Điện ảnh Việt xuất hiện bộ phim rung động nhất ?

07:19, 23/12/2012
|

(VnMedia) - Tôi vào rạp chiếu Mùa hè lạnh với đôi chút hồi hộp, thắc thỏm khi nghe chê nhiều hơn khen trước đó. Và khi màn hình chạy credit, tôi biết mình đã xem bộ phim Việt Nam “touch” mình nhiều nhất, trong năm nay, cùng với Touch (Chạm) của Nguyễn Đức Minh.

>> 'Mùa hè lạnh' của Ngô Quang Hải ra mắt dịp Giáng sinh
>>
'Mùa hè lạnh' của Ngô Quang Hải tung poster u ám  
>> Ngô Quang Hải và dự án phim kỳ vọng nhất năm
>> "Mùa hè lạnh" ra mắt sát ngày công chiếu
>> Khám phá dàn diễn viên "Mùa hè lạnh"

Mùa hè lạnh là bộ phim đầu tiên (và hy vọng là duy nhất) mà ngày ra mắt và ngày phát hành ngắn kỷ lục đến thế. Họp báo tại TP.HCM ngày 20, tại Hà Nội ngày 21 – cũng là ngày khởi chiếu. Dù sao, quá thành công khi bộ phim vẫn kịp hoàn thành để không phải rời lịch phát hành.

Từng gặp sức ép tương tự khi có những bài viết chưa xong hoặc chưa như ý khi deadline sát gót (và nhiều khi phải thoái lui), mới thấy hết nỗ lực và quyết tâm của đoàn phim ở việc hoàn thiện một sản phẩm đồ sộ hơn nhiều là một bộ phim, trong tình trạng “không thể đầu hàng”.

Tuy nhiên, chính việc khán giả được xem trước cả buổi họp báo (thông thường là sau 7-10 ngày) vô tình mang đến một trải nghiệm thú vị, với riêng bản thân. Lộn xuống tầng để xe cất bớt áo khoác vì Mùa đông… nóng, nghe 3 bạn trẻ cùng thang máy bình luận rôm rả về bộ phim mới xem.

“Eo ơi, chưa thấy phim nào chán như phim này”,Ngán như mán”, “Khiếp 30 phút là em đã muốn về ngay rồi”… “Bọn em vừa xem phim nào đấy”, “Mùa hè lạnh, đừng xem chị ạ”, “Khuyên chị là nếu có ý định xem thì dừng ngay lập tức”…

Ảnh minh họa

Ở 2 buổi ra mắt báo giới, Mùa hè lạnh nhận được tiếng chê nhiều hơn khen


Lan man thế, để thấy một bộ phận không hề nhỏ khán giả “chê hết nước” Mùa hè lạnh, trong khi Ngô Quang Hải chia sẻ, đây là bộ phim anh muốn đến gần khán giả hơn.

Trong buổi chiếu ra mắt, không ít khán giả bỏ về giữa chừng, nhưng sau buổi chiếu, cũng có những khán giả ngồi yên lặng đến dòng credit cuối cùng.

Nó khác với 2 bộ phim đáng chú ý nhất trước đó - Lấy chồng người ta có những khán giả dù kêu mệt mỏi, nặng nề vẫn cố nán xem, trong khi Scandal giữ chân cả rạp đến phút cuối cùng, dù sau đó vẫn có những tiếng khen chê.

Mùa hè lạnh bắt đầu bằng một vụ án mạng tại nhà lão Quảng, một ông già ở tuổi cũng gần đất xa trời. Sau khi khám nghiệm hiện trường, công an bắt đầu vào cuộc điều tra bằng những màn thẩm vấn các nghi can.

Lần lượt Kiên (người thuê phòng trọ), Om (người dọn phòng), lão Tam (người quản lý), Hoa (cô vợ trẻ) đến Nhâm (cô bạn Kiên)… đối diện với cán bộ điều tra. Những câu hỏi thẩm vấn của cảnh sát dần mở ra câu chuyện phim và thân phận từng người…

Một lối kể kiểu Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) nhưng hình thức phức tạp hơn, bởi màn hỏi – đáp không chỉ có một đối tượng mà nhiều đối tượng, và không chỉ có một khung thời gian (trong Slumdog là nội cuộc chơi showgame) mà vài khung thời gian (mỗi người nhiều đợt thẩm vấn).

Ảnh minh họa

Hà Việt Dũng đã có một vai diễn rất tốt

Bố mất, cùng với ký ức thời thơ bé về sự xung đột khiến mẹ bỏ đi, Kiên lên đường vào Nam sau một khoảng cô đơn, vô định ở Hà Nội. Tìm mẹ, với vỏn vẹn một tấm ảnh và một cái tên – là lý do của sự đi Nam, như anh trả lời lần đầu với thẩm tra viên.

Nhưng cũng còn một động lực khác nữa của chuyến đi, như anh trả lời lần khác với viên điều tra – “Tôi vào đây chơi, chỉ định xem thành phố” (đại loại vậy). Lại cũng anh một lần khác, trả lời Nhâm khi cô bảo anh tranh thủ đi thăm thú Sài Gòn - “Anh không thích đi du lịch”. Anh bảo "đợi" khi cô hỏi anh sẽ làm gì tiếp theo ở đây trong khi chờ tin mẹ...

Kiên mông lung, vô định, phần muốn thoát ra khỏi cuộc sống đáng chán nhưng không biết mình cần phải làm gì, và cũng chẳng chủ động làm gì để thay đổi. Hành trình tìm mẹ gian nan và dường như tuyệt vọng vẫn ám ảnh khôn nguôi cả khi anh dính dáng vào một kế hoạch giết người. Đó là khi trở về nhà trọ sũng nước mưa sau một cuộc thẩm vấn, bàng hoàng rồi ngỡ ngàng rồi thất thần khi nhìn thấy gương mặt mẹ ở cả 3 bóng người: cô hàng rong, chị xe đạp và bà ngồi ô tô…

Hà Việt Dũng đã diễn rất tốt, ở cả sự lãng tử vừa phải của một thanh niên vô nghề nhưng hấp dẫn, lẫn sự bế tắc, chút nỗ lực làm việc, và khao khát một tương lai "ngon nghẻ" hơn. Giọng thoại của anh khá thuyết phục, nhất là những câu thoại ngắn với Lý Nhã Kỳ, Hiếu Hiền. Đặc biệt, lối diễn ánh mắt của Dũng rất tuyệt. Ánh mắt phản chiếu sự cô đơn, đôi khi ánh lên lộ tâm hồn tăm tối – trong khi soi mắt Dũng ở ngoài thì không hề, cả 2 trạng thái này.

Thực sự, thử hình dung cũng không nghĩ ra được, để diễn tốt hơn – nhân vật này thì phải làm như thế nào.

Lý Nhã Kỳ đã có một nhân vật hay để thể hiện. Hay ở chỗ nhân vật Hoa ở nửa đầu và nửa cuối phim là 2 con người rất khác, từ số phận đến tính cách. Tuy nhiên, phần đầu cô diễn chưa thuyết phục lắm (có thể vì lúc đấy, nhân vật chưa thuyết phục lắm).

Ảnh minh họa

Midu với lối diễn cơ mặt là người thể hiện chưa được tốt so với dàn diễn viên


Khác với dự đoán Midu sẽ dễ diễn vì sự tương đồng với nhân vật ở lứa tuổi và tính cách, hotgirl này lại không thể hiện tốt lắm vai diễn của mình. Đã thế phim lại có nhiều cận cảnh gương mặt, bàn tay (vốn càng đòi hỏi sự tinh tế trong nét diễn) nên để lộ lối diễn cơ mặt của Midu – còn duy trì lối diễn này thì cô sẽ khó mà trưởng thành.

Hiếu Hiền có thêm một vai diễn đáng nhớ, không quá “mua nước mắt” kiểu như chàng Cười trong Hotboy nổi loạn, mà đa chiều và cũng dày dặn số phận. NSƯT Hồ Kiểng với ngoại hình và kinh nghiệm cũng rất hợp vai, trừ một vài điệu cười không rõ sao lại thế và có cần thiết phải thế. Vai diễn ông Tam và ông công an cũng rất là hợp vai.

Thích nhất là các diễn viên rất phụ - mấy người hàng xóm, khách trọ liên quan bị thẩm vấn – diễn rất đời, dù họ chỉ xuất hiện trong vài chục giây đến vài phút. Những vị khách trọ ngồi bàn về thế sự ở phòng khách thuộc số ít ỏi những nhân vật còn hơi gượng.

(Còn tiếp...)

Teaser chính thức của Mùa hè lạnh


Batigol

Ý kiến bạn đọc