(VnMedia) - Từ 71 bộ phim đại diện cho các quốc gia gửi dự Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất 2013, Viện Hàn lâm Mỹ đã chọn ra 9 phim vào Short – list, trong đó có tác phẩm War Witch (Phù thủy chiến tranh) của đạo diễn gốc Việt Kim Nguyễn, đại diện cho Canada.
>> Hàn Quốc chọn phim của Kim Ki-Duk dự Oscar 2013
>> Việt Nam chọn "Mùi cỏ cháy" tham dự Oscar 2013
>> Trung Quốc chọn phim Trần Khải Ca dự Oscar 2013
>> Đạo diễn gốc Việt đại diện Canada dự tranh Oscar 2013
Lâu nay, ở giải Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất, người ta chỉ chú ý đến danh sách 5 phim đề cử. Tuy nhiên, trước vòng này, còn có một vòng Short – list (danh sách rút gọn), chọn ra 9 phim xuất sắc nhất, từ hàng chục phim gửi đến từ các quốc gia.
Nếu danh sách các phim gửi dự Oscar phim nước ngoài thực ra chẳng có ý nghĩa gì (chỉ là lựa chọn nội bộ của các nền điện ảnh) thì danh sách rút gọn Short– list Oscar có thể coi như tuyển tập các tác phẩm chất lượng nhất năm của thế giới “ngoài Hollywood”.
Việc dừng lại ở vòng góp mặt của Mùi cỏ cháy là chuyện hiển nhiên chẳng cần bàn |
Bởi dù chẳng được chính danh như Phim Tranh giải Cannes, Berlin, Venice (mỗi liên hoan trên dưới 20 tác phẩm tranh giải)… nhưng danh sách Top 9 này có thể coi là tập hợp con của tập hợp những phim tranh các giải thưởng danh giá ấy. Khi mà, nếu phim của một đất nước nào đó từng tranh giải (hoặc dành giải) tại các LHP này thì xác suất được chọn làm đại diện nước mình dự Oscar phim nước ngoài là rất cao.
Tóm lại, lọt vào Short-list Oscar là một “huân chương” ngang ngửa, và thậm chí hơn việc dự tranh Cành cọ Vàng, Gấu Vàng, Sư tử Vàng… và điều ấy còn xa vời với điện ảnh Việt.
Qua gần 10 năm bắt đầu gửi phim tới Oscar, điện ảnh Việt hiện nay vẫn dừng lại ở việc góp mặt (khái niệm trắng tay, trượt hay bị loại không phù hợp trong trường hợp này), kể cả năm có nhiều hy vọng (duy) nhất là Mùa len trâu (2006).
Việc Mùi cỏ cháy không lọt vào Short-list hoàn toàn không mang một ý nghĩa gì, về việc nhìn nhận lại bộ phim nói riêng và điện ảnh Việt nói chung. Nếu Oscar Phim nước ngoài có một vòng chọn Top 50 thì việc được vào hay không có thể có cái để bàn.
Năm nay, một số phim từng đăng quang Gấu vàng như Cesaer must die (Italia), Gấu bạc như Barbara (Đức), Sư tử Vàng như Pieta (Hàn Quốc)… đều không lọt vào short-list này.
Cuộc đua của Amour, Intouchables..
Trong danh sách công bố hôm qua, nổi bật nhất có Amour – bộ phim Áo dành giải Cành cọ vàng năm qua. Trước thềm Oscar, bộ phim của đạo diễn Michael Haneke đã chiến thắng vang dội tại giải thưởng Điện ảnh châu Âu, và được điểm danh trong nhiều bình chọn Top phim hay nhất trong năm của các hiệp hội phê bình phim uy tín như NewYork, Chicago, Washington…
Cũng nổi danh không kém là Intouchables – hiện tượng của điện ảnh Pháp năm rồi. Bộ phim của đạo diễn Oliver Hakache được phát hiện lần đầu qua LHP Tokyo – LHP chất lượng nhất châu Á (với giải Grand Prix và giải Nam diễn viên cho cả 2 diễn viên nam trong phim), và sau đó càn quét giải Cesar (Oscar của điện ảnh Pháp) với 9 hạng mục đề cử.
Amour và Intouchables nhiều cơ hội lọt danh sách đề cử |
Cùng lọt vào đề cử Qủa cầu Vàng trước đó, Amour và Intouchables rất nhiều cơ hội để tiến thêm vào Top 5 đề cử Oscar.
Top 9 Oscar còn có Beyond the hills – bộ phim Rumani từng dành giải Kịch bản và Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Cannes, hay A royal affair – bộ phim Đan Mạch từng dành giải Kịch bản và Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Berlin.
Những cái tên còn lại trong danh sách rút gọn là Kontiki (NaUy) – hiện cũng lọt đề cử Phim nước ngoài ở Qủa cầu Vàng, Sister (Thụy sỹ) từng dành giải Đặc biệt ở LHP Berlin, No (Chi lê) từng tham dự Cannes, The deep (Ai len) và đặc biệt là War witch (Canada) – bộ phim của đạo diễn gốc Việt Kim Nguyễn.
Đạo diễn gốc Việt với “Phù thủy chiến tranh”
War witch (Phù thủy chiến tranh) là câu chuyện Komona, một cô gái Châu Phi 14 tuổi kể cho đứa con bé bỏng chưa chào đời về cuộc đời mình.
12 tuổi, Komona bị đội quân phiến loạn đến đốt làng và bắt vào rừng để tham gia đội quân chống lại chính phủ.
Cũng như những đứa trẻ bị bắt cóc khác, Komona được huấn luyện trở thành một tên lính – trẻ con và thậm chí bị ép buộc giết chính cha mẹ mình.
Rachel Mwanza trong phim (ảnh trên) và cùng đạo diễn Kim Nguyễn tại LHP Berlin 2012 |
Nhờ có thể nhìn thấy ánh mắt của các hồn ma (trong đó có cha mẹ cô) cảnh báo sự hiện diện của kẻ thù, Komona là người duy nhất trong đội lính của cô sống sót sau một trận chiến. Những khả năng đặc biệt này khiến tên thủ lĩnh quân phiến loạn rất chú ý và đặt cho cô biệt danh “phù thủy chiến tranh”.
Komona thân thiết với Magician - một cậu lính trẻ con khác trong đội, và cả 2 tìm cách trốn thoát khỏi trại lính… Cậu cầu hôn cô nhưng ước muốn lớn nhất của Komona là trở lại ngôi làng để sửa chữa những tội lỗi quá khứ của mình. Con đường trở về khó khăn đòi hỏi đầy can đảm, trên một đất nước mà bạo lực là món ăn thường ngày.
War witch là bộ phim Canada đầu tiên trong vòng 13 năm qua lọt vào vòng tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin. Và tại đây, nó lập thành tích khi dành giải Gấu bạc cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho cô gái da màu Rachel Mwanza. Rachel sau đó tiếp tục dành giải diễn xuất tại LHP Tribeca. Đến nay, bộ phim đã được bán bản quyền phát hành tới 25 quốc gia.
Rachel Mwanza là một trẻ em đường phố được đạo diễn Kim Nguyễn phát hiện khi casting những trẻ em đường phố tại Công gô. Cô bé bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, sống với bà và không biết đọc, biết viết.
Hội đồng tuyển chọn Đề cử Oscar sẽ có 3 ngày làm việc vào cuối tuần đầu tháng 1, để xem toàn bộ 9 bộ phim trong short-list, mỗi ngày xem 3 phim. Kết quả danh sách 5 phim được đề cử sẽ được công bố ngày 10/1. Hy vọng bộ phim của Kim Nguyễn sẽ có cơ hội đi tiếp trong Oscar.
Ý kiến bạn đọc