Điện ảnh Việt Nam 2012: Còn lại dấu ấn nào?

10:58, 31/12/2012
|

(VnMedia) - Số lượng phim sản xuất tăng tới 40% so với năm trước, trình độ phim cao hơn, các cụm rạp phức hợp đua nhau ra đời. Điện ảnh Việt 2012 cũng chứng kiến sự phát triển đáng kể cả về đội ngũ lẫn tổ chức.


>> Những dấu hiệu tích cực của điện ảnh Việt
>> Từ nước mắt 'Gái nhảy' tới nụ cười 'Long ruồi'
>> Tư nhân là tương lai gần của điện ảnh Việt?!


Nếu như năm 2009 cho thấy những dấu hiệu tích cực của điện ảnh Việt, năm 2010 – 2011 chứng kiến diện mạo khởi sắc của thị trường thì năm 2012 là một năm thăng hạng đáng kể của điện ảnh Việt, với sự vận động tích cực cả từ môi trường, đội ngũ, số lượng và chất lượng tác phẩm.

 

Một năm nhộn nhịp của thị trường điện ảnh

 

Tháng cuối năm, hệ thống rạp chiếu Việt đón nhận sự khai trương dồn dập của các cụm rạp phức hợp hiện đại. Megastar ra mắt cụm rạp thứ 10 – Pandora tại TP.HCM sau 7 năm vào thị trường Việt Nam, với hệ thống cụm rạp hiện diện tại Hà Nội - Hải Phòng – Đà Nẵng – TP.HCM – Biên Hoà.

 

Ảnh minh họa

Riêng trong năm nay có thêm 8 cụm rạp phức hợp hiện đại ra đời, trong khi cả 6 năm trước đó 17 cụm rạp


BHD cũng cho mở thêm cụm rạp thứ 2 – Icon 68 tại TP.HCM vào đúng dịp Noel này. Trong khi đó, cụm rạp Platinum của công ty Multivision Pictures - đối tác đơn vị này hồi đầu năm mở thêm ở Vincom Long Biên và Giáng Sinh vừa qua cũng đón thêm thành viên thứ 3 tại Nha Trang.

 

Ấn tượng nhất là Lotte Cinema, sau cụm rạp tại Nha Trang hồi giữa năm, lần này cùng lúc cho ra mắt 3 cụm rạp mới ở Hà Đông, Biên Hoà và Đà Nẵng, đóng góp 7 cụm rạp sau 4 năm hoạt động.

 

Những đơn vị này vẫn đang tiếp tục triển khai xây dựng các cụm rạp quy mô và hiện đại hơn. Khi mà khủng hoảng kinh tế vẫn còn ám ảnh ở nhiều lĩnh vực thì chỉ nhìn riêng hiện tượng mở rạp ồ ạt cũng đủ thấy thị trường điện ảnh Việt (với 80 triệu dân) còn đầy tiềm năng và đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

 

Tình hình phim chiếu rạp cũng có sự phát triển nhộn nhịp và đa dạng hơn. So với con số trung bình trên dưới 10 phim/tháng của năm ngoái, hiện nay trung bình một tháng khán giả Việt có thêm lựa chọn thưởng thức với 11-12 phim, có tháng lên tới 15-16 phim. Ngoài điện ảnh Hollywood là chủ lực, và sự mở rộng về thể loại của điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc, còn có những bước khai phá mới mẻ từ Bollywood, Pháp và một chút thăm dò từ điện ảnh Thái Lan , Indonesia .

 

Ngoài hệ thống rạp chiếu thương mại, sự duy trì thường xuyên những LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam, LHP châu Âu, LHP Anh, LHP Đức và năm qua có thêm LHP Hàn của các tổ chức văn hoá nước ngoài, hay những buổi chiếu thường kỳ của các trung tâm văn hoá như Viện Geothe, L’Espace, Hà Nội Cinematheque… cũng giúp người yêu điện ảnh có thêm nhiều cơ hội thưởng thức.

 

Một năm sôi động của các dự án phim

 

Trong một thập niên kể từ khi có sự tham gia của khu vực điện ảnh tư nhân, đồ thị phát triển điện ảnh Việt luôn có chiều hướng đi lên. Đội ngũ làm phim trẻ được bổ sung với nhiều gương mặt mới, trong đó có những đại diện xứng đáng của thế hệ họ, ở lĩnh vực đạo diễn, quay phim… và sự chuyên nghiệp đã thấy rõ hơn ở hầu hết các khâu liên quan như sản xuất, thiết kế mỹ thuật, phục trang – hóa trang, âm thanh, dựng phim, casting… và kịch bản.

Tuy nhiên, chưa năm nào có thể nhìn thấy rõ ràng sự trưởng thành của nền điện ảnh như năm qua, cả về môi trường, đội ngũ, số lượng và chất lượng tác phẩm.

Ảnh minh họa

Sự gia nhập thị trường của các đơn vị mới như ViPhim, Vimax Films, June Entertainment và Blue Productions mang đến niềm tin vào mong muốn làm phim hơn là chỉ nhảy vào kiếm tiền của không ít nhà sản xuất


Nếu như 2 năm 2010 – 2011, nền điện ảnh đã có bước tiến khá đáng kể với sự xuất hiện của nhiều đơn vị sản xuất phim mới, sự gia nhập của những gương mặt đạo diễn trẻ, và con số phim sản xuất từ 13-15 phim/năm (so với con số trung bình dưới 10 phim của những năm trước đó)…

… Thì năm nay, năng lực sản xuất của nền điện ảnh có bước nhảy với hơn 20 phim ra mắt, tăng trưởng tới gần 40%. Đây là tính theo ngày phát hành cho tiện (có phim ra mắt năm nay nhưng sản xuất năm trước, có phim sản xuất năm nay nhưng năm sau mới phát hành), trên thực tế nếu quy chiếu theo thời gian sản xuất thì sự tăng trưởng của năm nay còn gây ấn tượng hơn nhiều.

Nếu sự gia nhập của những đơn vị sản xuất mới năm ngoái hầu như là thất bại (Lan Anh Media, Vina Cinema, Nghệ thuật Việt, Hoàng Trần Films không tạo chút ấn tượng cả về chất lượng lẫn doanh thu, Coco Paris rầm rộ PR rồi cũng thất bại và thậm chí có phim không được ra mắt, Dolfim phim Giữa 2 thế giới chất lượng cũng tạm nhưng không tạo hiệu ứng gì).

… Thì năm nay, bên cạnh những cái (tiếp tục) không ấn tượng là dấu ấn tích cực từ những đơn vị mới như ViPhim (với Lấy chồng người ta), Vimax Films (với Mùa hè lạnh), là sự tử tế tạm thấy từ June Entertainment (Dành cho tháng 6) và kỳ vọng ở Blue Productions (Đường đua)…

Một năm phát triển cả môi trường và đội ngũ

Có lẽ cũng nên điểm qua một chút không khí điện ảnh của năm qua, khi mà sự vận động tích cực của môi trường điện ảnh có thể cảm nhận rõ ràng ở sự hoạt động liên tục của những người làm phim.

Victor Vũ sau bom tấn chuyên nghiệp Thiên mệnh anh hùng, tiếp tục có Scandal chất lượng và bắt tay luôn vào Cô dâu đại chiến phần 2. Lưu Huỳnh sau Lấy chồng người ta đáng giá đang triển khai tiếp dự án Tìm mưa trong cơn bão. Ngô Quang Hải sau Mùa hè lạnh ấn tượng ngay lập tức đến với HIT: Hoàng tử và Lọ lem…

Ảnh minh họa

Thị trường dần trưởng thành để cổ vũ sự mạnh dạn của các nhà sản xuất và trải thêm cơ hội cho nhà làm phim


Thị trường cũng đã trưởng thành hơn đủ cho Charlie Nguyễn sau khi chăm chăm kiếm tiền từ Hội, từ Ruồi, từ Cưới cũng đã dám nghĩ tới bom tấn hành động Bụi đời chợ Lớn, đủ cho Dustin Nguyễn tự tin nhảy vào dự án Lửa Phật vốn trì hoãn bao năm, đủ cho một đạo diễn nhà nước Phạm Nhuệ Giang vừa rời Tâm hồn mẹ đã bước ngay vào Lạc lối, và đủ cho Lưu Trọng Ninh trở lại đầy lợi hại từ bom tấn (kiêm chút siêu phẩm) Khát vọng Thăng Long và tạo nhiều chờ đợi với Bước khẽ tới hạnh phúc.

Còn thấy ở đây những tiếng nói đa dạng và đáng nghe từ một dự án độc lập “nhỏ và đẹp” như Chạm (Nguyễn Đức Minh), từ sự sải bước nhiều dấu ấn tìm tòi và chiêm nghiệm của Đó hay đây (Síu Phạm), từ sự trở về hứa hẹn của Hàm Trần và Linh Bùi với Âm mưu giầy gót nhọn, và ít nhiều kỳ vọng vào nhân tố mới Nguyễn Khắc Huy với Đường đua.

Chưa khi nào, thị trường phim Tết có sự cạnh tranh mạnh mẽ như năm nay, với 8 bộ phim ra rạp vào Tết 2013 (so với 3 phim của năm 2011, 5 phim của năm 2012).

Ngoài những cái tên quen thuộc của mùa phim “bánh mứt” như Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Quang Minh, Lê Bảo Trung và một chút Nguyễn Chánh Tín, còn có sự gia nhập thú vị của đạo diễn sân khấu Trần Ngọc Giầu, gương mặt diễn viên quen thuộc Nguyễn Phương Điền (trưởng thành từ vai trò phó đạo diễn), cái tên lạ Đỗ Quang Hải Âu và niềm tin mạnh mẽ vào Ngô Quang Hải.

Tiếp: Top 5 phim xứng Oscar của điện ảnh Việt

 Phim ra rạp 2011

Đạo diễn (Hãng sản xuất) 

Ngày công chiếu 

1. Hello cô Ba

Nguyễn Minh Quang (Phước Sang)

 12/1

2. Vũ điệu đường cong

Nguyễn Trọng Khoa (WE Entertainment – Cinebox -Dolfim – HK Film)

 12/1

 3. Lời nguyền huyết ngải

Bùi Thạc Chuyên (Galaxy)

13/1

 4. Lệ phí tình yêu

Nguyễn Văn Chung (BHD – HK Film – Phương Nam )

 20/1

 5. Thiên mệnh anh hùng

Victor Vũ (Phương Nam – Saiga – Thanh Niên)

 20/1

 6. Ngôi nhà trong hẻm

Lê Văn Kiệt (Coco Paris )

 14/2

 7. Giấc mộng giầu sang

Công Hậu (Vina Cinema)

 2/3

 8. Ngọc viễn đông

Cường Ngô (Oriental Pearl – Wonderboy)

 18/3

 9. Chạm

Nguyễn Đức Minh (hải ngoại)

 30/3

10. Cưới ngay kẻo lỡ

Charlie Nguyễn (Chánh Phương)

 20/4

11. Bẫy cấp 3

Lê Văn Kiệt (Coco Paris )

 18/5

12. Dành cho tháng Sáu

Nguyễn Hữu Tuấn (June Entertainment)

 25/5

13. Gia sư nữ quái

Lê Bảo Trung (LBT Entertainment – Tincom Media)

 1/6

14. Ranh giới trắng đen

Hợp tác Indonesia (Vina Cinema)

 6/7

15. Nàng men, chàng bóng

Võ Tấn Bình (Galaxy – HK Film – Toàn Việt)

 30/8

16. Lấy chồng người ta

Lưu Huỳnh (ViPhim)

 21/9

17. Scandal

Victor Vũ (Galaxy – Saiga Films)

 12/10

18. Cát nóng

Lê Hoàng (Hãng phim Giải phóng)

 25/11

19. Đam mê

Phi Tiến Sơn (Hãng phim Truyện)

 25/11

20. Đó hay đây

Síu Phạm (HK Films)

 25/11

21. Mùa hè lạnh

Ngô Quang Hải (Vimax Films)

 21/12


 Phim sản xuất 2011

 


Dự kiến ra rạp

22. Mỹ nhân kế

Nguyễn Quang Dũng (Galaxy – HK Films)

Tết 2013

23. Thạch Sanh 3D

Đỗ Quang Hải Âu (Golden eyes)

Tết 2013

23. Nhà có 5 nàng tiên

Trần Ngọc Giầu (Sóng vàng – Century Star – Midi )

Tết 2013

24. Hiệp sỹ guốc vuông

Nguyễn Chánh Tín (Chánh Tín Films)

Tết 2013

25. Iêu em, anh dám không

Nguyễn Quang Minh (Phước Sang)

Tết 2013

26. Bay vào cõi mộng

Nguyễn Phương Điền (HK Films)

Tết 2013

27. HIT: Hoàng tử và Lọ Lem

Ngô Quang Hải (Vimax Films)

Tết 2013

28. Lọ Lem Sài Gòn

Lê Bảo Trung (Hoàng Thần tài Media)

Tết 2013

29. Đường đua

Nguyễn Khắc Huy (Blue Productions)

Tháng 3/2013

30. Bụi đời Chợ Lớn

Charlie Nguyễn (Chánh Phương)

Tháng 4/2013

31. Lửa Phật

Dustin Nguyễn (BHD)

Tháng 8/2013

32. Những người viết huyền thoại

Bùi Tuấn Dũng (Hãng phim Truyện)

Chưa xác định

33. Bước khẽ tới hạnh phúc

Lưu Trọng Ninh (Phương Nam – Hồng Ngát Films)

Chưa xác định

34. Lạc lối

Phạm Nhuệ Giang (Hãng phim Truyện)

Chưa xác định

 


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc