Chuyện xem phim ở LHP quốc tế Hà Nội

07:41, 01/12/2012
|

(VnMedia) - Nhiều fan điện ảnh Việt sống ở nước ngoài hoặc công việc có cơ hội đến các LHP quốc tế, từng kể về cảm giác “sống” trong không gian điện ảnh khi ngày xem liền tù tì 4-6 suất chiếu phim. Thì ở LHPQT Hà Nội lần này, những người yêu điện ảnh cũng có cơ hội trải nghiệm cảm giác ấy.

>> Phim nội sẽ mở màn LHPQT Hà Nội
>> Xem lại hơn 30 phim Việt trong LHPQT Hà Nội

Đông nhất: Amour, Thưa nhất: Bác Boonmee

LHP quốc tế Hà Nội lần này có trình chiếu một số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới như Amour (Cành cọ Vàng 2012), A Seperation (Gấu Vàng Berlin 2011), We need to talk about Kevin (dự thi Cannes 2011), Iron Lady (Nữ chính Oscar 2012), Uncle Boonmee (Cành cọ Vàng 2010). Buổi họp báo sát ngày khai mạc LHP, BTC công bố thêm bộ phim Secret in their eyes – bộ phim Argentina dành Oscar 2010 cũng mới về đến Việt Nam, tuy nhiên không thấy bộ phim này được cập nhật trong danh sách phim chiếu tại các rạp.

Ảnh minh họa

Bác Boonmee - bộ phim Thái Lan đầu tiên dành giải Cành cọ Vàng 2010 chỉ bán được 3 vé


Chiếu phim nghệ thuật là việc hiển nhiên của các liên hoan phim, và chu du các liên hoan phim là con đường tất yếu của dòng phim này – bởi chúng rất ít có cơ hội tại các rạp chiếu phim thương mại. Ngay cả phim nghệ thuật Hollywood, nếu không lọt tầm ngắm của nhà phát hành tên tuổi cũng chẳng dễ có cơ hội phổ biến. Tình hình nhiều phim thuộc dòng kén khán giả của Việt Nam như Hạt mưa rơi bao lâu, Trăng nơi đáy giếng hay mới đây là Tâm hồn mẹ đến nay vẫn chưa có cơ hội ra rạp Việt, hay những phim như Chơi vơi, Bi, đừng sợ được phát hành nhưng cũng chỉ trụ rạp được ít ngày… là những ví dụ không xa.

LHPQT Hà Nội còn mới mẻ, nên việc có một số tác phẩm tên tuổi trở thành điểm sáng để truyền thông giật tít. Thực tế thì, các phim này ra đời từ cách đây 1-2 năm, và đối với nhiều fan cine thì cũng là… đã cũ. Trong khi, đây mới là đối tượng chính xem những phim này.

Vì thế, trừ Amour của Pháp, những bộ phim còn lại không quá hút khách. Amour được chờ đợi nhất, ngoài việc từng dành Cành cọ Vàng hồi tháng 5 thì một lý do lớn là nó chưa có mặt tại Việt Nam qua đường đĩa lậu.

Trước LHP, BTC dự định chiếu phim cho báo giới, tuy nhiên, rạp chiếu của Cục Điện ảnh không thể đáp ứng tiêu chuẩn chiếu bộ phim này – với độ phân giải 4K hiện đại nhất hiện nay.

Trong LHP, Amour được chiếu ở phòng 142 chỗ ngồi tại cụm rạp Megastar Picomall vào tối 28-29/11 và hết sạch vé.

Nhân viên rạp chiếu này cũng cho biết, đông nhì ở các suất chiếu phim ngoại tại đây là Fly me to the moon - phim mới của diễn viên Diane Kruger, Something in the air – bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Oliver Assayas, đều nhận được phản hồi tích cực của khán giả. My way – bộ phim của đạo diễn ăn khách số 1 Hàn Quốc Kang Je Gyu cũng thu hút rất đông khách mời (có những phim khán giả lấy giấy mời xong lại bỏ không đến xem).

Trong khi đó, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, bộ phim Bác Boonmee (Thái Lan) từng dành Cành cọ Vàng 2010 chỉ có 3 người mua vé, cộng thêm khoảng hơn 10 khán giả xem bằng vé mời. 40 phút ngồi trong rạp, trong đó có khoảng 10 phút chợp mắt, tôi đi ra ngoài, tự nhủ một lúc nào đó sẽ xem lại phim này. Và gặp 3 khán giả trẻ khác cũng đứng lên ra về.

Phim Việt hút khách, phim châu Á hút fan cine

Trong khi các bộ phim nước ngoài được dành 30% giấy mời (phát ngay tại các cụm rạp), còn 70% bán vé với mức giá ưu đãi một nửa so với giá hiện hành, thì phim Việt được phát 100% giấy mời.

Đây cũng là lý do khiến các bộ phim Việt luôn có lượng khán giả đông đảo. Đam mêThiên mệnh anh hùng đều kín rạp khán phòng 180 chỗ ở TTCPQG, trong khi các phim dự thi nước ngoài chỉ được khoảng nửa rạp.

Ảnh minh họa

Telegram (Bức điện) - phim đầu tay của đạo diễn Iskanda Usmonov (Tajikistan) từng gây ấn tượng tại một số LHP quốc tế nhỏ trước khi được vinh danh tại HANIFF

Hơn 30 bộ phim Việt khác được chọn chiếu trong dịp này tập trung ở các rạp Ngọc Khánh, Kim Đồng, Tháng 8, Đại Đồng và một số ít chiếu rải rác tại TTCPQG, Megastar.

Trưa 28, qua rạp Ngọc Khánh, thấy suất chiếu lúc 4h chiều của Vị đắng tình yêu với sự giao lưu khán giả của Lê Tuấn Anh, Lưu Phước Sang vẫn còn vài chục vé. Trong khi đó, bộ phim Tâm hồn mẹ chiếu lúc 8h tối với sự giao lưu của Hồng Ánh đã hết vé, có thể vì bộ phim này nhiều khán giả chưa được xem trước đó. Thị trấn yên tĩnh của đạo diễn Lê Đức Tiến cũng là phim đông khách ở đây.

Ở TTCP quốc gia, nhân viên bán vé cho biết Thương nhớ đồng quêCanh bạc cũng đông người xem. Đặc biệt là bộ phim Lời nguyền huyết ngải, có lẽ do có sự ủng hộ tích cực của đội ngũ học sinh, sinh viên là dân Chúng ta làm phim (Trung tâm TPD) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nên kín rạp ở cả 2 suất chiếu tại Tháng 8 và Kim Đồng.

Một tiếc nuối của bản thân dịp này là không có thời gian để xem được Hãy tha thứ cho em – một trong những bộ phim “tư nhân” đầu tiên ở miền Bắc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, và Xương rồng đen – bộ phim ấn tượng nhất của Việt Trinh với vai cô gái Chăm tên Mạ, là những tác phẩm chưa từng được xem qua tivi, hay cũng chẳng có ở thư viện phim của TPD.

Hạng mục Phim dự thi, với nhiều tác phẩm hầu hết đều chưa được biết đến -  không quá thu hút khán giả nhưng lại là nơi gặp gỡ của nhiều fan cine. Trọng Thưởng (công ty Sumitomo) ngày nào cũng đến TTCPQG để xem liền 3-4 phim. Cũng gặp ở đây một số gương mặt quen thuộc trong cộng đồng điện ảnh, tuy nhiên chính báo giới lại chỉ có đôi ba người.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc