Độc đáo tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

19:51, 31/12/2012
|

(VnMedia)- Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt Nam mang nét đặc sắc riêng và giá trị to lớn nhất của tín ngưỡng này là tạo nên một tâm thức về cội nguồn quốc gia - dân tộc. Tôn vinh “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt Nam”, UNESCO khuyến khích các cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Với mỗi người dân Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện sinh động của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thể hiện ở câu ca: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/ Dù ai đi gần về xa/Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mồng mười.

Câu ca ấy mãi in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt từ đời này sang đời khác. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thấm sâu vào lòng người, ngày càng lan toả và trở thành sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc ta vượt qua mọi gian nan, thử thách trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương đặt ở Phú Thọ trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, xưa về huyện Lâm Thao nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi cả nước hướng về, hành hương về, gửi lòng về trong tâm niệm dâng nén tâm hương lên bàn thờ Tổ.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa là lòng kinh trọng tiền nhân, kính trọng tổ tiên của người Việt Nam được thế giới coi là biểu tượng chung mang giá trị nhân bản: Con người phải có gốc rễ, cội nguồn.

Ý thức về cội nguồn quốc gia, dân tộc

Những giá trị đặc biệt của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO nêu trong quyết định công nhận Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, việc thế giới công nhận và đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc Việt Nam qua tục lệ thờ cúng tổ tiên như là cách khuyến khích các dân tộc cũng có hành vi biểu thị lòng tôn kính tổ tiên mình.

Theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh những tiêu chí quan trọng về sự trường tồn theo thời gian và sự tham gia tích cực từ cộng đồng, những điểm độc đáo “thuần Việt” của tín ngưỡng này là một thế mạnh trong Hồ sơ đệ trình UNESCO của chúng ta.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam mang nét đặc sắc riêng, khi cả dân tộc coi Hùng Vương là Quốc Tổ, cả nước có 1 ngày Quốc Giỗ. Điều này khác xa với nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc). Giá trị to lớn nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tạo nên một tâm thức về cội nguồn quốc gia- dân tộc. Tâm thức này không chỉ là kết quả của nhận thức, mà nó còn là tâm tư, tình cảm, tạo nên sự hòa đồng của cả một dân tộc. Tục thờ cúng các Vua Hùng là lòng yêu nước của con người Việt Nam được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Qua đó, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương (Phú Thọ) khẳng định: Việc thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam có một đặc điểm là có Tổ nước (Quốc Tổ), trong khi các nước ở Đông Nam Á thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ. Việc thờ Quốc Tổ làm cho tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua…

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có hơn 1.400 di tích thờ các Vua Hùng, còn ở nhiều nước trên thế giới, kiều bào ta cũng lập đền thờ Vua Hùng…

Chung sức giải bài toán “cũ mà mới”

Đó là vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể, “bài toán” được đặt ra với tỉnh Phú Thọ và các ngành chức năng.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương  là quốc lễ, nhưng yếu tố gốc của nó cũng phải được tăng cường. Rất cần điều chỉnh lại những gì đã vượt quá giới hạn, để đảm bảo việc thờ cúng Vua Hùng vừa là quốc lễ, vừa mang tính dân gian...  Còn TS Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hoá Việt Nam) cho rằng, điều quan trọng nhất là có giải pháp để di sản được sống với sự tham gia một cách tích cực, có hiểu biết của cộng đồng.

Ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nêu những công việc cấp thiết mà tỉnh cần làm, trước tiên là tổ chức tốt Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng.

Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng một chương trình với một số nội dung: Tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng với bạn bè quốc tế; kiểm kê đánh giá các di tích đền thờ Vua Hùng để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo; rà soát lại trình tự thủ tục nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước…

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở văn hoá thể thao và Du lịch Phú Thọ, việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, đi đôi với chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...

Di sản văn hóa là tài sản vô giá mà quá khứ để lại. Chỉ khi nhận thức đầy đủ các giá trị của di sản chúng ta mới đồng lòng, chung tay gìn giữ, kế thừa, phát huy giá trị của những di sản ấy.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc