(VnMedia) - Nhiều người đã “sửng sốt” khi diễn viên Việt Bắc – người thủ vai Xuân Tóc đỏ trong dự án phim Trò đời phát biểu nhân vật này là một người trượng nghĩa. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, tác giả kịch bản của dự án cũng nhiều lần nhấn mạnh, đây là một nhân vật lưu manh hóa một cách toàn diện.
Với quan niệm chung lâu nay của độc giả tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, những sự sửng sốt trước nhìn nhận có chút tích cực về nhân vật Xuân tóc đỏ không khó hiểu. Tuy nhiên, khi nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chốt một cái nhìn phán xét cho nhân vật thú vị nhất của văn học Việt Nam hiện đại, thì hơi… lo cho anh.
Kỳ vọng món lạ, chất lượng cho truyền hình Việt
Trò đời là phim truyền hình hợp tác giữa Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam VFC và Hãng phim Hội điện ảnh Hodafilm. Phim nằm trong dự án đưa lên màn ảnh những tác phẩm văn học có giá trị của thời kỳ 1930 – 1945, thời kỳ được coi là rực rỡ nhất trong văn học Việt Nam.
Ý tưởng xuất phát từ nhóm đạo diễn Hodafilm khi họ nhận thấy nguồn chất liệu quý giá này chưa được khai thác, và rất may họ đã tìm được cái bắt tay từ VFC – nơi có nguồn tiền và đội ngũ dồi dào, không chỉ từ đầu ra (phát sóng) mà ngay ở đầu vào (đầu tư, hợp tác).
Trò đời mở màn cho dự án làm phim dựa trên các tác phẩm văn học thời kỳ 1930 - 1945 |
Dự án được kỳ vọng là món lạ, chất lượng trong giai đoạn nhan nhản phim truyền hình hiện nay. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc sản xuất phim cho biết, dự án được ấp ủ từ lâu và phải đợi thời cơ chín muồi mới dám thực hiện. Đây là hướng đi mới của VFC trong nỗ lực đa dạng hóa bộ mặt phim truyền hình, với việc mở rộng liên kết sản xuất với những nghệ sỹ chuyên môn giỏi.
Ngoài đội ngũ làm phim của VFC, Trò đời quy tụ những người làm điện ảnh uy tín như NSND – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Nhuệ Giang làm đạo diễn, NSND – nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn là giám đốc hình ảnh, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức làm thiết kế mỹ thuật và biên kịch Trịnh Thanh Nhã (cùng biên kịch trẻ Lê Anh Thúy) đảm nhiệm kịch bản.
Đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ, hiện các dòng phim xã hội, kinh tế, lãng mạn… có quá nhiều, và đây là một hướng thay đổi hiện trạng cũng như chất lượng màn ảnh nhỏ. Đã về hưu nhưng vẫn đắt sô đặt hàng từ các dự án tư nhân, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, khi được đạo diễn Thanh Vân mời vào dự án này, chị rất hứng thú. “Mạch đi mới này sẽ ngày càng đi sâu về quá khứ, tìm về văn hóa Việt đang lấp chìm dưới lớp trầm tích”.
Mở màn cho dự án, Trò đời dựa trên các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, sản xuất vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Sau tác phẩm đậm chất hiện thực đô thị này, dự án sẽ tiếp tục khai thác chất lãng mạn của Thạch Lam, và đời sống miền núi của nhà văn Lan Khai.
Tái hiện xã hội giả dối, kệch cỡm thời “âu hóa”
Trò đời lấy xương sống câu chuyện phim từ tác phẩm Số đỏ nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cùng với các truyện ngắn, phóng sự khác của ông như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Làm đĩ…
Thông qua các nhân vật được tổng hợp từ những sáng tạo tài năng của cố nhà văn, đồng thời chắt lọc những tình tiết, câu chuyện điển hình, Trò đời tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945.
Phim cố gắng tái hiện không khí kệch cỡm, giả dối của xã hội thượng lưu thời đầu hội nhập trước 1945 |
Các nhà làm phim cho biết, chuyện phim và không khí xã hội trong Trò đời được họ cố gắng thể hiện đúng tinh thần trong các tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng khi viết về xã hội Việt Nam thời bấy giờ: một xã hội đầy bất an, kệch cỡm, giả dối, hợm của, ích kỷ và vong quốc.
Cách đây 20 năm, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã từng được đưa lên màn ảnh rộng qua phim Số đỏ, với khá nhiều cảnh quay táo bạo. Được hỏi về yếu tố này trong phim, đạo diễn Nhuệ Giang cho hay, chị cũng rất “phục” các nhà làm phim Số đỏ bởi sự mạnh bạo của họ, tuy nhiên, đây là dự án truyền hình với nhiều thành phần khán giả, vì thế các cảnh nhạy cảm được thực hiện rất tiết chế.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh, Vũ Trọng Phụng là nhà văn tả thực, thậm chí từng bị coi là đồi trụy. Khi viết, chị cũng đã ý thức điều này để tiết chế, tuy nhiên nhận kịch bản, đạo diễn Nhuệ Giang vẫn thấy kịch bản tràn ngập không khí nhục dục và lại phải tiết chế tiếp.
Cũng bởi lý do này, NSƯT Minh Hằng – người thủ vai bà Phó Đoan đã 2 lần mang trả kịch bản. Rất thích vai diễn, thậm chí nghiền ngẫm kịch bản không dưới 30 lần, nhưng nữ diễn viên U50 vẫn e ngại ấn tượng dâm dê của nhân vật.
Đạo diễn Thanh Vân phải thuyết phục, chị quá hợp nhân vật từ độ tuổi, ngoại hình, lối diễn… và đạo diễn Nhuệ Giang phải thống nhất về cảnh quay phòng the “kinh nhất” của bà Phó Đoan với chồng và một anh bồ tây đen, chị mới yên tâm gật đầu. Sự hứng khởi và tự hào của Minh Hằng không giấu giếm trong những lời chia sẻ về quá trình làm phim.
“Xuân tóc đỏ là một người trượng nghĩa”
Nhân vật được quan tâm nhất trong dự án, đương nhiên là Xuân Tóc đỏ - nhân vật để đời của cố nhà văn. Vai diễn được giao cho Việt Bắc, sinh năm 1987, và vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm ngoái. Đây là gương mặt mới hoàn toàn với công chúng, mà theo anh chia sẻ thì gia tài chỉ là một số tiểu phẩm của Thư giãn cuối tuần.
Đạo diễn Nhuệ Giang cho hay, chọn Xuân Tóc đỏ là nhân vật khó nhất trong cuộc đời làm phim của chị, bởi đây là nhân vật quá sinh động, độc đáo, ấn tượng trong lịch sử văn học Việt
Diễn viên trẻ Việt Bắc gây ấn tượng khi anh chia sẻ cái nhìn khá bao quát về nhân vật của mình |
Đoàn phim đã lựa chọn hơn 10 người, cả trong
Nói vậy, bởi ngoại hình bên ngoài của anh chưa hẳn gây ấn tượng. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã – cho tới lúc họp báo mới gặp gỡ diễn viên, cũng phát biểu Việt Bắc quá hiền so với hình dung của chị về nhân vật vốn nổi tiếng láu cá này.
Một chi tiết đáng chú ý trong buổi họp báo, khi chia sẻ về nhân vật, Việt Bắc có bộc bạch “… Xuân tóc đỏ là một người trượng nghĩa”. Một phóng viên đã chia sẻ sự sửng sốt trước phát biểu này và chất vấn lại nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.
Nhà biên kịch nổi tiếng cũng tán thành phát hiện này và nhấn mạnh, Xuân tóc đỏ trong suốt quá trình dấn thân đã bị lưu manh hóa một cách toàn diện. Chị cho hay, thủa đầu Xuân cũng có sự trượng nghĩa, nhưng sau đó phẩm chất này đã rơi rụng nhiều.
Chia sẻ này khiến một chút lo cho… nhân vật Xuân Tóc đỏ, ở việc anh có thể sẽ bớt đi sự đa diện, thú vị. Trao đổi với nhà biên kịch, chị cho rằng, Xuân là dạng người đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, anh ta cũng có sự tốt bụng, tuy nhiên chỉ với một số người.
Trong ý thức khi sáng tạo nhân vật này của Vũ Trọng Phụng, và trong phân tích của nhiều học giả như Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn, đây không phải là một nhân vật lưu manh. Sự leo cao tới vị trí thượng lưu từ hạ lưu của Xuân, ngoài sự gặp thời, còn là sự nhạy cảm và những nỗ lực học hỏi, làm việc và sự tự tin hòa nhập không hèn mọn của nhân vật này. Nhân vật Xuân tóc đỏ, với sự đa diện, phức tạp trong tính cách được coi như là một bước phát triển trong xây dựng con người hiện đại trong văn học Việt Nam, khác với tuýp dễ phân định tốt – xấu một chiều trước đó.
Ngoài những gương mặt mới thủ diễn các vai nặng ký như Xuân (Việt Bắc), Đũi (Bảo Thanh), Mai Chi (Tuyết),
Trò đời quy tụ một dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, Phú Đôn, Thanh Chi, Nguyệt Hằng, Diệp Bích, Quang Thắng, Chiến Thắng… Phim hiện đã thực hiện được 2/3 cảnh quay và sẽ ra mắt vào đầu năm 2013.
Ý kiến bạn đọc