Toàn cảnh câu chuyện "mất đất" của Hãng Phim truyện

14:52, 07/12/2012
|

(VnMedia) - Nhà Thủy phi cơ đang được Hãng phim Truyện Việt Nam cho thuê làm nhà hàng ăn uống, thì UBND Quận Tây Hồ ra quyết định thu hồi khu đất để xây dựng bến thủy nội địa Hồ Tây. Câu chuyện tranh cãi về đất đai này có lẽ sẽ không quá "nóng" nếu không liên quan đến đơn vị là địa chỉ đỏ của ngành điện ảnh.

>> "Nguyện vọng giữ lại nhà Thủy tạ là chính đáng"

Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, Hãng phim Truyện Việt Nam tổ chức một cuộc gặp mặt báo chí bất ngờ để "kêu cứu" xung quanh sự việc một phần đất của Hãng này đang bị UBND Quận Tây Hồ thu hồi. Đây có lẽ là cuộc họp báo đầu tiên của Hãng không mời các phóng viên mảng Điện ảnh, mà các nhà báo mảng Xã hội.

Ảnh minh họa

Trên phần đất thuộc quyền sử dụng của Hãng bị UBND Quận thu hồi có nhà Thủy phi cơ, nhà nổi 2 tầng trên mặt nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Ảnh minh họa

Được biết, từ mấy năm nay, UBND Quận Tây Hồ đã nhiều lần gửi thông báo cho Hãng đề nghị bàn giao khu đất này để phục vụ dự án xây dựng Bến thủy nội địa neo đậu xuồng cứu hộ trên Hồ Tây.

Ảnh minh họa

Tháng 11/2012, Ban Quản lý dự án vài lần thông báo cho Ban Giám đốc Hãng đến nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng và đến chứng kiến khởi công công trình này.

Ảnh minh họa

Sau những thông báo này, ngày 29/11, Ban Quản lý dự án cho người đổ đất và cắm cọc xung quanh khu vực này. Điều này đã gặp sự phản đối của Hãng phim Truyện Việt Nam, và dẫn đến cuộc họp báo hôm Chủ nhật, 2/12.

Ảnh minh họa

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Hồ Tây. Theo kế hoạch, dự án khởi công và hoàn thành trong năm nay.

Ảnh minh họa

Theo đồ án xây dựng, nhà Thủy phi cơ là hạng mục chính trong công trình này. Các cán bộ, nhân viên của Hãng cho rằng, công trình bến thuỷ nội địa chỉ là lý do phụ, còn mảnh đất đắc địa mới là lý do chính của sự "thu hồi" này. Họ cũng hoài nghi, đứng sau danh Ban Quản lý Hồ Tây trong dự án này là một đơn vị tư nhân.

Ảnh minh họa

"Hồ Tây rộng thế, có bao nhiêu địa điểm khác để xây dựng bến thủy. Vấn đề là khu đất này không phải là đất vàng, mà là đất "bố" của kim cương" - nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc và Hoàng Nhuận Cầm bức xúc bộc bạch với VnMedia.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, UBND Quận Tây Hồ cũng không kém lý. Họ đưa ra thực tế, nhà Thủy phi cơ từ nhiều năm nay đã và đang được Hãng sử dụng sai mục đích, cho thuê để kinh doanh nhà hàng ăn uống. Đơn vị đang sử dụng khu nhà này là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thành Long.

Ảnh minh họa

Được biết, hợp đồng của Hãng với Công ty Thành Long được ký từ cách đây 10 năm, khi đó đến năm 2007 là hết hạn. Tuy nhiên, năm 2006, trước khi nghỉ hưu, giám đốc đương nhiệm của Hãng là ông Nguyễn Văn Nam đã ký gia hạn hợp đồng tới năm 2018 mà không thông qua Ban giám đốc. Các nhân viên Hãng cho biết, hầu hết các hợp đồng cho thuê đất của hãng trước nay không cần lấy ý kiến tập thể mà do Ban Giám đốc bàn bạc quyết định và các nghệ sỹ cũng không quá quan tâm... Cho đến khi xảy ra sự việc này.

Ảnh minh họa

Sau khi xảy ra sự việc ngày 29/11, Hãng đã đòi lại, không cho thuê tiếp nhà Thủy phi cơ. Lúc này, họ mới bất ngờ khi Công ty Thành Long đưa ra hợp đồng ký đến tận năm 2018. Tuy nhiên, luật sư của Hãng sau khi nghiên cứu cho hay, hợp đồng không hợp lệ, vì ký khi chưa hết hạn hợp đồng cũ. Trên cơ sở này, Hãng đề nghị chấm dứt việc cho thuê giữa 2 bên - "Hãng nghèo nhiều chứ chục triệu mỗi tháng thì cũng không nghèo thêm" - một nghệ sỹ của Hãng lúc này chia sẻ.

Ảnh minh họa

Nhà Thủy phi cơ, trong quá khứ từng là kho để đạo cụ, phục trang, và là nơi hoạt động của Kịch đoàn của Hãng Phim Truyện. Nhiều thế hệ diễn viên đã từng sinh hoạt nghề nghiệp ở đây (đọc kịch bản, tập vai diễn, trao đổi nghề...). Qua thời gian 10 năm được công ty Thành Long sử dụng làm nhà hàng ăn uống, tuần qua Hãng đã chuyển một số đồ đạc, tranh ảnh kỷ niệm, bằng khen huân chương... tới tầng 2 khu nhà để làm phòng Truyền thống. Hiện, nhà Thủy phi cơ được Hãng khóa cửa, và 2 bên thuê và cho thuê vẫn đang cạnh tranh đặt bảng tên bên ngoài.

Ảnh minh họa

Lý đang đứng về UBND Quận Tây Hồ khi họ dẫn chứng, diện tích đất của Hãng còn rất rộng, có thể lấy nhiều nơi khác để làm phòng Truyền thống. Đơn cử như chếch ngay nhà Thủy phi cơ, Hãng cũng đang cho Công ty Thành Long thuê khu đất khoảng 500 m2 để làm nhà hàng Vọng Ba lâu.

Ảnh minh họa

Hiện Hãng Phim Truyện Việt Nam vẫn tích cực đấu tranh đòi lại "khu đất kim cương". Cách đây vài năm, hãng đã nộp cho nhà nước một diện tích đất đáng kể để làm đường ven Hồ Tây. Theo quyết định khi đó, nhà Thủy phi cơ (góc phải) không hề nằm trong chỉ giới đất bị thu hồi và vẫn thuộc quyền sử dụng của Hãng.

Ảnh minh họa

Thế khó của Hãng Phim Truyện Việt Nam hiện nay là chưa có sổ đỏ. Hãng được nhà nước đất ở số 4 Thụy Khuê từ thập niên 1950, với tổng diện tích vài ngàn mét vuông. Từ năm 1993, sau khi có Nghị định của Chính phủ về thuế đất, Hãng đã đều đặn đóng thuế hàng năm tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất chính chủ.

Vụ việc tranh chấp đất đai hiện vẫn chưa ngã ngũ, nhưng việc sớm giải quyết sổ đỏ cho Hãng là một việc cần thiết trước mắt. Không chỉ là những sự vụ như thế này, mà một cơ sở pháp lý để từ đó Hãng có thể có tư cách kêu gọi đầu tư, hợp tác từ các đơn vị trong và ngoài nước... thay đổi tình trạng ì ạch hiện nay (khi mà bầu sữa từ nhà nước không còn như thời bao cấp) là rất đáng quan tâm.


Minh Phương - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc