GS.TS Đoàn Thị Tình:: Quốc phục là Văn hóa mặc của cả dân tộc

12:30, 22/01/2013
|

(VnMedia)“Quốc phục là bộ trang phục trang nhã, mang sự nghiêm trang, thanh lịch và đại diện cho văn hóa mặc của dân tộc, không thể nào cải tiến thái quá mà phải dựa trên cơ sở truyền thống và nhân trắc học của con người Việt Nam hiện đại” – GS.TS Đoàn Thị Tình bày tỏ quan điểm.

>>>> Quốc phục Việt Nam: Áo dài sẽ lên ngôi!

Là một nhà nghiên cứu về phục trang người Việt từ rất nhiều năm, từng xuất bản cuốn “Trang phục Việt Nam” và được tín nhiệm làm cố vấn về phục trang cho các bộ phim lịch sử, cổ trang Việt Nam, GS.TS Đoàn Thị Tình có những chia sẻ với độc giả VnMedia về vấn đề “cấp thiết” cần phải có Quốc phục trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam.

 Ảnh minh họa

 GS.TS Đoàn Thị Tình


- Thưa GS. TS Đoàn Thị Tình, vấn đề quốc phục Việt Nam đã được nói đến hơn 20 năm nay, nhưng đến giờ, việc đó mới được đặt ra một cách cấp thiết. Theo bà, việc “cấp thiết” đó tới mức nào rồi ạ?

Đó là vấn đề cấp bách vì nó đã được nói tới hơn 20 năm. Lần đầu tiên, Bộ đặt ra vấn đề này là những năm 90, cũng đã làm triển lãm ở Vân Hồ nhưng những cuộc trao đổi không đi tới đâu. Sau ba lần thảo luận, vấn đề quốc phục lại bỏ ngỏ, và chúng tôi chỉ thống nhất được một việc đó là thiết kế Lễ phục cho Lễ hội Đền Hùng.

Lần này trở lại, Bộ nói phải cương quyết làm vì đó là vấn đề bức xúc quá lâu rồi. Trong giai đoạn quan hệ ngoại giao ngày càng mở rộng, nhiều sự đối trọng thì cần phải có bộ quốc phục riêng của Việt Nam. Đó là vấn đề văn hóa mặc của cả dân tộc, phải cần nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng để có bản sắc riêng. Chúng ta có truyền thống, vì thế, nó chỉ nằm ở vấn đề nhận thức mà thôi.

- Quốc phục Việt Nam, theo con mắt của một người có vài chục năm nghiên cứu về phục trang người Việt, bà nghĩ như thế nào sẽ hợp lý?

Tôi đã phát biểu tại nhiều hội thảo về vấn đề này, rằng, quốc phục Việt Nam phải được thiết kế dựa trên cơ sở truyền thống nhưng cũng phải phù hợp hiện đại. Trang phục không thể lụng thụng như ngày xưa nhưng cũng không thể cách tân quá điệu đà.

Theo tôi, với nữ giới, áo dài là một trang phục phù hợp. Và đây là vấn đề đồng thuận khá lớn của nhiều nhà nghiên cứu. Chỉ riêng với nam giới, chúng ta hiện nay đang có hai ý kiến hoặc âu phục hoặc áo dài – khăn đóng. Riêng tôi, tôi cho rằng áo dài – khăn đóng xứng đáng là quốc phục Việt Nam hơn.

Nhiều người cho rằng áo dài – khăn đóng lụng thụng và không sang trọng, nhưng tôi nghĩ, nếu thiết kế hợp lý thì sẽ không cảm thấy áo dài – khăn đóng lụng thụng, rườm rà. Nam giới vẫn mặc áo sơ mi, quần tây đi giầy tây và khoác chiếc áo dài ở ngoài, vẫn thể hiện được lịch sự, trang trọng mà đầy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thêm nữa, quốc phục sẽ chỉ giành cho những dịp quan trọng như trình quốc thư hay tiếp đón Nguyên thủ, Lãnh đạo cấp cao các nước.

- Việt Nam có hàng nghìn năm Bắc thuộc và cũng tới vài trăm năm bị đô hộ, khó tránh được việc Trung Quốc hóa hay Âu hóa trong cả lối sống ăn, mặc, ở. Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, Việt Nam khó tránh được sự na ná nhau, kể cả về quốc phục. Vậy, tìm đâu bản sắc riêng của Việt Nam?

Tôi cho rằng, chúng ta có truyền thống, vì thế, thiết kế quốc phục không phải là vấn đề khó. Cái khó ở đây, đó chính là tư tưởng thông suốt và chưa có sự thống nhất.

Chúng ta có nhiều trang phục cũng được coi là truyền thống như áo tứ thân hay bà ba. Nhưng đó chỉ là trang phục hợp cho người lao động, cho tiểu thương. Áo bà ba không đủ sự sang trọng, kín đáo, tiện dụng và thanh lịch cho các quan hệ ngoại giao.

Khi đã thống nhất loại trang phục, chúng ta sẽ phải bàn nhau về sự cải tiến, màu sắc, họa tiết hoa văn làm sao cho trang phục trang trọng và mang đậm bản sắc dân tộc.Tôi cho rằng, với quốc phục Việt Nam, màu sắc phải trang nhã, không xanh đỏ hay dát kim tuyến lóng lánh. Hòa sắc phải mang màu sắc dân cư lúa nước Đông Nam Á. Chất liệu nên dùng lụa hàng vân.

Với nữ giới, có thể quần màu đen, nam có thể mặc quần tây màu đen hoặc màu trắng, màu ngà. Phía trên, có thể là áo cặp bên trong màu lam hoặc đỏ màu hỏa hoàng tượng trưng cho phương Nam. Ví dụ, người Nhật họ sử dụng quần màu ghi rất điển hình. Trong khi đó, veston của người Nga lại mang màu xanh quốc kỳ của họ. Mỗi quốc gia có màu sắc riêng nhận ra ngay lập tức bản sắc dân tộc.

Cách mặc của cha ông ta ngày xưa là bao giờ cũng mặc kép không mặc trơn một màu hay mặc rực rỡ. Với thế giới, trong quan hệ ngoại giao người ta cũng dùng màu đen là chính. Về hoa văn, tôi nghĩ sẽ còn phải nghiên cứu nhiều để thống nhất chọn hoa văn là đào, trúc, hoa sen, hình ảnh trống đồng hay Rồng để làm biểu trưng. Điều đó đòi hỏi nhà thiết kế phải nghiên cứu cho phù hợp phom dáng, nhân trắc con người Việt Nam.

Bây giờ đời sống người dân cao hơn, việc ăn mặc sang trọng với họ không khó. Vì thế, phải có quy định về màu sắc riêng cho những người đại diện Nhà nước. Giống như Hàn Quốc hay Nhật Bản, người dân họ vẫn sử dụng kimino hay Hanbok trong những ngày trọng đại, nhưng họ cải tiến gọn gàng hơn, năng động hơn và cũng khác so với những bộ quốc phục của nguyên thủ nước họ.

- Trước thực thế áo dài Việt đang bị cách tân quá đà, làm hỏng hình ảnh áo dài Việt Nam, bà nghĩ sao về việc cần phải có sự chuẩn chỉnh về áo dài khi nó được chính thức là đại diện cho văn hóa mặc của dân tộc Việt Nam?

Đây là vấn đề văn hóa truyền thống dân tộc chứ không phải vấn đề thời trang. Do đó, cách điệu phải mang nét truyền thống văn hóa Việt Nam.

Áo dài phụ nữ Việt khoe thân một cách ý nhị duyên dáng chứ không phải khoe da thịt cơ thể. Áo dài đẹp ở sự dịu dàng duyên dáng, ý nhị, hòa sắc hết sức êm chứ không chói.

Quốc phục là bộ trang phục trang nhã và mang sự nghiêm trang, hòa sắc thanh lịch, lịch lãm và đại diện cho văn hóa mặc của dân tộc không thể nào cải tiến thái quá mà phải dựa trên cơ sở truyền thống và nhân trắc học của con người Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ, cách tân trong quốc phục thì hở cổ không được. Cải tiếng theo kiểu hạ eo quá cao để hở lườn là không được. Lễ phục phải có quy chuẩn về độ dài, ngắn.

Xin cảm ơn bà Đoàn Thị Tình về những chia sẻ này!


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc