(VnMedia) - Nói về giải thưởng cao nhất thể loại Văn xuôi cho Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn nhận xét, tác phẩm cảnh báo một đời sống của vô cảm, ích kỷ, thù hận và gián tiếp dự báo một tội ác kinh hoàng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức.
Từ năm 2011, Hội Nhà văn bắt đầu thực hiện xét giải thưởng cho những tác phẩm xuất bản trong cùng năm. Vì vậy, thời gian từ khi hết hạn nhận tác phẩm đề cử cho đến khi công bố giải thưởng không nhiều như trước kia.
Quy trình giải thưởng qua 3 bước: Các tác giả, các đơn vị xuất bản, các tờ báo, tạp chí văn nghệ... đề cử các tác phẩm ở 4 thể loại: Văn xuôi, Thơ, Lý luận Phê bình và Văn học dịch.
Hội đồng sơ khảo làm việc từ tháng 6/2012, đọc các tác phẩm đề cử theo hình thức cuốn chiếu với nhiều đợt khác nhau. Trong thời gian này, Hội đồng họp từ 4-5 cuộc họp chuyên môn, trao đổi, tranh luận quanh các tác phẩm đề cử, trước khi bỏ phiếu chọn các tác phẩm giới thiệu vào chung khảo.
Hội đồng chung khảo đọc các tác phẩm được chọn và tiến hành 3 phiên họp để bàn luận, phân tích và trao đổi về các tác phẩm, kết hợp lắng nghe dư luận từ các nhà văn và bạn đọc về các tác phẩm này. Ngày 16/1, Hội đồng họp phiên cuối cùng để bỏ phiếu quyết định giải thưởng, đề lên Ban chấp hành phê duyệt.
Năm nay, chỉ có 4 tác phẩm Văn xuôi, 8 tác phẩm Thơ, 2 tác phẩm Lý luận phê bình và duy nhất 1 tác phẩm Văn học Dịch lọt vào vòng chung khảo.
Trong đó, những tác phẩm được trao giải cao nhất ở các thể loại là Thành phố đi vắng (Văn xuôi), Trường ca chân đất, Giờ thứ 25, Màu tự do của đất (Thơ), Đa cực và điểm đến (Lý luận phê bình).
Trong buổi trao giải thưởng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng thay mặt Hội đồng giới thiệu những nhận xét, bình luận về các tác phẩm đoạt giải cao nhất.
Tác phẩm được giải cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2012 |
Thành phố đi vắng đã thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tạo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đặt chị vào vị trí những nhà văn Việt Nam đương đại viết truyện ngắn tiêu biểu. Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta nhận thấy đôi mắt của nhà văn nhìn xuyên thẳng vào từng con người, từng ngôi nhà trong đời sống này.
Đó là một đôi mắt tinh tường không khoan nhượng, một đôi mắt sắc lạnh, một đôi mắt nổi giận nhưng ứa lệ trước những điều đau buồn đang xảy ra. Thành phố đi vắng cảnh báo một đời sống của vô cảm, ích kỷ và thù hận và gián tiếp dự báo một tội ác kinh hoảng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức.
Trường ca chân đất của nhà thơ Thanh Thảo thể hiện một bút pháp điêu luyện và một mạch ngầm xiết chảy của cảm xúc trong những câu thơ quá nhuần nhuyễn, tinh tế và độ vang rộng. Cấu trúc trường ca với các chương từ Chân tre đến Chân sóng đã tạo ra sự chuyển động dây chuyền của con sóng này đẩy tiếp con sóng khác để cuối cùng dâng lên thành con sóng lớn mang tên Tổ quốc.
Đó là những con sóng của cảm xúc và ý chí, của quá khứ và hiện tại, của một người và của cả đất nước, của lịch sử và văn hóa. Đó là một bản giao hưởng ngôn từ bi tráng và kiêu hãnh về một dân tộc đã đứng lên từ nước mắt và máu để dựng lên nhân cách sống của mình suốt chiều dài lịch sử.
Ba tác phẩm thơ được giải cao nhất |
Giờ thứ 25 của nhà thơ Phạm Đương đặt chúng ta đứng vào giữa những hiện thực đời thường bề bộn, thô nháp và đầy thách thức của đời sống mà chúng ta đang sống. Và từ hiện thực đó mà đôi khi là những hiện thực nhỏ bé chúng ta ít để ý và có lúc bước qua, nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp cho dù đôi khi nó thật mong manh.
Giờ thứ 25 là văn bản của những ngôn từ giản dị, trực diện, da diết và trắc ẩn, với kết cấu chặt chẽ và sự triển khai mạch lạc của mỗi đơn vị bài thơ cùng với sự dồn nén tối đa của cảm xúc đã tạo ra nhiều bất ngờ và đôi khi như một sự bùng nổ.
Màu tự do của đất đã cho ta thấy một Trần Quang Quý đa tầng, đa nghĩa, hơn, một Trần Quang Quý của những hình ảnh đẹp, mới lạ, sống động đầy tính biểu tượng. Cảm xúc đắm mê, trí tưởng tượng phong phú và tính triết lý sâu sắc đã làm lên giọng nói của nhà thơ.
Đa cực và điểm đến của nhà văn Văn Chinh là cách nhìn của một nhà văn với đời sống văn học Việt Nam đương đại. Cách viết phê bình của một người trực tiếp sáng tác mà cụ thể ở đây là Văn Chinh luôn tìm cách ra sát đường biên hoặc vượt ra ngoài đường biên của lý lẽ nhiều lúc khô cứng để chạm vài những vùng mờ tối của văn bản.
Chính cách này đã giúp cho người đọc có cơ hội lọt được vào những vùng mờ tối của con người nhà văn hay vùng mờ tối của văn bản nghệ thuật.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012 |
Thể loại Văn xuôi: Bằng khen: Tiểu thuyết lịch sử Thế kỷ bị mất (Phạm Ngọc Cảnh Nam) và Tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Y Ban) Không đoạt giải: Tập tạp văn Sông núi nước Nam (Đỗ Trọng Khơi) Thể loại Thơ: Giải thưởng: Trường ca chân đất (Thanh Thảo), Giờ thứ 25 (Phạm Đương) và Màu tự do của đất (Trần Quang Quý) Bằng khen: Chất vấn thói quen (Phan Hoàng), Hoa Hoàng đàn nở muộn (Khuất Bình Nguyên), Biến thể khác (Mai Quỳnh Nam), Mơ trong bão (Lương Hữu Quang) và Mộ gió (Trịnh Công Lộc). Thể loại Lý luận, phê bình: Giải thưởng: Đa cực và điểm đến (Văn Chinh) Thể loại Văn học dịch: Bằng khen: Chuyện đời (4 tập), hồi ký của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky do dịch giả Phan Bạch Châu chuyển ngữ. |
Ý kiến bạn đọc