(VnMedia) - "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt
Từ Pháp, bà Lê Thị Minh Lý – Cục phó Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, UNESCO đã chính thức xác nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp) vào lúc 18h chiều nay (giờ Việt Nam).
Theo bà Lý, năm nay Ban tư vấn của Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 xem xét 36 hồ sơ và đưa ra đề xuất dự kiến xứng đáng ghi danh lần này là 18 hồ sơ.
"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Những hồ sơ được ghi danh phải đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO về sự nhận dạng di sản, về chức năng xã hội và ý nghĩa của di sản; về sự đáp ứng mục tiêu bảo vệ di sản của Công ước; về vai trò của cộng đồng và nhà nước trong chương trình hành động bảo vệ di sản; về sự cam kết của cộng đồng; về các điều kiện chuyên môn liên quan đến bảo vệ di sản.
Đoàn Việt Nam đến Pháp gồm 30 người, dẫn đầu là Chủ tịch tỉnh Phú Thọ - Hoàng Dân Mạc; Các đại sứ Việt Nam ở Pháp, EU, Bỉ, Luxembourg; đại diện Bộ VH,TT&DL, các chuyên gia và báo chí. Như mọi lần, Việt Nam may mắn vì hồ sơ đã được đánh giá tốt, đề nghị Uỷ ban ghi danh, không có điểm nào còn băn khoăn.
Vào lúc 12h.03 phút, hồ sơ “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đưoc xem xét. Chỉ sau 5 phút, vào lúc 12.07 phút tức 18 giờ 07 phút (giờ Việt Nam) “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đã được ghi nhận trở thanh Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012.
Niềm vui càng nhân lên tột bật khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương“ là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
Trong suốt quá trình lập hồ sơ, đáp ứng tiêu chí theo quy định của UNESCO về việc hồ sơ di sản phải đáp ứng được ít nhất 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã được xây dựng rất kỹ lưỡng.
Hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" và nếu được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Đại diện phụ trách báo chí của UNESCO, bà Cecile Duvelle đánh giá riêng về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống”, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng thờ cúng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.
Cũng theo bà Lý, 36 hồ sơ được Ủy ban xem xét rất kỹ lưỡng. Với một số di sản, Ủy ban chất vấn và đưa ra quyết định nếu di sản đó chưa thật sự xứng đáng hoặc phân tích, tranh luận, nghe giải trình rồi ghi danh di sản nào được coi là xứng đáng dù trước đó không đạt. Tại cuộc họp chiều nay, nhiều di sản đã được xét “vớt”.
“Càng ngày càng có nhiều di sản được đề cử. Thế giới ngày càng quan tâm hơn đến văn hoá và tích cực tìm kiếm các phương thức bảo vệ di sản. Trong kỳ họp này có sự chứng kiến của nhiều chủ thể di sản, điều đó chứng tỏ rằng họ đã nhận diện giá trị văn hoá của chính họ và mong muốn bảo vệ di sản của họ” – bà Minh Lý chia sẻ từ Pháp.
Bà Minh Lý cũng bày tỏ, với sự ghi nhận này, Nhà nước và cộng đồng sẽ làm thật tốt để bảo vệ di sản này cũng như rất nhiều di sản khác vô cùng quý giá với dân tộc chúng ta.
Ý kiến bạn đọc