tình cảm cho Sương sớm đến vậy, đến mức anh nhiều lần nói vào micro “mọi người chê điều gì đi, để Arabesque rút kinh nghiệm” nhưng lại nhận được quá nhiều lời khen, Tấn Lộc nói, điều đó cũng chính là áp lực để chúng tôi luôn phải vượt qua chính mình, để không phụ lại tình yêu của khán giả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những hình ảnh trong vở diễn


Ngô Bá Lục - bài, ảnh

Ý kiến bạn đọc