Có bao nhiêu mẫu hoa văn trên váy của phụ nữ Thái? Đó là một câu hỏi khó không chỉ đối với những ai quan tâm đến trang phục độc đáo này, mà chính nghệ nhân trong cộng đồng làng bản có nghề thêu, nghề dệt truyền thống cũng không dễ trả lời.
Mỗi nơi có những mẫu hình thêu về hình thức cũng như tên gọi không thể tìm thấy ở các bản khác. Chính điều này làm nên sự đa dạng của hoa văn trên váy phụ nữ Thái. Hình thêu trên váy của phụ nữ Thái chủ yếu lấy cảm hứng từ thiên nhiên, vũ trụ, hay một linh vật của người miền núi là thuồng luồng (ngược). Thuồng luồng - linh vật hình thù giống rắn, sống dưới những khúc sông sâu, có vảy, mào, có khả năng hóa phép. Truyền thuyết kể lại, thuồng luồng thường hóa phép thành những chàng trai khôi ngô vào bản, nghe các cô gái trẻ đẹp thổi pí (sáo) suốt đêm mới chịu về sông. Nhiều người cho rằng thuồng luồng là con rồng như trong quan niệm của người miền xuôi.
Nhưng khi nói đến linh vật này thường gây cảm giác sợ hãi hơn là linh thiêng, như vậy có thể tạm gọi “ngược” là con thuồng luồng. Tuy nhiên khi được thể hiện trên chân váy của phụ nữ Thái, hình thêu “ngược” trông giống hình con rồng uốn khúc. Còn hình mặt trời lại giống một ngôi sao 6 hoặc 8 cánh, thậm chí nhiều hơn 10 cánh, gam màu trắng làm chủ đạo. Các loài hoa được thể hiện nhiều nhất trên những hình thêu váy Thái như hoa mặt trời, hoa thuốc lá, hoa dâu... Điều đó thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Hoa lá, chim muông thành nguồn cảm hứng dồi dào để các nghệ nhân dân gian sáng tạo nên những họa hình phong phú và lạ mắt.
Vì nhiều lý do, bây giờ những hình thêu trên váy cũng như chính trang phục truyền thống đang dần vắng bóng trong đời sống hàng ngày của phụ nữ Thái. Một nguyên nhân là váy Thái thiết kế không còn phù hợp với sinh hoạt thời hiện đại. Phụ nữ ngày nay có cơ hội tiếp xúc với trang phục tân thời phù hợp hơn và điều quan trọng là nó khiến chị em ưa nhìn hơn. Ngày nay, về các bản người Thái không khó tìm những cô gái tóc nhuộm đỏ, nhuộm vàng, mặc quần ngắn, áo cộc, luôn tay bấm điện thoại di động..., hiếm hoi lắm mới bắt gặp cảnh một thiếu nữ ngồi thêu váy. Thường những cô sắp phải về nhà chồng, tranh thủ thêu để có cái mặc trong lễ cưới, nhưng ngày nay phần lớn, người ta thường mua từ người làm nghề dệt thổ cẩm - những nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề vững trong vùng.
Chị Quang Thị Hiền dạy nghề dệt thổ cẩm tại Trường Dạy nghề miền núi Tây Nam Nghệ An, từ gần 10 năm nay, chị cùng đồng nghiệp đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề tại các huyện có bản người Thái như Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn. Phần lớn các lớp học này chỉ thu hút đối tượng lớn tuổi tham gia, rất hiếm thấy các thiếu nữ học nghề thổ cẩm.
Nhiều cô gái vùng cao cho rằng, việc thêu váy mất thời gian và không mang lại thu nhập cao. Thêu váy chỉ hợp với người đã lớn tuổi. Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến sự mai một của hoa văn trên váy của phụ nữ Thái thì việc các cô gái trẻ vùng cao thờ ơ đối với nó là điều đáng buồn. Chị Quang Thị Hiền cho biết: “Có một lớp học tại Tam Sơn - Anh Sơn thu hút các em nữ học lớp 8 theo học khiến tôi rất vui. Những lớp học như thế không nhiều”.
Ý kiến bạn đọc