(VnMedia) - Tháng 10, với Scandal, Victor Vũ đã có một cú lừa ngoạn mục khi sau đó có không ít review nhầm lẫn. Với Mùa hè lạnh, Ngô Quang Hải vô tình có một "cú lừa" còn đẳng cấp hơn khi sau đó là vô vàn comment chê hết nước, còn những lời khen cũng chưa thấu hết bộ phim của anh…
>> Scandal – “Cú lừa” ngoạn mục của Victor Vũ
>> Ngô Quang Hải "nghiện" yêu và sống trên mặt báo
>> Ngô Quang Hải và dự án phim kỳ vọng nhất năm
>> Mùa hè lạnh - Sự trở lại ấn tượng của Ngô Quang Hải
Spoiler (Đoạn bôi đen này có thể ảnh hưởng tới cách bạn thưởng thức bộ phim): Lấy xương sống là một câu chuyện vụ án, Mùa hè lạnh đã khá khéo léo trong hành trình dẫn dắt tìm ra đường – dây – thủ - phạm. Điều thú vị nhất ở đây là không phải là một thủ phạm duy nhất, mà mỗi người một chút đều can dự, dính líu cộng dồn vào cái chết của nạn nhân.
Tuy nhiên, đây không hề chỉ là dạng phim hình sự - tội phạm (crime) đơn thuần, để chỉ biết áp thước đo duy nhất là sự hấp dẫn trong kết thúc bất ngờ hay gài bẫy khôn ngoan. Cũng chẳng hẳn đóng khung tâm lý, ly kỳ (psychological thriller) để đòi hỏi đồ thị diễn biến tâm lý của nhân vật phải nhấp nhô hình sin, hình cos.
Được giới thiệu là phim Noir (Black film - phim Đen) hiện đại, Mùa hè lạnh đã có một không khí đặc trưng của thể loại này là u ám.
Kiên cô độc trên chuyến hành trình từ Bắc vào Nam |
Nhân vật Kiên là người xuất hiện trong vùng u tối, ám buồn nhiều hơn cả, từ những con phố cổ Hà Nội trời chiều đến dòng kênh Sài Gòn u tịch buổi đêm, từ khoang tàu chở hàng cô độc le lói ánh sáng đến căn phòng trọ kín cửa thấm đẫm dục tình… Nhâm của Midu ngược lại thường hiện diện trong những khung hình sáng, trong khi nhân vật của Lý Nhã Kỳ thì phần lớn thời gian trong phim giới hạn trong bối cảnh ngôi nhà – khách sạn Phương Bắc mà ông chồng già của cô làm chủ.
Đấy cũng là chân dung nhân vật và hoàn cảnh của họ. Bên cạnh cái xương sống của hành trình phá án, câu chuyện cuộc đời, số phận của các nhân vật chính, phụ mang khuôn mặt của một bộ phim tâm lý xã hội sâu sắc.
Sau khi rời phòng chiếu buổi ra mắt, đội ngũ phóng viên văn hóa comment trong dè dặt. “Thấy phim hay không?”, “Hay nhỉ, hay ghê cơ”, “Mình thấy nhức đầu”, “Tôi xem 20 phút không hiểu gì, ngồi 1 tiếng vẫn không hiểu, đến hết phim… vẫn không hiểu”, “Ừ, thật tôi cũng không hiểu cái phim này nói cái gì”…
Mùa hè lạnh, như đã nói, với chuỗi thẩm vấn kiểu Slumdog Millionaire tới 4-5 người khiến nó hơi phức tạp, lộn xộn, dù thực ra cấu trúc của nó không quá lắt léo. Đã thế, việc xé vụn ra để dựng (ở rất nhiều đoạn đổi cảnh qua lại khi thẩm vấn) tạo cảm giác lắt nhắt, rườm rà, khó theo dõi cho nhiều người xem.
Khoảng hơn nửa phim, tôi đã nghĩ giá mà có thể dựng lại, theo cách cô đọng và mạch lạc hơn, có lẽ sẽ thành công hơn. Nhưng khi đến gần hết phim, tôi vô cùng thích lối dựng này, bởi mình vẫn đủ hiểu câu chuyện như nó đã diễn ra, lại được cảm nhận toàn bộ sự ngổn ngang tin rằng ở gần cái level của nó nhất.
So sánh một chút với 2 bộ phim nổi bật khác của năm nay và ít nhiều có tương đồng là Scandal và Lấy chồng người ta, tôi xếp Mùa hè lạnh ở tầm cao hơn.
So với Scandal và Lấy chồng người ta, Mùa hè lạnh xứng đáng xếp ở một vị trí cao hơn |
Nếu Scandal được tính toán chặt chẽ, thông minh, để luôn hấp dẫn, hẳn Victor Vũ và đồng sự của anh cũng thuộc diện giỏi Toán để ra được 1 cái đồ thị cảm xúc chính xác áp vào người xem. Thì Mùa hè lạnh của Ngô Quang Hải không cho tôi ấn tượng về sự chuyên nghiệp “pro” kiểu thế, dù yếu tố thông minh, tinh tế trong kịch bản không hề thua kém, mà sự sâu sắc còn hơn.
Nếu Lấy chồng người ta cũng là một câu chuyện mang không khí mệt mỏi, vùng vẫy, không đề cao hấp dẫn khán giả mà khu biệt thành 2 dạng hoặc chăm chú, hoặc chán ngán, hoặc yêu hoặc ghét. Nhưng cấu trúc của LCNT đơn giản hơn nhiều, và tâm lý nhân vật cũng không quá khó gọi tên thì Mùa hè lạnh là một hành trình vào thế giới nội tâm phức tạp của con người hiện đại.
Tôi từng băn khoăn không biết nên xếp Scandal vào thể loại gì: Thương mại hay nghệ thuật. Rõ ràng theo quan niệm phim thương mại ở Việt Nam thì nó nằm ở chiếu trên so với những Cô dâu đại chiến của chính Victor Vũ, Long ruồi của Charlie Nguyễn, Mỹ nhân kế của Dũng khùng…, tất nhiên những thương mại kiểu Hello cô Ba, Cưới ngay kẻo lỡ… không được nằm chiếu mà nằm đất rồi.
Lý Nhã Kỳ đã có một vai nữ hay nhất trên màn ảnh 2012 |
Nhưng nếu xếp nó vào phim nghệ thuật thì cũng hơi lăn tăn. Khi từ kịch bản đã luôn thấy một nỗ lực rất rõ ràng để tạo hấp dẫn, để dung dăng dung dẻ giữ chân khán giả… hơn là những nỗ lực theo đuổi một thôi thúc bên trong để rủ rỉ, trầm ngâm kể một câu chuyện cá nhân dễ đồng cảm của Mùa len trâu, Chạm hay khó đồng cảm kiểu Trăng nơi đáy giếng, Bi, đừng sợ... bằng những ngôn ngữ nhiều tìm tòi.
Ở buổi họp báo sau buổi chiếu, Ngô Quang Hải chia sẻ, bộ phim này anh muốn đến gần với khán giả hơn – có thể hiểu là hướng tới yếu tố khán giả. Câu chia sẻ hơi bị khiêm tốn này hẳn đã khiến người ta đinh ninh đây là phim xu hướng thương mại, chứ chẳng phải loại kén khán giả (nghe rất sang). Vậy là mọi sự không hiểu được, không cảm được, khó xem, chán ngán được “đội mũ” thành phim dở, chưa hay, thử nghiệm chưa tới tầm…
Trong khi ấy, đây có thể nói là phim có chất lượng nghệ thuật cao nhất năm nay, và là một trong những phim xuất sắc nhất mà điện ảnh Việt Nam có được trong thập niên vừa qua.
(Còn tiếp…)
Trailer Mùa hè lạnh |
Ý kiến bạn đọc